A. MỞ ĐẦU
Lỗ Tấn là một nhà văn vĩ đại của Trung Quốc. Ông đã dùng ngòi bút của
mình tham gia vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dồn hết tài năng và tâm
huyết để vạch mặt phong kiến, đế quốc đồng thời phanh phui, mổ xẻ những thói hư
tật xấu của xã hội. Các tác phẩm chính của ông gồm : Gào thét, Bàng hoàng, A.Q chính truyện, Nấm mồ, Cỏ dại, Thuốc… Thuốc là một truyện ngắn tiêu biểu cho chủ đề
nổi bật trong sáng tác Lỗ Tấn- tìm các căn bệnh tinh thần quốc dân đang cản trở
con đường giải phóng dân tộc.
Thi pháp là quá
trình sáng tạo những hình thức nghệ thuật của tác phẩm, là những phương thức,
phương tiện, những thao tác nghệ thuật của nhà nghệ sĩ ngôn từ. Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Thuốc, nắm được
những phương thức, phương tiện nghệ thuật để đi sâu khám phá ngòi bút độc đáo, thấm đượm
giá trị nhân văn và cách mạng của Lỗ Tấn. Từ đó hiểu hơn về quan niệm nghệ thuật
cũng như tư tưởng nhân văn của nhà tư tưởng lớn.
B. NỘI DUNG:
I.
Một số vấn đề chung
1.
Thi pháp và thi pháp thể loại truyện ngắn
1.1.
Thi pháp
Ngày nay, thuật ngữ “thi pháp” không có gì xa lạ với những người học tập,
nghiên cứu hoặc quan tâm đến thưởng thức, phê bình văn học. Vấn đề tiếp cận văn
học theo hướng thi pháp, ở Việt Nam, được khởi xướng khoảng từ giữa thế kỉ XX,
cho đến nay không còn mới mẻ, đặc biệt là từ khi tự sự học ra đời. Tuy nhiên,
nó vẫn đang giữ một vị trí quan trọng trong việc định hướng tiếp nhận văn học.
Thi pháp, ngày nay vẫn được xem là chìa khóa để khám phá tác phẩm. Quả thực, nó
đã đem lại cho nghiên cứu, phê bình văn học những chiêm nghiệm sâu sắc, thú vị.
Thuật ngữ “thi pháp” được xem như xuất hiện lần đầu tiên với cuốn Nghệ
thuật thi ca của Aristotte ở thời cổ đại. Trong đó, ông coi sáng tác như là một
kĩ thuật. Sau Aristotte, nhà thơ Horace viết cuốn Nghệ thuật thơ cũng dạy cách
làm thơ. Trước đây, ở nước ta nhiều người cũng đã hiểu “thi pháp” như là phương
pháp làm thơ. Đó là cách hiểu nặng về thi pháp học sáng tác.
Ngày nay, thi pháp học hiện đại quan niệm “thi pháp” là “hệ thống các phương thức phương tiện biểu hiện
đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn học”. (Từ điển thuật
ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên, Nxb ĐHQG Hà Nội,
1997). Theo đó, mục đích của thi pháp học là nhằm “chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản nghệ thuật tham gia
vào sự tạo thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mĩ, chiều sâu phản ánh của
sáng tác nghệ thuật”. Có thể thấy, thi pháp học hiện đại thiên về thi pháp
học tiếp nhận.
Người ta có thể nói tới thi pháp của một tác phẩm, thi pháp sáng tác của
một tác giả, thi pháp của một trào lưu, một thời kì, một giai đoạn, một khuynh
hướng… “Xét các phương tiện, phương thức
nghệ thuật đã được chia tách, có thể nói tới thi pháp của một thể loại…” (
Từ điển thuật ngữ văn học).
1.2.
Thi pháp thể loại truyện ngắn
Thể loại văn học, theo Từ điển thuật ngữ văn học “là dạng thức của tác phẩm văn học,…thể hiện sự giống nhau về cách thức
tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về
tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy”.
Vì vậy, có thể hiểu “thi pháp thể loại” là hệ thống các phương thức phương tiện
nghệ thuật biểu hiện đời sống đã trở thành một hệ thống đặc trưng của một thể
loại văn học nhất định.
Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một
cách nắm bắt đời sống rất riêng theo kiểu thể loại. Truyện ngắn, so với tiểu
thuyết thường có ít nhân vật, sự kiện hơn, thường phát hiện một nét bản chất
trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người.
Xét thi pháp thể loại truyện ngắn, người ta thường xét tới các yếu tố cốt
truyện, kết cấu, nhân vật, không thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu…Đó
là những yếu tố cơ bản nhất của thi pháp thể loại truyện ngắn.
a. Cốt truyện
Cốt truyện là chuỗi các sự kiện được tạo dựng trong tác phẩm tự sự và kịch.
Truyện ngắn là thể loại thuộc phương thức tự sự vì vậy truyện ngắn cũng có cốt
truyện. Cốt truyện là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội, thể
hiện cái nhìn của nhà văn đối với cuộc sống, có sức mạnh hấp dẫn và lôi cuốn người
đọc. Chuỗi sự kiến, biến cố ấy được hình thành chủ yếu dựa trên hành động của
nhân vật, được tổ chức theo quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa. Trên
cơ sở đó, mỗi tác giả và ngay ở mỗi tác phẩm cũng thể hiện một phương thức xây
dựng riêng. Việc tìm hiểu thi pháp cốt truyện vì vậy không phải là tìm hiểu
truyện đó kể cái gì mà là phát hiện dụng ý và quan niệm của tác giả.
b. Nhân vật
Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu tác phẩm văn học. Goethe – đại văn
hào người Đức từng nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người”. Còn
M.Gorki – đại văn hào người Nga thì nói : “Văn học là nhân học”. Thật vậy, Con
người chính là đối tượng hàng đầu của văn học.
Con người được tái hiện trong các tác phẩm văn học được gọi là nhân vật
văn học. Theo Trần Đình Sử, “nhân vật” là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các
cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo,
thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Các yếu tố thông
thường của một nhân vật gồm có: tên, nguồn gốc, ngôn ngữ, hành động, tâm lí,
tính cách, số phận…Nhân vật là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự miêu tả thế
giới của văn học có được chiều sâu và tính hình tượng. Nhờ có nhân vật với những
lời nói, hành động,
tương tác mà cốt truyện được hình thành.
Nó được xem như là chìa khóa để nhà văn bước vào thế giới hiện thực, tiếp cận
những đề tài, chủ đề mới mẻ, miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội. Và
do đó, nhân vật văn học còn có khả năng giúp nhà văn thể hiện quan niệm nghệ
thuật về thế giới, về con người.Vì vậy việc tìm hiểu nhân vật không phải là liệt
kê hàng loạt những chi tiết về nhân vật đó. Điều quan trọng là phân tích được,
chỉ ra được dụng ý của tác giả, quan niệm tư tưởng của tác giả về cuộc sống,
con người.
c. Thời gian nghệ
thuật
Thời
gian nghệ thuật là một phạm trù đặc trưng của văn học. Bởi văn học là nghệ thuật
thời gian. “Thời gian nghệ thuật là đối
tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả, là sự tự ý thức và cảm giác về sự vận động
và thay đổi của thế giới… của văn học”. Thời gian trong văn học không giản
đơn là cái dung chứa các quá trình đời sống mà là nhân tố độc lập tham gia vào
hành động nghệ thuật, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội
dung nghệ thuật.
d. Không gian
nghệ thuật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá
Hán định nghĩa: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng
nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”.
Cũng như thời gian nghệ thuật,
không gian nghệ thuật là hình thức tồn
tại của thế giới nghệ thuật. Không
có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào
không có một nền cảnh nào đó. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình
cũng nhìn nhận sự vật trong một khoảng cách, góc nhìn nhất định.
Không
gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và
thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không thể quy nó về không gian địa lí hay không gian vật lí
vật chất. Bản thân không gian địa lí, vật lí vật chất chưa phải là không gian
nghệ thuật. Chúng được xem là không gian nghệ thuật một khi biểu hiện mô hình
thế giới của con người.
e. Ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ là chất liệu của tác phẩm văn học. Bởi văn học chính là nghệ thuật
ngôn từ. Có ngôn ngữ mới có cốt truyện, có nhân vật, có không thời gian nghệ
thuật…Cũng từ ngôn ngữ đó mà hình thành giọng điệu của nhà văn. Viết như thế
nào cho sâu sắc cho hấp dẫn với nhà văn luôn là một thử thách. Với việc tiếp nhận,
thì ngôn ngữ, giọng điệu là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp, sức
hấp dẫn riêng cho tác phẩm.
2.
Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc
Lỗ Tấn
(1881–1936) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được giới
nghiên cứu văn chương coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung
Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn.
Lỗ Tấn là một trong những nhân vật đi tiên phong, tìm mọi cách để giúp
cho đất nước Trung Quốc thức tỉnh, tiến kịp trào lưu tiến bộ của nhân loại. Thời
kỳ đầu ông chưa phải là người cộng sản, tuy vậy, trước những thất bại liên tiếp
của các cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc thời cận đại, ông vẫn tin tưởng
có một ngày nhân dân Trung Quốc sẽ tìm ra con đường tự giải phóng.
Với niềm
tin như thế, Lỗ Tấn hăm hở đi vào các ngành khoa học tự nhiên vì nghĩ rằng
khoa học tự nhiên có thể giúp Trung Quốc xoá bỏ tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Song,
sau lần xem phim ở trường Đại học y khoa Tiên Đài tại Nhật bản, thấy cảnh người
Trung Quốc bị lính Nhật chặt đầu để uy hiếp mà những người Trung Quốc đứng
quanh đó vãn thờ ơ, ông giật mình mà nghĩ rằng: "dân mà ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khoẻ mạnh cũng chỉ
có thể làm thứ người mà người ta đưa ra chém đầu thị chúng và là thứ người đứng
xem cuộc thị chúng vô vị thế kia mà thôi", nên trước hết phải biến đổi
tinh thần của họ, mà muốn vậy, không gì bằng văn nghệ. Và thế là ông bỏ học
y mà chuyển sang hoạt động văn nghệ.
Lỗ Tấn là một nhà văn có ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách
nhiệm và luôn tâm niệm: “Tôi vẫn ôm cái mộng “khải mông” mười năm về
trước, cho rằng cần phải “vị nhân sinh” và lại phải cải tạo nhân sinh đó… Cho
nên mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật,
với mục đích là lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy
chữa.”. Với ông, viết văn để góp phần chạy chữa bệnh trạng tinh thần cho
người dân đang từng ngày bị đầu độc bởi các thứ văn hóa nô dịch, ma giáo, thần
quyền, hủ tục
Dưới tiền đề tự nhận thức để tự cải tạo linh hồn dân tộc, hai loại hình
tượng được tập trung chú ý là nông dân và trí thức. Qua số phận của hai nhân vật
này, chủ đề chung được triển khai đa dạng là sự thông suốt linh hồn, sự giáo dục
và tái giáo dục tâm hồn. Do tập trung chú ý trạng thái tâm hồn của đối tượng
nên nhân vật đều là nhân vật tâm trạng hoặc khoảnh khắc của tâm trạng. Nhân vật
không được miêu tả về xuất thân, về thành phần cũng không có ngoại hình chi tiết
mà chủ yếu được khắc họa ở nỗi đau tinh thần.
Thể hiện những vấn đề lớn lao và sâu sắc như thế nhưng truyện ngắn của Lỗ
Tấn có cấu trúc rất đơn giản, bình dị. Đọc truyện ta bắt gặp gương mặt lo âu,
khắc khoải, đau khổ của tác giả. Nhà văn tự dấu mình đi nhưng lại xuất hiện khắp
nơi, trong từng câu từng chữ. Âm vang Lỗ Tấn là âm vang của những dấu hỏi kì lạ
buộc người đọc không thể dửng dưng. Nó là tiếng chuông cảnh tỉnh và nó được viết
ra với thái độ tự phê phán. Đó là sự trăn trở, lo âu về vận mệnh dân tộc, về số
phận nhân dân.
Tuyện
ngắn Thuốc được viết ngày 25 tháng 4 năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ
bùng nổ. Trong bài Hồi ức
Anh Phạm Ái Nông, ông nói đến nữ chiến sĩ Cách mạng Thu Cận (1875 – 1907)
người cùng quê Thiệu Hưng, du học Nhật trở về sáng lập tờ Trung Quốc nữ bào
phát động phong trào phụ nữ bị bắt lên đoạn đầu đài năm 32 tuổi. Ông nói viết Hạ
Du là để nói về Thu Cận.
Đây
là thời kì đất nước Trung Hoa bị các đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật xâu xé.
Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa nhưng nhân dân lại an
phận chịu nhục “Người Trung Quốc ngủ mê
trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Đó là căn bệnh đớn hèn, tự
thoả mãn, cản trở nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. Thuốc đã ra đời
trong bối cảnh ấy với một thông điệp: cần suy nghĩ nghiêm khắc về một phương
thuốc để cứu dân tộc.
II.
Thi pháp truyện ngắn Thuốc
1.
Cốt truyện
“Thuốc” có cốt truyện đơn giản. Truyện
được phát triển theo trình tự: 1) Lão Hoa Thuyên đi mua thuốc - bánh bao tẩm
máu tử tù - đem về chữa bệnh lao cho con. 2) Vợ chồng lão Hoa nướng “thuốc” và
thằng Thuyên - con trai ăn “thuốc”.
3) Bọn khách trong quán trà và bác Cả Khang nói về “thuốc”và bàn về
tên tử tù. 4) Bà Hoa và bà Tứ cùng đi thăm mộ con và gặp nhau trong nghĩa địa
nhân ngày thanh minh.
Câu chuyện nhẹ
nhàng, không có xung đột gay cấn, nhưng đó một cốt truyện hoàn chỉnh, chặt chẽ,
mang nhiều ý nghĩa sâu sắc mặt tổ chức nghệ thuật và chuyển tải được một nội
dung mang tính cách mạng cao.
Nhân vật trung tâm của truyện cũng khá đặc biệt. Truyện
của Lỗ Tấn có nhiều nhân vật nhưng khó xác định được đâu là nhân vật chính. Đây
là loại truyện được viết theo kiểu xén mặt ngang cuộc sống, tái hiện một mẩu
đời trong một khoảnh khắc nào đó. Tác giả không tập trung mô tả nhân vật nào. Qua đối thoại của
các nhân vật, qua hành động của nhân vật,
Lỗ Tấn dần dần giới thiệu rõ tính cách của nhân vật, phát triển chủ đề tác phẩm.
Cách tác giả không đặt nhân vật
người cách mạng ở vị trí trung tâm mà đặt nhân vật xuất hiện phía sau quần
chúng đám động thể hiện được chủ đề thức tỉnh quần chúng của truyện.
Truyện có nhiều chi tiết nghệ thuật đắt giá, có ý nghĩa lớn
đối với việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Đó là chi tiết: con đường
mòn chia ranh giới nghĩa địa giữa người chết chém hoặc chết tù phía tay trái và
nghĩa địa những người nghèo phía tay phải; chi tiết bà mẹ thằng Huyên bước qua
con đường mòn để an ủi mẹ Hạ Du. Một con đường mòn nhỏ cong queo chia nghĩa địa
ra hai phần: Một bên là nấm mồ của những người chết chém hoặc chết tù;
một bên là mộ của những người nghèo. “Cả
hai bên mộ dày khít, lớp này lớp khác như bánh bao nhà giàu mừng thọ.”.
Trong định kiến xã hội về những người tử tù mà giai cấp thống trị tạo ra, giữa
họ có một ranh giới ngăn cách, nhưng thực ra cả hai bà mẹ và những đứa con của
họ đều là nạn nhân của giai cấp thống trị trong xã hội. Một cái chết vì lưỡi
dao oan nghiệt của chế độ, một cái chết vì liều thuốc ngu dân của chế độ.
Trong một khoảnh khắc của sự cảm thông, bà Hoa đã bước qua con đường mòn ngăn
cách để đến với người mẹ của kẻ tử tù. Đó là một sự cố gắng không dễ để vượt
qua và là dấu hiệu khởi đầu của sự thức tỉnh của người lao động.
Hình ảnh vòng hoa trên nấm mồ Hạ Du có một ý nghĩa đặc biệt.
Hạ Du bị xem là "kẻ thù của chế độ" vậy mà có ai đó vẫn dám đặt trên
nấm mồ Hạ Du một vòng hoa khác thường. Phải chăng đó là một sự lựa chọn đường
đi của những người còn sống? Tạm thời quần chúng còn chưa được giác ngộ, chưa
hiểu nhiều về cách mạng, song Lỗ Tấn tin rằng căn bệnh u mê của họ vẫn còn có
thể chữa được. Vòng hoa trên mộ Hạ Du là niềm tin thấp thoáng về
tương lai cách mạng ẩn hiện trong quần chúng trong những ngày đen tối của thời
cuộc. Vòng hoa đó không chỉ có ý nghĩa tưởng niệm mà còn là
một lời hứa trước anh linh của người đã khuất, là một sự thách
thức đối với chế độ xã hội đương thời, là biểu tượng của tương
lai cách mạng sẽ nở hoa.
Sự
ngơ ngác của bà mẹ Hạ Du khi đặt câu hỏi “Cái gì thế này?”, “Thế này là thế nào?” đã tạo ra một ám ảnh khôn nguôi, khiến người đọc “không trả lời không yên” (Nguyễn Tuân). Và tiếng quạ kêu cất
lên sau tiếng khóc, sau lời nguyền của bà Hoa, bà Tứ làm cho âm điệu chủ đạo
của thiên truyện “Thuốc” này thêm não nùng, ai oán!
2.
Thi pháp nhân vật
Với quan niệm viết
văn
để tìm câu trả lời cho câu hỏi
“căn bệnh của quốc dân ở đâu”, để góp
phần chữa bệnh trạng tinh thần cho người dân, để đánh thức “Người Trung Quốc vẫn ngủ say trong một cái
nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ” và cải tạo linh hồn dân tộc. Nhân vật trong
truyện ngắn Thuốc cũng giống như những nhân vật khác trong truyện ngắn Lỗ Tấn –
đều không được miêu tả về xuất thân, về
thành phần cũng không có ngoại hình chi tiết mà chủ yếu được khắc họa ở nỗi đau
tinh thần.
Nhân vật được chia thành hai tuyến
xen kẽ nhau: một bên là lão Hoa Thuyên và đám quần chúng; một bên là người chiến
sĩ cách mạng Hạ Du. Hai tuyến nhân vật này được liên kết lại bởi cái bánh bao tẩm
máu người.
Tính cách của lão Hoa Thuyên và
đám quần chúng được khắc họa qua hành động mua và bán bánh bao.
Lão Thuyên đi tìm mua bánh bao được
tẩm máu người để chữa bệnh lao cho con trai. Lão là người thật thà nhưng lạc hậu, lão tin rằng
bánh bao tẩm máu người có thể chữa lành bệnh cho con trai nên lấy hết số tiền
dành dụm của mình mua cho con ăn. Kết quả của tình thương mê muội ấy đã khiến
bé Thuyên chẳng những không khỏi bệnh mà còn vô tình đẩy bé đến cái chết hết sức
oan uổng. Cái chết của bé Thuyên không phải là chết vì bệnh tật mà chết vì sự
mê muội, sự mê tín đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân Trung Hoa thời ấy.
Sinh mệnh của bé Thuyên đã được định đoạt bởi sự lạc hậu, ngu dốt của người dân
về khoa học kĩ thuật.
Không phải chỉ có một mình lão Hoa Thuyên đi tìm mua thứ thuốc kia
mà còn có bao nhiêu người “... họ
xô nhào tới như nước thuỷ triều... người nào người ấy dướn cổ ra như cổ vịt bị
một bàn tay vô hình nắm lấy, xách lên..”
Có thể thấy, tình trạng u mê thể
hiện trong niềm tin vào thứ thuốc lạ lùng ấy không còn là một hiện tượng cá biệt
nữa mà đã trở thành căn bệnh của rất nhiều người. Những người khách đến
quán trà của lão đều đồng tình, ủng hộ cho việc làm của lão Thuyên, thậm chí
còn động viên để lão yên tâm về phương thuốc đặc biệt ấy:
“ Người mặt thịt ngang phè vẫn nói oang oang:
-
Cam đoan thế nào cũng khỏi. Thứ thuốc này đặc biệt lắm. Ông tính lấy về còn
nóng hôi hổi, và ăn cũng còn nóng hôi hổi.”
“
- Ừ, thằng Thuyên nhà ông may phúc thật! Nhất định khỏi thôi mà! Chẳng trách
ông cứ cười cả ngày!”
“Bác
Cả Khang chạy lại, vỗ vai, nói :
-
Thuyên à! Cam đoan thế nào mày cũng khỏi. Mày đừng ho như thế. Cam đoan thế nào
cũng khỏi.”
Với
những lời khẳng định chắc chắn như vậy, chứng tỏ người dân đã tin đến mù quáng
vào phương thuốc đặc biệt ấy. Qua việc chiếc bánh bao tẩm máu người, người đọc
nhận thấy một sự lạc hậu đến dốt nát của người Trung Quốc lúc bấy giờ. Chính sự
thiếu hiểu biết về khoa học, mê tín dị đoan là điều khó tránh khỏi. Cho nên,
người dân đã vô tình tạo nên bi kịch đáng sợ mà không hề biết. Tác phẩm miêu tả
bi kịch của một gia đình nhưng lại có ý nghĩa khái quát về xã hội.
Lỗ Tấn có một cách xây
dựng nhân vật rất đặc biệt: không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí chủ yếu mà
đặt ở tuyến ngầm phía sau nhân vật đám đông để khắc hoạ chủ đề thức tỉnh quần
chúng của truyện.
Nhân
vật Hạ Du không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà được giới thiệu thông qua
các nhân vật khác và qua thái độ của người kể chuyện. Máu tẩm bánh bao để chữa
bệnh là máu của Hạ Du - một người yêu nước, một nhà cách mạng tiên phong, dũng
cảm xả thân vì nghĩa lớn. Người dân đổ xô đi xem anh bị tử hình, chen chúc nhau
mua máu, bán máu. Trong mắt của bộ phận quần chúng nhân dân, anh là cái “thằng khốn nạn”,“hắn điên thật rồi”. Họ
cùng bàn tán về cái chết của Hạ Du với thái độ miệt thị, cho rằng hành động của
anh là phản nghịch, là làm giặc. Và họ cho rằng trong cái chết của Hạ Du có hai
người gặp may. May nhất là Cụ Ba nhờ tố cáo cháu mình nên được thưởng một số
tiền lớn mà gia đình khỏi bị liên luỵ, còn lão Hoa thì có máu Hạ Du để chấm
bánh bao làm thuốc chữa bệnh cho thằng Thuyên.
Một
con người thức thời, đi trước buổi bình minh của thời đại, thức dậy sớm khi mọi
người còn “mê ngủ trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”, giác ngộ lí
tưởng cách mạng, chiến đấu hi sinh vì quần chúng lại bị chính quần chúng lên
án. Anh rất cô đơn, không ai hiểu anh kể cả mẹ anh.
Cái
chết của bé Thuyên và những phản ứng khác nhau của người dân về cái chết của Hạ
Du đã chứng tỏ Lão Hoa Thuyên và quần chúng nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn
lạc hậu, chưa tiếp cận được với tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Quần chúng tỏ ra
lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ trước số phận của đồng loại. Một thái độ lãnh đạm đến
tàn nhẫn, xót xa. Lỗ Tấn thấy nông dân Trung Quốc lúc bấy giờ phần lớn đều biểu
hiện cái thái độ lãnh đạm, sống riêng lẻ, cô độc trong cuộc sống ở nông thôn.
Lỗ Tấn cũng đã từng xót xa: “tạo hóa sinh
ra con người vốn rất tài tình khiến cho người này không sao cảm thông được nỗi
đau trên thể xác người kia. Rồi các bậc thánh hiền và đồ đệ của người lại bổ
khuyết cho đấng tạo hóa, làm cho người ta không thể cảm thông được nỗi thống
khổ về tinh thần của nhau nữa.” Có thể nói, Lỗ Tấn đã nhìn nhận một cách
thẳng thắn những thói hư tật xấu của người dân. Chính thái độ sống hẹp hòi, ích
kỉ, tư lợi, thiển cận vô tình biến họ thành những điểm yếu để giai cấp thống
trị lợi dụng, điều khiển.
Hầu
như người dân vẫn còn mơ hồ, ấu trĩ về chính trị, bàng quan trước những biến
động của thời cuộc, không hề biết gì đến cách mạng. Cho nên họ quay lưng với
cách mạng, máu của người cách mạng trở thành máu hàng béo bở để trục lợi, kiếm
chác. Lỗ Tấn nêu lên một vấn đề: một trong những nguyên nhân khiến cách mạng tư
sản thất bại là họ chưa có cơ sở quần chúng, là công tác tuyên truyền còn quá
yếu, hay vì cuộc cách mạng này chưa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
3.
Thi pháp thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật được xây dựng
trong truyện Thuốc là thời gian tuyến tính, thời gian dịch chuyển.
Đó là một buổi sáng sớm, chưa
sáng hẳn song cũng đã chuyển sang một ngày mới với “một đêm thu gần về sáng,
trăng lặn rồi, nhưng mặt trời chưa mọc”. Bóng tối bao trùm lên không gian ấy,
trời không trăng cũng chẳng có sao nên “ngoài những giống đi ăn đêm, còn
thì ngủ say cả”. Lão Hoa phải “đánh diêm, thắp cái đèn nhầy nhụa
những dầu là dầu” để tạo ra một thứ ánh sáng “trắng xanh sáng khắp hai
gian quán trà”. Ánh sáng ấy không làm cho ngôi nhà ấm lên, hay sáng thêm mà
chỉ làm cho nó chìm ngập sâu hơn vào bóng tối đang phủ dày xung quanh, khiến sự
trầm lắng có chiều sâu và hoàn cảnh buồn bã thê thảm hơn. “Ngoài đường, trời
tối om và hết sức vắng”, lão đi vừa với tràn trề hi vọng, vừa nơm nớp lo
cho gói bạc cồm cộm trong túi. Lão đi đến nơi sẽ có phương thuốc diệu kì chữa bệnh
cho con lão, phương thuốc được truyền khẩu trong dân gian song không phải ai
cũng biết, kể cả lão Hoa. Thời gian dịch chuyển dần sang “Trời cũng sáng dần
và đường cũng càng lâu càng rõ” và lão cũng đến được nơi lão cần đến: một
ngã ba đường nơi có “một cửa hiệu còn đóng kín mít”. Thời gian ban ngày
tạo điều kiện cho nhiều người tụ họp bàn bạc nhiều chuyện trong xã hội. Đồng thời
là thời gian để mọi người bắt đầu một ngày mới, là điều kiện thuận lợi chữa trị
bệnh tật cho Thuyên. Thời gian ban ngày tạo điều kiện ổn định với tâm trạng
nhân vật, các nhân vật có điều kiện giao tiếp, trao đổi tư tường tình cảm cho
nhau. Cũng từ đó tạo điều kiện thích hợp cho vợ chồng lão Hoa Thuyên thêm những
hi vọng. Thời gian này là thời gian một chiều vận động từ sáng sớm tới lúc mặt
trời lên cao. Điều ấy tạo cho các sự kiện vận động một cách hợp lí.
Thời gian dịch
chuyển từ thu sang xuân: “một đêm thu gần về sáng, trăng lặn rồi, nhưng mặt
trời chưa mọc”
sang “Tiết
Thanh minh năm ấy, trời lạnh lắm. Nhũng cây dương liễu mới đâm ra được những mầm
non bằng nửa hạt gạo”. Buổi sáng của không gian thứ
nhất thuộc về mùa thu, mùa của sự tàn tạ, héo hon, của sự buồn bã chia li, còn
buổi sáng của không gian thứ hai gắn với mùa xuân, mùa của sự sống trỗi dậy,
mùa của sự sinh sôi nảy nở, cho dù trong không gian thứ hai có hình ảnh cành
cây khô trụi lá, nhưng “những cây dương liễu” đã “đâm ra được những
mầm non bằng nửa hạt gạo”. Sự dịch chuyển thời gian này góp phần thể hiện tư tưởng của nhà
văn Sự chuyển đổi các không gian theo mùa tạo ra ý tưởng về
sự phát triển đi lên, tạo ra niềm tin và khơi dậy niềm lạc quan tin tưởng, tạo
ra ấn tượng về sự thay đổi cuộc đời mang tính chất chu kì “bĩ cực thái lai”
của truyền thống tâm thức Trung Hoa.
4.
Thi pháp không gian nghệ thuật:
Truyện được xây dựng trong một bối cảnh không gian
khá dung dị. Đó là một quán trà nghèo nàn, một con đường mòn và một khu nghĩa địa
ảm đạm, lạnh lẽo.
Một quán trà nghèo nàn, ồn ào vào
ban ngày, lặng lẽ về đêm. Khác với những phòng trà sang trọng là nơi lui tới của
tầng lớp thượng lưu, thì quán nhỏ của vợ chồng lão Hoa Thuyên là nơi tụ họp của
phần đông những người bình dân - quần chúng lao động. Họ đến đây vừa để uống
trà, vừa để gặp gỡ bạn bè, đồng thời cũng để bàn chuyện phiếm giết thời gian… Tại
nơi đây đã diễn ra một cuộc bàn luận sôi nổi xoay quanh hai vấn đề: Một là,
chuyện lão Hoa Thuyên may mắn mua được “thần dược” về chữa bệnh lao cho con; và
hai là, chuyện Hạ Du bị chém chết.
Một nghĩa địa dày khít “lớp này lớp khác như bánh bao nhà giàu ngày
mừng thọ” với một con đường mòn mờ ảo, ngăn chia nghĩa địa người chết chém
với người nghèo như một cái lệch lạc về những người cách mạng. Nhà văn miêu tả
nghĩa địa với một không gian vô cùng ảm đảm và lạnh lẽo, bao trùm lên không
gian hẹp ấy có 2 người đàn bà và một con quạ là vật thể sống. Không gian được Lỗ
Tấn miêu tả đi từ ngoài vào trong, đầu tiên nhà văn miêu tả nghĩa địa là 1 miếng
đất ở phía Tây thành ở giữa miếng đất đó là con đường mòn nhỏ hẹp cong queo…..
Con đường mòn là gianh giới của các loại người trong xã hội. Con đường mòn là
biểu tượng cho một tập quán xấu đã trở thành thói quen. Hai bà mẹ đã bước qua
con đường mòn để đến gặp nhau vì đồng cảm ở tình thương con sâu sắc. Nghĩa địa chia thành hai phần bên
trái là nghĩa địa dành cho người chết chém, tử tù; bên phải là nơi chôn những người nghèo. Khi
bà Hoa bên nấm mồ con trai bà vào buổi sớm, không gian bao trùm lên người đàn
bà già nua lúc này có lẽ vô cùng lạnh leo, cô đơn. Nó lạnh lẽo không chỉ bởi tiết
trời, bởi không gian rờn rợn trong khu nghĩa địa dày khít những nầm mô như bánh
bao nhà giàu ngày mừng thọ, nó còn lạnh lẽo có lẽ bởi Thuyên là câu con trai
duy nhất của bà. Giờ đây khi ngồi trước mộ con mình, khi chỉ có 1 mình bà trong
khu nghĩa địa thì bà có lẽ cũng cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo vô cùng. Sau đó mẹ Hạ Du xuất hiện, nghĩa địa lúc này
là tràn ngập không khí đau buồn của bà mẹ Hạ Du. Không gian bao trùm lên 2 người
đàn bà càng trở lên tĩnh mịch, lặng lẽ hơn: “ Gió đã tắt. Nhũng ngọn cỏ khô đứng thẳng tắp như những sợi dây đồng. Một
tiếng rên rỉ run run đưa lên giữa không trung, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi tắt hẳn.
Xung quanh vắng lặng như tờ. Hai bà già đứng giữa đám cỏ khô, ngước mắt nhìn
con quạ. Con quạ vẫn đậu trên cành khô trụi lá, rụt cổ lại, im lìm như đúc bằng
sắt”.
Hình ảnh con đường
trong tác phẩm góp phần tạo nên nét đặc sắc về không gian nghệ thuật của
truyện. Qua việc miêu tả không gian con đường vào hai thời điểm mùa thu và mùa
xuân có nét khác biệt và góp phần truyền tải những dụng ý nghệ thuật của Lỗ
Tấn.
Trước tiên, tác giả
miêu tả con đường vào thời điểm mùa thu, mùa của sự tàn úa, rụng rời hay nó gắn
liền với thời kỳ đen tối của xã hội phong kiến Trung Hoa lúc bấy giờ. Lão Hoa
đã đi trên con đường đó với niềm tin chiếc bánh bao tẩm máu có thể chữa khỏi
bệnh cho con lão. Lão đi giữa con đường tối om và hết sức vắng. Chỉ mặt đường
xam xám là trông rõ. Đó là con đường mờ mờ ảo ảo, con đường với bước chân của
những con người hoạt động không chính đáng. Con đường lang láng màu xám vắng
vẻ, lạnh lẽo cho ta thấy việc lão Hoa Thuyên ra đường lúc này là lúc những
người bình thường chẳng ai đi cả. Không gian con đường góp phần làm cho người
đọc thấy được những hành động kỳ lạ của lão Hoa Thuyên. Để đến được pháp trường
vào lúc sáng sớm, lão phải bước đi trên con đường trong đêm tối một mình, duy
chỉ chiếc đèn lồng lão cầm trên tay để soi đường chiếu thẳng vào chân lão bước
đều. Con đương vắng vẻ, dường như không hấp dẫn người đi đường thậm chí gặp vài
con chó nhưng chẳng con nào buồn sủa, vậy mà điều gì khiến lão bước đều như
vậy? khiến lão cảm thấy sảng khoái, như bỗng dưng mình trẻ lại, và cho phép
thần thông cải tử hoàn sinh. Lão bước những bước thật dài” để mau đến nơi cần
đến hơn.
Đến ngã ba đường - nơi
thường đông đúc người qua lại, lão gặp những điều kỳ lạ, những con người kỳ dị,
làm cho lão có cảm giác ghê rợn và lạnh lẽo. Con đường là nơi diễn ra cảnh mua
bánh đẫm máu người, cái cảnh giằng co, xô đẩy, bát nháo còn hơn trong những khu
chợ buổi sáng. Tất cả họ thi nhau mua bằng được bánh bao tẩm máu người. Cho
thấy sự ngu muội của quần chúng nhân dân, chứng tỏ sự ngu muội này không chỉ
riêng lão Hoa Thuyên mà đại đa số nhân dân Trung Hoa lúc bấy giờ. Nếu như ngã
ba đường là nơi mọi người tranh nhau mua bán đắt đỏ thì đõ cũng là nơi diễn ra
cái chết của một con người đầy bi kịch. Hạ Du dũng cảm xả thân vì đại nghĩa
nhưng lại đơn độc giữa một quần chúng u mê, cái chết của anh là món lợi cho
nhiều người. Có lẽ quần chúng chưa hiểu cách mạng, còn người làm cách mạng lại
xa rời quần chúng. Mùa xuân năm sau, không gian con đường lại xuất hiện
nơi nghĩa địa - đó là cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết
chém và chết tù, ở về phía tay trái, và nghĩa địa những người nghèo ở bên tay
phải. Con đường là sự phân cách của hai khu nghĩa địa do con người tạo nên. Hay
chính những người Trung Hoa tự chia rẽ mình. Con đường mòn là sự ngăn cách giữa
những nấm mồ người dân nghèo Trung Hoa lúc bấy giờ và những nấm mồ người tham
gia cách mạng bị chém hoặc chết tù. Nó như là khoảng cách vừa hữu hình vừa vô
hình giữa quần chúng và cách mạng. Khi bà Hoa bước qua con đường mòn sang
trò truyện với mẹ Hạ Du, ranh giói con đường bị xoá nhoà bởi tấm lòng đồng cảm
của hai người mẹ, hay cách mạng và quần chúng xích lại gần nhau hơn. Câu chuyện
kết thúc với niềm lạc quan vào ngày mai của đất nước Trung Hoa.
Không gian truyện có ý nghĩa điển
hình cho không gian của xã hội Trung Quốc ngột ngạt, tăm tối, buồn tẻ, đang ngủ
say trước sự chuyển mình của nhân loại. Tuy nhiên, điều mà tác giả đem đến cho
người đọc lại không phải là tư tưởng bi quan mà là niềm tin hướng về ngày mai -
người cách mạng và quần chúng nhân dân đòan kết chiến đấu vì lợi ích chung.
5.
Thi pháp ngôn từ nghệ thuật
Một điểm đặc sắc của thi pháp truyện ngắn Thuốc là giọng kể
và điểm nhìn trần thuật. Điểm nhìn
trần thuật trong truyện ngắn Thuốc được kể theo sự luân phiên của hai điểm nhìn
trần thuật: điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện hàm ẩn và điểm nhìn của nhân
vật Cả Khang. Người kể chuyện hàm ẩn dấu mặt, quan sát và kể lại cho độc giả
nghe câu chuyện về lão Hoa Thuyên mê muội. Nhưng dưới điểm nhìn của người kể
chuyện hàm ẩn, chúng ta chỉ biết là máu của người tù bị chết chém chứ chưa biết
cụ thể là ai. Bí mật về người tử tù được bảo lưu trong mạch truyện gieo vào
lòng người đọc sự tò mò. Tiếp đó tác giả di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện
hàm ẩn sang nhân vật Cả Khang. Cả Khang
kể chuyện chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Kết thúc tác phẩm, tác giả lại chuyển cái
nhìn cho người kể chuyện hàm ẩn. Sự luân phiên giữa hai điểm nhìn trần thuật
này đã tạo nên kết cấu “truyện trong truyện”, có thể dồn nén một dung lượng lớn
trong khuôn khổ truyện ngắn. Tác phẩm nhờ đó vừa nói được sự u mê, tăm tối của
người dân, vừa nói được bi kịch của người làm cách mạng xa rời quần chúng. Hai
mạch truyện đã khéo lồng ghép, vận động để dẫn tới sự hi vọng ở đoạn kết.
Chính sự luân phiên hai điểm nhìn trần thuật đã tạo nên tính đa thanh phức
điệu.
Người kể chuyện đứng ngoài theo
dõi diễn biến truyện, người đọc không hề thấy phát ngôn của người kể chuyện mà
chủ yếu là ngôn ngữ của các nhân vật. Thế nhưng, Lỗ Tấn sáng tác với mục đích
góp phần thức tỉnh quốc dân, ông muốn gào thét lên để đánh thức, lay tỉnh đồng
bào đang ngủ mê nên dù tác giả cố tỏ ra lạnh lùng nhưng người đọc vẫn nhận ra
những phản ứng mạnh mẽ. Thái độ không đồng tình về một bộ phận quần chúng có tư
tưởng cơ hội chủ nghĩa, tư lợi khi đồng hành cùng lão Thuyên ra pháp trường: “Lão lại giật mình, trố mắt nhìn. Có mấy người đi qua. Một người
còn quay đầu lại nhìn lão. Lão không trông rõ là ai, nhung thấy ánh mắt cú vọ
ngời lên, như người đói lâu ngày thấy cơm.”. Đau đớn, phẫn uất trước sự hiếu kì đến
lạnh lùng, tàn nhẫn khi xem đồng loại mình bị hành hình, cứ như là đi xem hội “Người nào người nấy dướn cổ ra như cổ vịt bị
một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên. Im lặng một lát. Bỗng hình như có tiếng động.
Rồi cả đám xô đẩy nhau ào ào, lùi về phía sau đến chỗ lão đứng, chen lão suýt nữa
ngã.”. Nỗi ngậm ngùi, nghẹn
ngào, xót xa khi theo gót mẹ Hạ Du ra thăm mộ con “Miếng
đất dọc chân thành phía ngoài cửa Tây vốn là đất công. Ở giữa có con đường mòn
nhỏ hẹp, cong queo, do những người hay đi tắt giẫm mãi thành đường. Đó cũng lại
là cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù, ở
về phía tay trái, và nghĩa địa những người nghèo ở phía tay phải. Cả hai nơi, mộ
dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ.”. Tưởng chừng tác giả khách quan, dửng dưng trước các sự việc nhưng
tác giả có mặt khắp nơi để quan sát, lắng nghe, bình phẩm, suy tư. Đó là một
trong những đặc điểm thi pháp Lỗ Tấn: bình dị mà thâm thúy, thâm thúy mà nhẹ
nhàng, trầm lắng, sâu xa.
Nhan đề của tác phẩm và
hình ảnh chiếc bánh bao khiến người đọc suy nghĩ mới hiểu hết các tầng nghĩa và
nội dung, tư tưởng của nó. Thuốc không chỉ là
phương thuốc chữa bệnh lao bằng chiếc bánh bao tẩm máu người. Đây là một phương
thuốc mê tín lạc hậu tương tự như hai vị thuốc mà ông thầy lang đã bốc cho cho
bố Lỗ Tấn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi
dế đủ con đực, con cái dẫn đến cái chết của ông cụ. Thuốc còn là phương thuốc để
chữa bệnh tinh thần: căn bệnh gia trưởng, căn bệnh u mê lạc hậu về mặt khoa học
của người dân Trung Quốc. Bố mẹ thằng Thuyên vì lạc hậu và gia trưởng đã áp đặt
cho nó một phương thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người dẫn đến cái chết của
nó. Rồi tất cả đám người trong quán trà cũng sai lầm như vậy. Chiếc bánh bao tẩm
máu vô hại kia đã trở thành một thứ thuốc độc vì người ta quá tin vào nó mà
không lo tìm một thứ thuốc khác. Chiếc bánh bao tẩm máu người là phương thuốc
nhằm chữa căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc và
căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc thời bấy giờ. Máu để
tẩm chiếc bánh bao là dòng máu người chiến sĩ cánh mạng Hạ Du đã đổ xuống để giải
phóng cho nhân dân. Thế mà nhân dân lại u mê cho anh là làm giặc, là thằng điên
và mua máu anh để tẩm bánh bánh bao. Còn Hạ Du làm cách mạng cứu nước, cứu dân
mà lại quá xa rời quần chúng để nhân dân không hiểu anh đã đành mà mẹ anh cũng
không hiểu (đỏ mặt xấu hổ khi thăm mộ con gặp bà Hoa) còn chú anh thì tố cáo
cháu để lấy tiền thưởng. Nhan đề truyện và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người
đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung
Hoa thời cận đại: nhân dân
thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba
trong chốn quạnh hiu”.
Lỗ Tấn chú ý dùng những
câu văn ngắn gọn để có thể gợi mở suy nghĩ. Câu hỏi “thế này là thế nào?”khi thấy trên nấm mộ con mình một vòng hoa là một
câu hỏi đột ngột, gieo vào tâm trí người đọc một âm vang, bắt ta phải suy nghĩ
để trả lời.
C.
KẾT LUẬN
Lỗ Tấn là tên tuổi vĩ đại của
văn học Trung Quốc thế kỷ XX. Ông là một trong số không nhiều các tác gia truyện
ngắn trên thế giới có tài hấp dẫn độc giả bao thế hệ. Sức lỗi cuốn của truyện
ngắn Lỗ Tấn được tạo nên bởi sự kết hợp nhiều yếu tố. Thi pháp Lỗ Tấn tạo nên
nét độc đáo, thú vị của những trang truyện ngắn Lỗ Tấn, góp tiếng nói khẳng định
chỗ đứng vững chắc của nhà văn trên văn đàn Trung Quốc và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Mấy
vấn đề thi pháp Lỗ Tấn và việc giảng dạy Lỗ Tấn trong trường phổ thông, GS.
Lương Duy Thứ, NXB. Đại học sư phạm, 2004.
2.
Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi chủ biên, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1997.
3.
Giáo
trình Thi pháp học, Nguyễn Hoa Bằng, Đại học Cần Thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét