PHẦN MỞ ĐẦU
-------------
Đã gần bốn mươi năm, cuộc kháng chiến chống
đế quốc Mỹ đã lui vào dĩ vãng, nhưng dư âm của cuộc chiến ấy vẫn còn dai dẳng
đến hôm nay và còn có thể còn rất lâu nữa. Chiến thắng huy hoàng của ngày 30
tháng 4 năm 1975 đã đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người lính nói
riêng, người dân Việt Nam nói chung. Nhưng dù là người chiến thắng hay kẻ chiến
bại, tất cả đều phải chịu nhiều mất mát đau thương. Gần bốn mươi năm sau cuộc
chiến, chúng ta có đủ thời gian và sự bình tâm để nhìn lại nhiều điều mà gần bốn
thập kỷ trước, trong men say của người chiến thắng, ta đã chưa nhìn thấy được.
Hòa trong dòng chảy của văn học thời kỳ
Đổi mới, truyện ngắn Bóng anh hùng
của tác giả Doãn Dũng sẽ như một lát cắt giúp chúng ta có một cái nhìn đa chiều
hơn về cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Đây là một truyện ngắn gây nhiều tranh cãi
trong thời gian không xa. Và đó cũng là điều bình thường và rất nên có đối với
một tác phẩm văn học nghệ thuật.
PHẦN
NỘI DUNG
-----------------
I . TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1. Vài nét về tác giả
- Doãn Dũng tên thật là Nguyễn Vũ Anh,
sinh năm 1971 tại Hà Nội. Cử nhân Luật Nghề nghiệp hiện tại: vừa kinh doanh thời
trang vừa sáng tác văn chương. Doãn Dũng có truyện in trên Văn nghệ, Văn nghệ quân đội.
- Tác
phẩm đã in: Mùi cá tươi, Những kẻ xa lạ,
Bạn chiến đấu, Những câu chuyện buồn, Những vòng đòng ký ức, Bóng anh hùng, Sau
súng, Ở nơi không tiếng súng, Chuyện vỉa hè, Bạn tha phương, Roi đời.
2. Tác phẩm
2.1. Hoàn cảnh sáng tác.
Truyện ngắn “Bóng anh hùng”
được Doãn Dũng sáng tác vào năm 2009 ở trại viết Tam Đảo và được đăng lần đầu
tiên trên báo văn nghệ và Ðại Biểu Nhân Dân với cái tên “Hồi quang”. Ba năm sau
đó, truyện ngắn này được đăng lại trên báo Phú Yên với tên “Bóng anh hùng”.
2.2. Tóm tắt tác phẩm
Truyện được kể lại bởi hồn ma của nhân vật chính: Nguyễn
Quyết Thắng, một chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trông coi kho thuốc
nổ.
Theo lời kể,
trước đây, nhà anh chỉ có hai mẹ con sống trong «một căn hộ bé xíu». Mẹ anh làm
công tác xã hội ở phường. Bố anh đã hy sinh ở chiến trường B.
Từ nhỏ, Thắng
đã được mẹ đối xử rất nghiêm khắc : Anh «ao ước» có một cái bô để đi vệ
sinh để ban đêm khỏi phải sợ ma khi đi nhà vệ sinh tập thể. Nhưng mẹ không mua
vì bà muốn rèn luyện anh « thành một người đàn ông mạnh mẽ». Anh thuộc
diện chính sách, được miễn đi bộ đội nhưng bà vẫn đăng kí cho anh nhập ngũ
vì sợ con trai «ở nhà lêu lỏng rồi lại hư mất» dù cho Thắng có van nài «Mẹ cho
con thi đại học một năm nữa». Đêm giao thừa, anh trốn về nhà. Sáng sớm mồng một
Tết, bà bảo con trở về đơn vị và đích thân bà đưa con trở lại. Những điều ấy
làm cho Thắng rất đỗi buồn giận mẹ mình. Đến nỗi, khi đã là một hồn ma, anh
cũng không chịu trở về thăm nhà.
Chiến tranh kết
thúc, mẹ anh tìm đến nơi con trai hy sinh để mong tìm lại hài cốt nhưng không
tìm được. Một thời gian sau, nhờ một người có khả năng ngoại cảm chỉ dẫn, những
người trong đội tìm kiếm đã tìm thấy hài cốt của Thắng và một chiến sĩ khác.
Khi nhìn thấy mảnh giấy có ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị trong mớ hài cốt là
của con trai mình, mẹ anh đau đớn «bế từng khúc xương tôi vào lòng»
Thắng được mẹ
mang về an nghỉ ở quê nhà, nằm cạnh bố anh. Một thời gian sau, mẹ
anh cũng mất. Bà nằm cạnh chồng và con trai.
II. NHỮNG Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ TÁC PHẨM
Truyện ngắn “Bóng anh hùng” được Doãn
Dũng sáng tác vào năm 2009 ở trại viết Tam Đảo và được đăng lần đầu tiên trên
báo văn nghệ và Ðại Biểu Nhân Dân với cái tên “Hồi quang”. Ba năm sau đó,
truyện ngắn này được đăng lại trên báo Phú Yên với tên “Bóng anh hùng”. Và lần
đăng này, tác phẩm đã thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả bởi một vài ý kiến
phát pháo đầu tiên về nội dung của tác phẩm, châm ngòi cho một cuộc tranh luận
sôi nổi trên diễn đàn báo chí, văn nghệ trong cả nước. “Bóng anh hùng” trở
thành một sự kiện văn học trong năm 2012-2013 với rất nhiều ý kiến phê bình,
đánh giá của nhiều bộ phận trí thức: từ người đọc cho đến giới báo chí, các
lãnh đạo ban ngành có liên quan, từ những nhà văn, nhà thơ cho đến giới phê
bình, nghiên cứu. Trong giới hạn của bài tập này, nhóm chúng tôi xin tập hợp và
điểm qua những ý kiến đánh giá về truyện ngắn “Bóng anh hùng” và tạm phân chia
những ý kiến ấy thành các nhóm sau: những ý kiến đánh giá chung về tác phẩm,
những ý kiến đánh giá cụ thể về các phương diện nội dung, nghệ thuật
1. Những ý kiến đánh
giá chung:
Trước hết là một số ý kiến đánh giá được tập hợp trong
bài “Bóng anh hùng khốn khổ bởi kiểu đọc
quy chụp” được đăng trên trang báo mạng tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/538825/bong-anh-hung-khon-kho-boi-kieu-doc-quy-chup.html.
Ngay
sau khi đăng trên báo Phú Yên, thường trực Tỉnh ủy Phú Yên nhận được nhiều ý
kiến, đơn thư của các ông Vũ Văn Thoại - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy
Phú Yên, Nguyễn Tường Thuật - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và các cán bộ
hưu trí, cựu chiến binh: Trần Hành Chính, Huỳnh Cửu, Nguyễn Tiến Lẫm... có
chung quan điểm cho rằng truyện ngắn Bóng anh hùng là “độc hại, phản động” và
cần phải xử lý những người cho đăng truyện này lên báo tỉnh.
Cũng
trong bài viết này, tác giả đã trích dẫn nhận định của ông Vũ Văn Thoại về tác
phẩm: "Một người không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng nữa, nhưng khi con
cháu họ đọc tác phẩm Bóng anh hùng
thì không ai không thấy rằng đây là tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động.
Tui nói hồi xưa, chiến tranh, nếu đọc cái này thì đem cắt cổ".
Đồng
ý kiến trên, Nguyễn Tường Thuật cũng có gửi ý kiến tham gia cho rằng tổng biên
tập báo Phú Yên nên có lời xin lỗi các mẹ VN anh hùng và gia đình liệt sĩ vì
cái "Bóng
anh hùng" kỳ dị đã làm tổn thương họ và xử lý kỷ luật những người
dưới quyền có liên quan.
Ngược
lại với những ý kiến trên là những ý kiến nhận định đây là một tác phẩm hay và có
giá trị. Cũng trong bài viết Bóng anh
hùng khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp, tác giả đã tập hợp những ý kiến trái
chiều, công nhận giá trị của tác phẩm. Trước hết là ý kiến của tổng biên tập báo Phú Yên: "Ðây
là một tác phẩm tốt, tuy nhiên
khi đăng đã không lường được còn có những phản ứng trái chiều gay gắt của một
số độc giả dẫn đến tạo dư luận không tốt”. Kế đến là ý kiến của cơ quan
chuyên môn (Hội Nhà văn VN), Ban Tuyên giáo trung ương: “Truyện ngắn này không có gì đặc
biệt và sai phạm về nội dung và hình thức. Truyện đề cập đến tình yêu của người mẹ, tuy có phần khắc nghiệt
nhưng ẩn giấu trong đó là tình yêu, là ý thức trách nhiệm của một công dân đối
với Tổ quốc”.
Nhà
văn Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, tổng biên tập báo Văn Nghệ,
tờ báo đã đăng truyện ngắn Bóng anh hùng vào năm 2009 với cái tên Hồi quang
cũng đánh giá “truyện ngắn Bóng anh hùng
hay Hồi quang là một truyện ngắn có chất
lượng”.
Ngoài
ra, trang web Hội nhà văn TP HCM cũng đã có nhiều bài viết quy tụ những tiếng
nói của các nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi để nhận định về giá trị của tác
phẩm và phản bác lại kiểu đọc “quy chụp”, suy diễn lệch lạc nội dung tác phẩm.
Sau đây là ý kiến của Hoàng
Đình Quang- nhà văn từng mặc áo lính: “Đó
là một truyện ngắn hay, nếu người viết văn nào chưa đọc thì cũng là tiếc.
Nó hay ở nhân vật bà mẹ. Một bà mẹ được chồng chất lên đó thành hai, ba bà mẹ.
Và thông điệp ngoài văn bản của Bóng anh hùng là: sau những cuộc chiến như thế,
sự gắn kết xã hội đang dần dà lỏng lẻo”. Đồng ý kiến trên, nhà văn Nguyễn
Thúy Ái cũng nhận định “Bóng anh hùng của tác giả Doãn Dũng là một truyện ngắn hay, đặc biệt là giá
trị hiện thực của tác phẩm”.
Và kết quả khảo
sát ý kiến phản hồi của bạn đọc trên báo Tuổi trẻ đã khẳng định một lần nữa cho
giá trị của tác phẩm: Trong số 198 phản hồi của bạn đọc gửi về
tòa soạn có đến 183 ý kiến cho rằng Bóng
anh hùng là truyện ngắn hay, xúc động, sâu sắc, làm lay động lòng người.
Nhiều bạn đọc cho biết họ đã đọc đi đọc lại truyện này nhiều lần nhưng lần nào
đọc cũng trào nước mắt... (Bài Sự hi sinh
cao cả của bà mẹ Việt Nam đăng trên báo
tuoitre.vn/ban-doc/24/03/2013 )
2. Những ý kiến đánh giá cụ thể các mặt của
tác phẩm:
2.1. Nội dung
Đánh giá về nội dung của truyện,
trước hết, các ý kiến đều có chung nhận định về cách mới mẻ trong việc triển
khai đề tài khá quen thuộc của văn học- đề tài người lính trong chiến tranh: “Tác giả đã cố gắng thoát khỏi cách viết khuôn sáo quen thuộc để đề cập, ca ngợi
phẩm chất của một người mẹ yêu con, thương con, nhưng cao hơn cả là tình yêu Tổ
quốc, trách nhiệm đối với Tổ quốc. Và tình yêu có vẻ khắc nghiệt của người mẹ
đã đánh thức ý thức của người con, hóa giải dần những hiểu lầm của người con
đối với mẹ. Một truyện ngắn cảm động,
mới mẻ khi đề cập đến chiến tranh cũng như văn học viết về chiến tranh”
(Nhà văn Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, bài Bóng anh hùng khốn khổ vởi kiểu đọc quy chụp,
tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc
)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
cũng nhận xét, truyện ngắn là một cách viết khác về đề tài người lính trong chiến
tranh. “Chiến tranh có những sự
thật trần trụi, khắc nghiệt mà càng được nói ra chân thật và chân thật thì càng
giúp hiểu được cuộc chiến và người lính tham chiến. Như trong truyện ngắn này,
việc người thanh niên thành lính và việc người lính hi sinh là những sự thật
đó. Chàng trai có thể được hoãn vào lính nhưng khi đã nhập ngũ thì anh không
thoái thác, không bỏ trốn. Cái chết của người lính trong chiến tranh không phải
bao giờ cũng anh hùng, hiểu theo nghĩa là chết trên trận tiền, giữa hòn tên mũi
đạn”. (Bài Trọng một cách viết, trách một cách đọc, http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc, Nguyễn Thế Thanh)
Một
số ý kiến khác nhìn nhận ở giá trị nhân văn mà tác phẩm mang lại. Huỳnh Như
Ngân - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Phú Yên - nói rằng lúc đầu đọc
truyện thấy ám ảnh khó chịu, nhưng càng đọc thì thấy tính nhân văn của tác
phẩm. "Tính nhân văn ở chỗ mọi
bà mẹ, mọi người cha, người anh có người thân hi sinh đều mong muốn cuối cùng
người thân mình có mồ yên mả đẹp, nếu không tìm được là nỗi băn khoăn day
dứt". (Bóng anh hùng khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp, tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc).
Nguyễn Thế
Thanh trong bài “Trọng một cách viết, trách một cách
đọc”
(http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc)
cũng nhận xét: “Tràn ngập trong từng trang truyện
là niềm xúc động về cách thể hiện tình yêu mà người mẹ và cũng
là người vợ liệt sĩ dành cho con trai duy nhất của mình”.
Về nội dung
tác phẩm, Nguyễn Thế Thanh cho rằng: “Câu chuyện của một hồn ma chiến binh còn rất
trẻ, lại là đứa con duy nhất của một gia đình liệt sĩ, đã lay động mạnh trái
tim tôi và kéo tôi đi một mạch đến dòng cuối cùng. Không một chi tiết nào của truyện gợi lên “sự khinh miệt”, “sự phỉ
báng”, “sự đớn hèn”. (Bài Ồn ào dư luận ‘Bóng anh hùng’ là phản động,
http://vnmedia.vn/VN/van-hoa/tin-tuc/) .
Nhà phê bình Đoàn Lê
Giang (TP.HCM) cũng có những nhận định về nội dung và các nhân vật trong truyện:
Đọc truyện Bóng anh hùng của nhà văn Doãn Dũng, người ta có thể cảm nhận được ngay đây là một câu chuyện nói về người mẹ anh
hùng - anh hùng nhưng bình dị như rất nhiều bà mẹ Việt Nam khác. Bà đã nén
nỗi đau riêng để hiến dâng đứa con dứt ruột đẻ ra của mình cho Tổ quốc….Người con trai không thật cứng rắn,
dũng cảm, nhưng anh đã sống và chết xứng đáng với mẹ mình. Đây là một câu
chuyện hay và lạ về lỏng yêu nước, sự hy sinh của những con người bình thường
đã tận hiến mình cho dân tộc.
2.2. Nghệ thuật
Các ý kiến đánh giá không
chỉ công nhận giá trị nội dung của tác phẩm mà còn đề cao những đặc sắc nghệ
thuật mà truyện ngắn đã đạt được. Đánh giá tài năng nghệ thuật của Doãn Dũng
trong Bóng anh hùng, nhiều người công nhận anh có “cách viết độc đáo về chiến tranh” (Nguyễn Thế Thanh). Hơn nữa, nhà
văn Nguyễn Thúy Ái (TP.HCM) còn cho rằng Doãn Dũng đã làm được một việc thật
đáng khâm phục, đó là “Miêu tả được nỗi
đau, những khuất lấp, hy sinh của những con người không còn lên tiếng được nữa
là điều không dễ”.
Ngoài
ra, còn nhiều ý kiến bàn về những phương diện nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm
như cốt truyện, nghệ thuật kể/dẫn truyện, xây dựng hình tượng, lựa chọn chi
tiết nghệ thuật, ngôn ngữ…Trước hết, về cốt truyện, TS Nguyễn Thành Quang -
nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - cho rằng: “cốt truyện Bóng anh hùng cảm động, đọc xúc
động. Tôi có nghe báo này báo kia
đăng không sao, nhưng báoPhú Yên đăng thì bị quở trách. Tôi không phán xét rằng
chuyện đó đúng hay sai nhưng với tư cách là một độc giả, nhận thức, cảm nhận
tác phẩm này, tôi thấy trong truyện người mẹ không tự xưng là anh hùng mà chính
người đọc tôn vinh bà mẹ là một bà mẹ anh hùng chứ không có gì phỉ báng
cả" - ông Quang nhận định.(tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/538825/bong-anh-hung-khon-kho-boi-kieu-doc-quy-chup.html)
Về
nghệ thuật kể chuyện, Phạm Xuân Nguyên nhận
định: “Tác giả Doãn Dũng dùng lời hồn ma
của người lính dẫn truyện. Hình thức này không mới… Cái hay của Doãn Dũng ở thiên truyện này là
người kể chuyện/dẫn truyện đứng từ vị trí hồn ma đã giúp tác giả thể hiện gọn
mà sâu cả nhân vật người mẹ. Ở bề sau câu chữ là nỗi đau của cả mẹ
và con, của cả gia đình người lính. Không ai muốn thành anh hùng và bà mẹ anh
hùng, nhưng khi Tổ quốc cần họ dám biết hi sinh. Chỉ hai câu nói của hồn ma cha
với hồn ma con ở cuối truyện đã đủ cho người đọc hiểu về người mẹ và đồng cảm
xót xa”.
Về nghệ thuật xây dựng hình tượng, Phan Phú Yên có nhận xét: “Tập truyện Bóng anh hùng không phải là một thử nghiệm của Doãn Dũng mà
tác giả thực sự muốn mang đến cho độc giả cái nhìn hoàn toàn nghiêm túc về
việc xây dựng hình tượng người cầm súng trong chiến tranh”.
Bên cạnh đó, Phan Phú Yên cũng công nhận tài năng
của Doãn Dũng tong việc lựa chọn chi tiết nghệ thuật đắt giá cho tác phẩm: “Truyện của Doãn Dũng viết rất sắc xảo,
chi tiết lựa chọn đắt giá và trong những trang viết ấy, sự hài hước luôn được
sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, mang lại những giá trị cả về nghệ thuật lẫn cảm xúc
một cách vừa vặn, tinh tế. Doãn Dũng viết về thân phận người lính trong
thời chiến và thời bình, với một lối văn hiện thực truyền thống, chính xác, gọn
gàng, nhưng cũng hết sức sống động. Đặc biệt, không khí trong truyện của Doãn
Dũng luôn sắc lạnh, nghiệt ngã, trần trụi, làm người đọc không thể trốn đi đâu
được, buộc phải đối diện với những sự thật phũ phàng...”
Về
ngôn ngữ, Phan Phú Yên cũng có nhận xét về lối văn “không cầu kỳ nhưng cực kỳ cẩn
thận trong việc sử dụng ngôn ngữ, lối diễn đạt chất chứa nhiều cảm xúc song
không hề dễ dãi, giản đơn, Doãn
Dũng đã mang đến không gian trải nghiệm sách thực sự cho mọi độc giả.”
Tóm lại, trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận
thấy có hai luồng ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều về truyện ngắn này.
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng đây là tác phẩm phản động, độc hại. Nhóm ý kiến
thứ hai cho rằng, đây là một tác phẩm hay, đặc sắc không có vấn đề gì sai phạm
về nội dung tư tưởng. Trong tiến trình đọc và khảo sát truyện ngắn này, chúng
tôi cũng nhận thấy rằng, dây là một truyện ngắn đặc sắc, có giá trị về nhiều
mặt. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm mới, được viết theo bút pháp hiện thực huyền ảo (Doãn Dũng tâm sự), có nhiều chi tiết
thực hư lẫn lộn. Điều đó đòi hỏi người đọc phải đọc thật nghiêm túc, nghiền
ngẫm từng chi tiết của tác phẩm và hơn nữa là cần một trình độ đọc tương ứng để
có thể có cách hiểu sâu sắc về ý nghĩa tác phẩm cũng như thông điệp mà nhà văn
gửi gắm.
III.
Ý KIẾN, ĐÁNH GIÁ CỦA CHÚNG TÔI VỀ TÁC PHẨM
1.
Nhan đề “ Bóng anh hùng”
- Bóng là ảo ảnh nó tồn
tại nhờ vào vật thật, và mang hình dạng của vật thật. Chính vì vậy, bóng không
thể cầm, nắm hay sờ vào được.
- Bóng anh hùng: Nhân vật chỉ là cái
bóng của những người anh hùng thật sự. Tiếng tăm, những chiến công, sự hi sinh
dũng cảm của những người anh hùng thực thụ đã bao trùm lên tất cả những ai lên
đường nhập ngũ và hi sinh trên chiến trường. Và dù ra chiến trường với sự ép
buộc của người mẹ và sự hi sinh dù “nhạt toẹt” nhưng họ vẫn nghiễm nhiên trở
thành những người anh hùng trong lòng dân tộc.
Ở
đây tác giả Doãn Dũng đặt ra vấn đề: không phải bất cứ người chiến sĩ nào tham
gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ quê
hương đất nước cũng đều là những vị anh hùng, đều là những người vì nước quên
thân. Trong số những con người cao cả ấy vẫn có một bộ phận những người phải
tham gia nhập ngũ vì sự ép buộc gay gắt của gia đình. Điều này dẫn đến những
cái chết vô cớ chứ bản thân họ chưa làm được gì cho quê hương, đất nước dù là
trong ý nghĩ.
2. Đề tài
Bóng
anh hùng (2009) là một truyện ngắn khai thác đề tài chiến tranh, về thân
phận con người trong cuộc chiến khốc liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược.
3. Chủ đề tư tưởng
Bấy lâu nay, khi nhìn nhận về những
người lính hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, xu hướng chung
là cảm hứng ngợi ca từ góc nhìn của những người còn sống. Vì vậy, không tránh
khỏi sự chủ quan, áp đặt. Ở Bóng anh hùng,
tác giả Doãn Dũng đã đưa ra một điểm mới trong việc nhìn nhận, đánh giá về sự
hy sinh của những người lính. Một cách nhìn táo bạo, chân thật, trái chiều với
cách nhìn quen thuộc bấy lâu nay: cách nhìn của người trong cuộc, của một người
lính đã ngã xuống về cuộc chiến, về đồng đội, về gia đình mình.
Tác phẩm không đặt ra một vấn đề tư tưởng
gì lớn lao, nhưng lại chưa đựng một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đó là, cái nhìn chân thật, sâu sắc và nhân bản về
chiến tranh. Mối đồng cảm lẫn xót xa về thân phận con người trong cuộc chiến.
4. Các nhân vật trong
truyện
a. Nhân vật người mẹ
trong truyện
Nhìn chung có nhiều ý kiến khác nhau
bàn về người mẹ trong tác phẩm, trong đó có hai ý kiến trái ngược nhau.
Thứ
nhất là, nhìn người mẹ này theo hướng trách móc.
Thứ
hai là, nhìn người mẹ này theo hướng là một “bà mẹ anh hùng”.
Chúng
tôi đồng tình với hướng nhìn thứ hai. Đó là chúng tôi đồng tình với ý kiến của
các nhà văn sau: Nhà văn Hoàng Đình Quang, nhà văn
Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, Huỳnh Như Ngân - phó giám đốc Sở
Thông tin - truyền thông Phú Yên, Nguyễn
Thế Thanh, Nhà phê bình Đoàn Lê Giang (TP.HCM), và chúng tôi cũng có ý kiến riêng về hình ảnh người mẹ trong truyện
này như sau:
Theo chúng tôi đây là người mẹ mang đậm mẫu “người mẹ anh hùng”, khi nhìn
người mẹ này ở nhiều góc độ khác nhau.
Trước hết chúng tôi nhìn người mẹ này ở góc độ
là một công dân đối với tổ quốc, thì người mẹ này là một công dân tốt, luôn ý
thức về trách nhiệm của một công dân đối với tổ quốc. Khi đứa con trai trưởng
thành bà đã đăng kí nghĩa vụ quân sự cho con để con mình thực hiện nghĩa vụ của
một người công dân là phải bảo vệ đất nước. Người mẹ này đã hy sinh tình riêng
của mình vì quyền lợi chung của tổ quốc. Rõ ràng, khi chúng ta xét ở góc độ này
thì bà là một công dân luôn làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Bởi vì
khi đất nước có chiến tranh thì trách nhiệm của một công dân là phải cống hiến,
hy sinh những gì thuộc về cá nhân để phục vụ cho lí tưởng chung của đất nước.
Bà mẹ trong truyện đã thực hiện đúng nhiệm vụ đó và thực hiện một cách rất hoàn
hảo.
Một
góc độ khác mà ta có thể nhìn nhận nơi người mẹ này là góc độ một cán bộ luôn ý
thức phục vụ quần chúng nhân dân. Bà luôn tận tụy, nhiệt tình, năng nổ và tâm
huyết với công tác xã hội. Bà là một tuyên truyền viên luôn hiểu tâm tư nguyện
vọng của quần chúng, biết quan tâm đến quần chúng. Xét ở góc độ này chúng ta
thấy bà là một cán bộ biết hy sinh quyền lợi cá nhân phục vụ cho lợi ích cộng
đồng, lợi ích xã hội.
Ở
góc độ thứ ba, đó là góc độ của một người mẹ, một người vợ trong gia đình. Với
chức vụ là một người mẹ, bà là một người mẹ gương mẫu có ý thức cao và nghiêm
khắc trong việc giáo dục con cái, bà luôn ý thức giáo dục con trai mình trở
thành người tự lập, mạnh mẽ, sống có ích cho xã hội, phải sống có tổ chức, phải
có trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Với chức vụ là một người vợ,
bà là một người vợ đam đang, chung thủy, mạnh mẽ, quyết đoán, luôn làm tròn
trách nhiệm của một người vợ đối với chồng như tổ chức lễ giỗ cho chồng, cúng
chồng, thay thế chồng nuôi con khôn lớn …
khi chồng đã hy sinh.
Như
vậy hình ảnh người mẹ trong truyện là hình ảnh của một “người mẹ anh hùng” . Đó
là một người biết ý thức trách nhiệm công dân của mình đối với tổ quốc, là một cán bộ gương mẫu phục vụ cho quyền lợi
của quần chúng, là một người mẹ nghiêm khắc và có ý thức cao trong việc giáo
dục con cái, là một người vợ luôn giữ trọn trách nhiệm của mình đối với chồng.
Đây là một người mẹ gương mẫu, mẫu người của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
b. Ý kiến khác về nhân
vật người mẹ trong truyện.
Về
nhân vật người mẹ: Từ bao đời nay, người mẹ luôn là một nguồn cảm hứng bất tận
của văn chương, bất kể nơi đâu trên trái đất này. Hình ảnh người mẹ trong văn
học hiện lên ngời sáng bởi một tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hy sinh
tính mạng mình vì con. Nhưng người mẹ trong Bóng
anh hùng khiến người đọc vừa thấy đáng trách và đáng thương. Trong thời
chiến, việc ra trận có nghĩa là lành ít dữ nhiều, ra đi nhưng khó có ngày trở
về. Mặc dù chỉ có đứa con duy nhất, dù chồng bà là liệt sĩ, có nghĩa là đứa con
bà thuộc diện chính sách khỏi nhập ngũ, nhưng bà mẹ ấy vẫn lạnh lùng đăng ký cho đứa con trai
nhập ngũ, bất chấp sự nài nỉ “Mẹ cho con
thi đại học một năm nữa”. Với lý do “Ở nhà lêu lỏng rồi lại
hư mất”, bà đã đưa con trai mình vào quân ngũ. Thử hỏi, có bà mẹ nào trên
trái đất này hành xử với con trai ruột duy nhất của mình như người mẹ này hay
không? Dẫu biết rằng đất nước đang rất cần những người trai lên đường ra trận
để đánh đuổi ngoại xâm, nhưng nếu có một thêm người như con trai bà thì vẫn là
chưa đủ, vắng anh ta cũng là không thiếu. Đây không phải là trường hợp duy nhất
mà người mẹ này xử sự với con mình. Còn nhớ, khi đứa con còn nhỏ, nhà ở
tập thể, phải xài nhà vệ sinh chung. Những lúc như vậy, đứa con trai “phải thường xuyên tè dầm dọc đường vì sợ ma”,
nó “ao ước có một cái bô”, nhưng
người mẹ thì không chiều theo vì muốn “rèn
luyện tôi thành một người đàn ông mạnh mẽ”. Sau vài ngày nhập ngũ, đứa con
bỏ trốn, trở về nhà ngay đêm giao thừa. Bà mẹ gặp con trở về, lạnh lùng hỏi: “Bỏ ngũ hả?”. Không lời hỏi han, không
lời động viên, chia sẻ, bốn giờ sáng ngày mồng một Tết, bà lay con dậy: “Thắng, dậy đi cho sớm”. Bà và con đèo
nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Đến đơn vị, bàn giao đứa con cho chỉ huy rồi sáng
hôm sau, “mẹ nhất quyết đòi về, chả ai
can được mẹ”. Người
mẹ thật cứng rắn với con đến độ nhẫn tâm, tàn nhẫn. Điều gì đã khiến người mẹ ấy đối xử
với con trai mình lạnh lùng như vậy? Phải chăng thời đại đã tạo nên tính cách
con người. Cái thời đại Miền Bắc đang xây dựng CNXH, đang làm nhiệm phụ “hậu
phương lớn” cho “tiền tuyến lớn” Miền Nam đòi hỏi phải hy sinh những cái riêng
tư. Người mẹ này đã làm tốt ý thức công dân của mình. Nhưng dưới góc độ gia
đình, tình thương của mẹ cho con thì bà đã phạm một sai lầm lớn. Người mẹ này
đã sống quá lý trí, lý trí đến độ vô cảm, vô tình. Lý tưởng chính trị ở bà đã
lấn át bản năng làm mẹ, một điều hết sức cao đẹp, một điều khiến người mẹ trở
thành bất tử trong trái tim con mình.
c.
Nhân vật người con trong truyện
Nhìn
nhận đánh giá nhân vật người con ở ba góc độ:
Góc
độ 1: Nhìn dưới cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn:
Đây là câu chuyện của một người con trong một gia đình liệt sĩ neo đơn và cũng
là chuyện của một người chiến sĩ đã hy sinh trong trận càn của giặc. Nhân vật
hiện lên trong tác phẩm với hình hài của một “con ma” và nói lên bao suy nghĩ,
nỗi lòng của mình. Đó là những tâm sự rất thật của một đứa con khao khát tình
cảm gia đình, khát khao cuộc sống tự do của tuổi trẻ. Một nguyện vọng hết sức
chính đáng của một thanh thiếu niên khi rời khỏi trường phổ thông không may thi
rớt đại học “Mẹ cho con thi đại học một
năm nữa”. Lời khẩn cầu ấy được thốt lên khi anh hay tin “mẹ đăng ký cho con nhập ngũ đợt này” và
cái lí do bà đưa ra cũng không được thuyết phục lắm “Ở nhà lêu lổng rồi lại hư mất”. Người con đã van xin mẹ có cơ hội
“thi đại học” lần nữa. Thiết nghĩ đây cũng là một nhiệm vụ hết sức lớn lao của
một công dân đối với đất nước. Nghĩa vụ có nhiều cách thể hiện không nhất thiết
phải “nhập ngũ” mới làm nghĩa vụ. Khi đã học đại học rồi anh đem vốn kiến thức
đó để phục vụ cho quân đội, thì cái cống hiến đó hơn gấp nhiều lần cái cống
hiến bằng xương máu. Nhưng vốn là một đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn biết vâng
lời mẹ, anh đã ra đi trong sự “ngậm ngùi” xót xa vì trong anh vẫn còn nỗi trăn
trở “Nhà mình thuộc diện chính sách. Sao
con phải đi? Và hình ảnh của mẹ trong ngày anh nhập ngũ đã để lại trong anh
một người mẹ “xa lạ vô cùng” bởi mẹ
quá quan cách “Chúc đồng chí chân cứng đá
mềm, hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc” và “Tôi không dám nhìn mẹ, tôi cúi đầu xuống lí nhí câu cảm ơn”.Thật
xót xa, đau đớn, mẹ ơi, tại sao mẹ lại lạnh lùng đến như vậy, xa lạ đến như
vậy? Và ngày anh lên đường, anh khao
khát được mẹ đưa tiễn nhưng người mẹ ấy đã đi làm nhiệm vụ thiêng liêng của
mình “bà phải đi hòa giải cho một đôi vợ
chồng muốn ly dị”Anh đành “ngậm ngùi”lên
đường khi không được gặp mẹ.
Đó là lúc anh lên đường nhập ngũ còn khi
“trốn đơn vị về ăn Tết” vào đêm 30
sau khi đã vượt “một chặng đường dài trốn
tránh lực lượng kiểm soát quân sự”anh đã được về lại mái nhà thân yêu, ấm
cúng của bao năm tuổi thơ đầy kỉ niệm. Những tưởng sẽ được ăn tết bên mẹ, được sà
vào lòng mẹ như ngày còn thơ bé. Được ăn cùng mẹ những buổi cơm gia đình đầm
ấm. Nào ngờ, “khoảng bốn giờ sáng, mẹ lay
tôi dậy đi cho sớm” vì bà biết anh “bỏ
ngũ” và lòng người mẹ ấy, lại cũng lạnh lùng “Về đơn vị, mẹ sẽ đi cùng con” Anh đã “ấm ức
vô cùng” với cái quyết định quá ư sắt đá của mẹ nhưng anh “không dám trái lệnh mẹ” cũng bởi vì anh
vốn quen nghe lời mẹ. Đến nỗi, không có xe bà đã quyết định đèo con lên đơn vị
ngay lúc ấy. Trong anh diễn ra một sự xót xa nhưng thấu hiểu, anh đã thấy “ánh đèn đường phản chiếu trên gò má mẹ, trong một giọt
nước đang lăn xuống”Tại sao mẹ lại làm như thế, mẹ lạnh lùng, sắt đá đến vô
cảm. Trong lòng anh ngỗn ngang trăm mối, anh không hiểu mẹ, anh trách mẹ “tôi đã
chết vì mẹ mình. Chính mẹ đã đưa tôi đến thế giới lạ lùng này”. Chính mẹ đã
cướp đi của anh bao ước mơ, bao khát vọng của tuổi học trò. Anh khao khát được
cảm giác như đôi tình nhân về muộn trong đêm giao thừa ấy, anh khao khát cuộc
sống tự do bên mẹ, có mẹ. Thiết nghĩ, đây cũng là khao khát hết sức chính đáng
của một chàng trai mới lớn. Trong anh, chưa có một ý thức gì về nghĩa vụ đối
với đất nước. Anh cũng không có một lí tưởng gì cao cả. Chỉ ước mơ được đi học
đại học, được như mọi người trai khác trong thời đại của mình. Anh chính là
hình ảnh của một người con thời hiện đại: khao khát được học hành nâng cao
trình độ, khao khát mái ấm gia đình, khao khát tình yêu tuổi trẻ... Những khao
khát ấy hết sức “người” và cũng hết sức nhân văn. Đáng lí, anh phải được hưởng
những điều như vậy, vì cha anh đã làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước rồi, anh
lại là con của một gia đình có công. Với lại anh là đứa con duy nhất của một
gia đình neo đơn của một bà mẹ “tuyệt vời” hết mình, hết lòng vì dân, vì nước.
Góc độ 2: Dưới cái nhìn bi kịch của
một người chiến sĩ khát khao cống hiến. Tuy anh chưa có
một lí tưởng gì cho công cuộc bảo vệ đất nước ngay lúc mẹ đăng lính. Nhưng khi
anh đã bước chân vào quân ngũ, như mọi người lính trên chiến trường đều mong
muốn cái hy sinh của mình sẽ là cái hy sinh oanh liệt hào hùng để lại tiếng
thơm muôn đời. Cái sự hy sinh ấy phải thật xứng đáng, và thật lính trận. Thế
nên càng xót xa, cay đắng hơn với cái chết của anh. Một cái chết “ nhạt toẹt” (theo anh) cái chết ấy đã
kết thúc cuộc đời của một thanh niên tràn đầy sinh lực. Cái chết mà anh cho là
vô nghĩa và nhạt nhẽo ấy không mang đến cho anh niềm tự hào mà ngược lại đó là
nỗi ray rứt đầy nuối tiếc cho thân phận người lính. Anh cảm thấy cái chết “nhạt
toẹt” ấy kết thúc một cuộc đời cũng vô cùng nhạt nhẽo của anh. Cuộc đời của một
người lính chỉ có những chuỗi ngày ngắn ngủi và mờ nhạt như thế sao? Hình như
anh vẫn không cam tâm chấp nhận một sự kết thúc như vậy. Một cái chết “không anh dũng, cũng chẳng hèn nhát”,
cái chết của những người được bình đẳng trong cái tên gọi “anh hùng liệt sĩ” ở
thế giới bên kia khi họ được qui tụ về đây. Nơi được xem là điểm hẹn của những
“quần hùng”. Ở đây, anh đã có dịp nhìn lại chính mình và anh nhận ra một điều “trong thế giới của chúng tôi, không phải ai
cũng là anh hùng, không phải ai cũng đến thế giới này bằng cái chết oanh liệt”.
Và “tất cả đều được đối xử bình đẳng.
Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất mà chúng tôi có thể tự hào về thế giới của mình”
Vâng, điều đó đã an ủi anh, đã giúp anh tiếp tục tồn tại trong thế giới của
mình với cái “tự hào” không thực. Dù sao đi nữa, cuộc đời anh cũng có ý nghĩa
đối với đất nước. Cái chết ấy cũng là một cái chết có ý nghĩa, tuy không xông
pha trước làn tên mũi đạn của kẻ thù nhưng cái chết thầm lặng ấy đã góp thêm
chiến công cho công cuộc bảo vệ đất nước của dân tộc. Anh chết trong khi làm
nhiệm vụ không phải là cái chết “nhạt toẹt” được!
Góc độ 3: Dưới cái nhìn bi kịch của
một đứa con khao khát tình mẫu tử với cái lí tưởng cống hiến hết mình của một
bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đây có thể là bi kịch lớn nhất và cũng
là bi kịch xuyên suốt đối với nhân vật này. Ngay từ khi mẹ tự ý đăng lính cho
anh, khi mẹ đèo anh trên chiếc xe đạp cà tàng trở về đơn vị ngay sáng mùng 1
tết trong tiếng khóc nức nở của anh. Và bi kịch đó lại tiếp tục và thể hiện rõ
nhất khi anh đã hy sinh. Trong ngày về thăm nhà đầu tiên anh đã vô cùng thất
vọng và “xót xa, chạnh lòng” vì “Mẹ không có nhà. Mâm cơm cúng tôi đã nguội
ngắt. Hương cháy rụi đến chân. Đồ cúng không có tiền vàng, không có quần áo
mới. Tôi đang phải mặc chiếc áo bị hơi nổ xé rách như tổ đỉa nhiều năm nay”
Trong ngày giỗ của con, mà hương khói lại như thế ư? Đồ cúng, cơm cúng con lại
như vậy sao? Còn mẹ, mẹ đang ở nơi đâu? Mẹ đang làm gì? Tại sao, có thể có một
người mẹ vô tâm, tàn nhẫn với con ruột của mình đến thế sao? Nên
vẫn không thể trách anh “Chết rồi tôi vẫn
không nguôi giận mẹ” và sau chuyến về thăm nhà đó “Đã nhiều năm tôi không về thăm nhà” nữa. Mẹ đã công lên việc xuống
như thế nào, đến nỗi “mười năm” sau
khi nhận được giấy báo tử của con, mẹ mới mò lên nơi con chết. Anh đã gặp lại
mẹ mình “Mười năm kể từ cái đận mẹ đưa
tôi về đơn vị để rồi tôi chết nhạt toẹt trong cái hang này” Mười
năm dài đăng đẳng của một đời người. Tại sao mẹ không đến ngay khi hay tin con
chết? Tại sao mẹ lạnh lùng, vô tâm đến thế? Hình như mẹ đang say với công việc,
với lí tưởng vĩ đại của mẹ mà quên bén đi đứa con “đứt ruột” đẻ ra của mình.
Hình như mẹ không còn một chút thời gian nào để nhớ là có một đứa con trên cõi
đời này. Rồi trong một lúc cô đơn nào đó, mẹ chợt nhớ đến đứa con bất hạnh đó,
rồi vội vã đi tìm nó, như mẹ đã đánh mất, để quên nó ở một xó xỉnh nào đó? Lòng
người mẹ vô tâm đến thế là cùng. Đứa con ấy không đáng trách và anh
trách mẹ là phải. Bởi anh chính là nạn nhân của lí tưởng của một “người mẹ vĩ
đại”, “người mẹ Việt Nam anh hùng” đáng kính! Anh đủ khôn lớn để quyết định
tương lai của mình, và đủ khôn ngoan để chọn lí tưởng, con đường đi cho riêng
mình. Mẹ có lí tưởng của mẹ là không sai. Nhưng mẹ cũng không nên áp đặt lí
tưởng của mẹ cho người khác dù đó là con mình. Trong anh đầy mâu thuẩn vì dù
sao thì đó cũng là mẹ ruột của mình, vì thương mẹ, anh muốn trả hiếu cho người
đã sinh thành dưỡng dục ra mình nên anh đã “ngậm
ngùi chấp nhận sự sắp đặt của bà”. Cái chết của anh âu cũng là trả lại cho
“mẹ” cái công lao to lớn ấy. Nên “Chết rồi tôi vẫn còn giận mẹ” cái điệp khúc
ấy cứ lặp đi lặp lại. Vì anh không hiểu mẹ, anh không thấy được đức hy sinh lớn
lao ở bà để mà cảm thông với bà.
Nhưng
cuối cùng anh đã hiểu và tha thứ cho bà khi bà lên tìm hài cốt của anh. Cái
ngày bà lên tìm anh sau mười năm từ ngày anh chết đã làm anh xúc động vô cùng
và “Tôi định ào ra đón mẹ, nhưng nỗi giận
hờn lại dìm tôi xuống, khóa chân tay tôi cứng đờ. Tôi nép vào vách đá như chạy
trốn” anh vẫn còn giận mẹ, và giận rất nhiều, anh tủi thân mình trước bạn
vì thiếu sự quan tâm của gia đình. Và hình ảnh bà mẹ “già sụp đi. Tóc bạc phân nửa. Động tác đã chậm chạp” và “ngồi lặng lẽ thắp hương. Không khóc, không
sì sụp khấn vái, mắt nhắm lại như thể hóa thạch” đã làm anh chạnh lòng và
xúc động “Tôi tấm tức khóc” Anh không kìm được lòng và tiếng khóc bật lên
có lẽ “vì vẫn giận mẹ” cũng có lẽ vì
anh thương mẹ quá. Anh nói trong sự hờn dỗi “Con không về đâu”. Nhưng hình ảnh
bà mẹ “Khuôn mặt đau đớn, co rúm lại,
toàn thân run bần bật” khiến anh chạnh lòng và thương mẹ quá. Anh đã “ngã hẳn vào mẹ, luồn tay ôm lưng như thời
thơ dại”. Đó chính là cái khao khát bấy lâu của anh, cái khao khát của một
đứa con thiếu vắng tình cảm gia đình. Cái khao khát ấy bây giờ anh mới được
toại nguyện khi anh đã ở thế giới bên kia rồi, cái thế giới không có khoảng
cách giữa anh và mẹ nữa. Giờ đây anh đã được ở bên mẹ, được có mẹ vĩnh viễn,
không ai có thể chia cách mẹ con anh được nữa.
5. Không gian và thời
gian nghệ thuật trong truyện
a. Không gian nghệ thuật
Theo sự tiếp nhận của
chúng tôi, trong Bóng anh hùng, không gian được trần thuật là không gian
cõi sống và không gian cõi chết. Cách xây dựng không gian như thế không
lạ. Doãn Dũng dùng không gian cõi chết để soi sáng không gian cõi
sống, dùng không gian cõi chết để mong giãy bày khát vọng tình cảm. Doãn
Dũng xây dựng không gian cõi chết như một hình tượng nghệ thuật trong
tác phẩm. Hình tượng nghệ thuật này thể hiện cái nhìn nhiều phía
về sự hy sinh của người lính, về giá trị hạnh phúc của người mẹ
anh hùng. Trong cõi sống nhân vật Thắng giận mẹ. Mẹ
buộc Thắng nhập ngũ, mẹ không cho Thắng ở nhà ăn Tết, mẹ không dám
thương con của mình. Trong cõi chết, Thắng thương mẹ. Mẹ vẫn nhớ cái
mong ước của Thắng thưở thiếu thời. Mười năm sau khi chiến tranh kết
thúc, mẹ không dám chết khi chưa tìm được tìm hài cốt của Thắng. Ở
đây, không gian được mở ra, ngoài không gian cõi sống tồn tại một không
gian cõi chết. Theo Doãn Dũng, không gian cõi chết chẳng qua là một
nhìn khác về con người. Ở góc nhìn mới này Thắng có cái nhìn khác
về mẹ. Doãn Dũng mở rộng không gian nhìn cho nhân vật, cho người đọc.
Theo tác giả, những không gian khác nhau sẽ có cách nhìn nhận khác
nhau. Và chỉ có cách mở rông góc nhìn, con người mới hiểu được giá
trị thật. Ở cõi chết, Thắng cảm nhận được tình thương của mẹ, cảm
nhận được nỗi đau mất chồng, mất con, sống cô đơn trong căn hộ bé xíu.
Thắng cũng hiểu được mong mỏi tìm hài cốt chồng, tìm hài cốt con
của mẹ. Không gian cõi sống trong Bóng anh hùng là không gian bận rộn,
lạnh lùng của mẹ, là không gian súng đạn, chết chóc nơi chiến
trường. Không gian cõi sống tàn nhãn: có những người mẹ không dám
thương con, có những cái chết vì lí do “tai nạn chiến trường”. Không
gian cõi chết yên bình: có niềm vui yên bình, có hạnh phúc đoàn viên.
Không gian cõi chết là không gian mơ ước trong lòng người mẹ. Không gian
cõi chết là nơi chấm dứt nỗi đau người mẹ.
Ngoài không gian cõi
chết còn có những không gian khác như không gian căn nhà mẹ, không gian ngày
Tết, không gian chiến trường và nhỏ nhất là không gian cái hang “Trời đánh”.
Thắng đi lính không bằng tinh thần tự nguyện nhưng khi ra chiến trường có lẽ
Thắng cũng mong chết anh hùng. Nhưng khổ nỗi Thắng chết vì tai nạn đời lính. Doãn
Dũng thể hiện cái nhìn khách quan của một người bàn luận chuyện
đời.
Tổ quốc công bằng đối với những người con chết vì cuộc chiến bảo
vệ đất nước và người lính cũng
khách quan đánh giá cái chết của mình “nhạt toẹt”. Đồng thời, Doãn
Dũng thể hiện cái nhìn về giá trị hạnh phúc của người mẹ là đoàn
tụ với người thân trong cõi tâm linh. Doãn Dũng nói lời nhẹ nhàng về
nỗi đau chiến tranh.
b.
Thời gian nghệ thuật
Chúng tôi nhận thấy, trong
Bóng anh hùng thời gian trần thuật có sự đan xen quá khứ và hiện tại.
Cách thiết kế thời gian của Doãn Dũng quen thuộc. Tác giả mở đầu
tác phẩm bằng thời gian hiện tại, thời gian của cõi chết vô hạn
tuần hoàn. Và từ đó, tác giả trộn lẫn giữ
quá khứ và hiện tại. Thời gian của quá khứ với những kỉ niệm của
Thắng về mẹ. Mẹ bận rộn với công việc đoàn thể, mẹ quyết đoán rèn
luyện con thành người đàn ông mạnh mẽ, mẹ lạnh lùng bắt tay Thắng
ngày tiễn đưa tân binh, mẹ có khóc
khi đưa Thắng về đơn vị. Thời gian của hiện tại là thời gian của cõi
chết. Đây là thời gian của mơ ước. Sau 10 năm kết thúc chiến tranh, mẹ
tìm được Thắng trong cõi chết. Mẹ mơ ước ngày này để đưa con về quê
nhà. Đến ngày mười bốn tháng giêng, mẹ được đoàn tụ với ba và
Thắng nơi cõi chết. Trong thời gian vĩnh viễn của cõi chết những
người thân yêu được sống bên nhau. Theo
cái nhìn của tác giả, đôi khi thời gian cõi chết không còn là sự mất
mát mà là niềm hạnh phúc mong chờ. Xong trách nhiệm của một
người công dân đối với đất nước, mẹ đi tìm ba, tìm Thắng. Mẹ chờ
thời gian đoàn tụ. Tác giả xây dựng thời gian cõi chết thể hiện
khát vọng xoa diệu nỗi đau của người mẹ. Tác giả thể hiện nỗi đau
của người còn sống mà tất cả người thân đều chết. Thời gian hữu
hạn của cõi sống đau đớn quá nên tác giả muốn tạo ra thời gian vô
tận của cõi chết để mong xóa đi nỗi đau trong quá khứ. Thời gian 10
năm sau chiến tranh cũng không thể xóa hết nỗi đau chiến tranh. Bằng chứng
Thắng, Quý chỉ được tìm thấy nhờ nhà ngoại cảm. Vậy những người bị chết vùi
trong chiến tranh khác thì sao? Đó là câu hỏi mà tác giả dành cho tương lai.
PHẦN KẾT LUẬN
------------------
Doãn Dũng là một nhà văn trẻ nhưng tài năng. Với cái nhìn
chân thật, khách quan và không định kiến, anh đã góp vào đời sống sinh hoạt văn
học nước nhà một tác phẩm hay, có chiều sâu tư tưởng. Nền văn học Việt Nam hiện
tại rất cần có những nhà văn như Doãn Dũng, cần lắm những truyện ngắn hay như Bóng anh hùng.