Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

THIẾT KẾ BÀI TẬP CHỈNH SỬA ĐỂ GIÚP TẠO LẬP VĂN BẢN


1.      Bài tập chỉnh sửa lỗi chính tả.
Trong bài viết với đề “Loài cây em yêu” một bạn học sinh viết có đoạn như sau:
“Trông tất cả các loài cây em yêu quý nhứt là cây xài, vì cây xài đả mang lại nhiều thu nhặp cho nhà em. Em xẽ châm xóc chúng thật tốt”
Hướng thực hiện:
·        Bài tập sử dụng trong các tiết sửa lỗi chính tả, chương trình địa phương về sử dụng từ…
·        Giáo viên nêu yêu cầu:
-         Chỉ ra lỗi trong đoạn trích trên rồi sửa lại cho đúng.
-         Theo em nguyên nhân vì sao lại xảy ra lỗi như vậy? Cách khắc phục?
·        Cho học sinh trao đổi thảo luận.
·        GV và học sinh thống nhất ý kiến đúng.
2.      Bài tập chỉnh sửa lỗi tập trung vào ngữ cảnh, ngữ nghĩa của văn bản.
- Bài tập này giáo viên có thể sử dụng trong tiết Trả bài kiểm tra, viết đoạn văn… Giáo viên lấy trực tiếp một bài viết (câu, đoạn) của học sinh trong đó có một số lỗi về nghĩa của câu.
- Cho trước các từ, yêu cầu học sinh tìm trong số các từ đã cho những từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong đoạn, bài cho sẵn.
VD:          Điền từ thích hợp vào những chố chấm để hoàn thành đoạn văn bản sau:
                 Nhưng nếu Kiều là một người……. thì Từ là một kẻ….., Kiều là một người tủi nhục thì Từ là kẻ…... Ở trong cuộc sống, mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một….. thì trên quãng đường ngang dọc, Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống….., Từ sống bất bình, Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười (….). Kiều là …….. của mối mặc cảm……, còn Từ là nguyên hình của mối mặc cảm……..
                 (tự ti, tự tôn, yếu đuối, hùng mạnh, vinh quang, bất trắc, chịu đựng, hiện thân)
             - Không cho trước các từ, để HS tự tìm trong vốn từ của mình mà điền vào.
Khi hướng dẫn làm bài tập này, giáo viên thao tác:
+ Hướng dẫn HS nắm nghĩa các từ đã cho.
+ Xem xét kĩ đoạn văn có chỗ trống (đã viết lên bảng phụ).
+ HS đọc lần lượt xem từng câu của đoạn văn cho sẵn, dừng lại ở chỗ trống, cân nhắc xem có thể điền từ nào cho câu văn đúng nghĩa, phù hợp với từng đoạn.
+ HS đọc lại toàn đoạn để kiểm tra, thấy nghĩa của câu, của bài đều thích hợp thì bài tập đã được làm đúng.
+ Các em rút ra được bài học gì từ bài tập này?
3.      Bài tập chỉnh sửa Phong cách ngôn ngữ.
Cho ví dụ: “Chùa Dơi là ngôi chùa nằm tại xã Mỹ Long Bắc. Vòng vòng chùa nhiều ơi là nhiều con dơi. Chúng hội họp về đây rất hoan hỉ.”
                                                (Đoạn văn Thuyết minh về danh lam, thắng cảnh)
·        BT này sử dụng trong các tiết có liên quan đến Phong cách ngôn ngữ, chữa lỗi diễn đạt, sửa bài kiểm…
·        Yêu cầu
-         Xác định lỗi trong đoạn văn trên.
-         Xác định nguyên nhân lỗi?
-         Cách khắc phục.
·        Thống nhất ý kiến.

4.      Chữa lỗi về bố cục:
a.    Lỗi chung về bố cục
·        Bài tập này có thể sử dụng trong các tiết luyện nói, lập dàn ý (trong phần viết nháp bài văn theo đề đã cho), sửa bài kiểm…
·        Trước tiên giáo viên hỏi về bố cục thông thường của một bài văn, sau đó cho học sinh đối chiếu với bài của mình xem đã đủ về bố cục chưa? Nếu chưa đủ thì còn thiếu phần nào? Em cần sửa ra sao? Giáo viên hướng dẫn học sinh chữa lỗi về mở bài, kết bài (Theo cách đã học), về thân bài (sắp xếp ý theo trình tự đã học một cách hợp logic). Sau đó tổ chức cho học sinh tiến hành sửa lỗi cá nhân và trao đổi bài cho nhau để cùng kiểm tra trao đổi kinh nghiệm.
·        Ngoài ra, ở phần này học sinh thường không biết tách giữa mở bài với thân bài hoặc giữa thân bài với kết bài. Vì vậy khi sửa lỗi về bố cục, giáo viên cần gợi học sinh nhớ lại dàn ý của bài. Từ đó học sinh sẽ tách được đoạn văn viết lẫn hoặc viết được đoạn văn còn thiếu trong bài văn.
·        Đưa ra bài tham khảo (bài của chính học sinh):
+ 01 bài đã khá hoàn chỉnh ngay từ đầu.
+ 01 chưa đạt yêu cầu.
+ 01 bài đã đạt yêu cầu sau khi chỉnh sửa.               

b.   Lỗi về tính mạch lạc, logic:
Giáo viên tiến hành tương tự như các bước thực hiện ở tiểu mục “a”. Đặc biệt, tiết chỉnh sửa cần tập trung vào:
+ Việc sắp xếp và trình bày các ý với ý, câu với câu, đoạn với đoạn có hợp lý chưa?
+ Trong đoạn có câu chủ đoạn và các câu thuyết đoạn chưa?
+ Các câu thuyết đoạn có làm rõ cho câu chủ đoạn hay chưa?
+ Các câu, các đoạn có làm rõ ý mà yêu cầu đề đặt ra hay không?
+ Trả lời những câu hỏi như vậy và tiến hành sửa lỗi có tác dụng như thế nào trong viết văn?

c.    Giáo viên có thể cho học sinh kể tóm tắt một văn bản.
-         Phần bài tập này có thể tiến hành trong nhiều tiết nhất là tiết Luyện nói, chữa lỗi diễn đạt,...
-         Trong quá trình kể cần chú ý vào diễn văn của học sinh, cho các em học sinh khác nhận xét, giáo viên nhận xét rồi chỉnh sửa cho các em.
Nên đặt ra vài câu hỏi định hướng:
+ Nhận xét về cách diễn đạt của bạn?
+ Nếu diễn đạt như thế sẽ dẫn đến điều gì? (Hợp lí thì sao? Không hợp lí thì sao?) 
+ Nguyên nhân?
+ Cách khắc phục?
-         Hay giáo viên nêu câu hỏi để làm nổi rõ tính mạch lạc, logic của một văn bản bất kì trong SGK mà tạo được định hướng tham khảo cho học sinh khi viết văn:
+ Chủ đề xuyên suốt các phần, các đoạn, các câu của VB này là gì?
+ Trình tự tiếp nối của các phần, các đoạn, các câu trong VB có giúp cho sự thể hiện chủ đề được liên tục, thông suốt, hấp dẫn không?
+ Bài học về tạo lập văn bản?...
5.      Chữa lỗi diễn đạt
a.      Giáo viên đưa ra ngữ liệu từ bài viết của học sinh, sau đó cho học sinh thảo luận nhóm đôi tìm và sửa lỗi cú pháp, xác định nguyên nhân và hướng khắc phục. Có thể sử dụng bảng sau:

Câu lỗi

Lỗi cú pháp

Câu đã sửa cú pháp
………………….
………………..
…………………………

b.      Giáo viên cũng có thể đưa ra các câu có lỗi, yêu cầu học sinh phát hiện, chỉnh sửa, xác định nguyên nhân, nêu tác hại và cách khắc phục.
Các ví dụ:
-         Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều đồ dùng học tập khác.
-         Trong thanh niên nói chung và trong bóng đá nói riêng, niềm say mê là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công.
-         Lão Hạc, Bước đường cùng và Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc thân phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945.
-         Em muốn trở thành một người trí thức hay một bác sĩ ?
-         Bài thơ không chỉ hay về nghệ thuật mà còn sắc sảo về ngôn từ.
...
(Ngữ liệu trích từ Ngữ văn THCS)
·        Thống nhất ý kiến.
Dương Trắc Nghiệm (chủ biên)
 Hồng Phương, Hiểu Ý, Ngọc Diệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét