I. Khái niệm quy phạm:
1. Khái niệm:
Quy phạm là tính chất mẫu mực, khuôn sáo được thể hiện qua một hệ thống phức tạp và phong phú các quy ước về nội dung và hình thức của tác phẩm, các công thức miêu tả, biểu hiện mà người viết phải tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình sáng tác.
Văn học trung đại Việt Nam cũng giống như bất cứ một thời kỳ văn học nào đều có đặc trưng riêng của nó. Nổi bật ở văn học trung đại là hai đặc trưng : tính quy phạm và tính dung hợp – tiếp biến. Vậy quy phạm trong văn học là gì? Nó có những biểu hiện nào trong văn học trung đại và cơ sở văn hoá của nó là gì?
Trước hết cần hiểu quy phạm là những quy tắc khuôn mẫu công thức có tính chất bắt buộc, là sự quy định chặt chẽ theo phép tắc khuôn mẫu. Trong đời sống không thiếu hiện tượng có tính quy phạm. Ví dụ trong lễ thành hôn của Trung Quốc thời xưa qua phim ảnh ta thấy các thủ tục “nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái”. Như vậy quy phạm là biểu hiện của văn minh văn hoá của mỗi con người, ở mỗi cộng đồng người…Theo tác giả Nguyễn Phong Nam, “Khái niệm quy phạm bao hàm một nghĩa rất rộng rãi. Từ những yếu tố có tính bao quát, trừu tượng như phương pháp tư duy, cảm hứng sáng tạo...cho đến những yếu tố cụ thể, chi tiết như các biện pháp kỹ thuật, thủ pháp thể hiện...Tất cả đều chịu sự câu thúc của quy phạm.”
Thực ra có những quy phạm trở hành nguyên tắc bắt buộc dù ban đầu chỉ xuất hiện ở dạng vô thức, khi bị điều tiết bởi mục đích chính trị hoặc bản thân cái điều quy phạm đó được xem là tốt, là tích cực cần thiết cho văn chương. Xã hội phong kiến đề cao chữ “ Lễ” cũng dễ biến nhiều việc trở thành nguyên tắc, quy phạm. Tính quy phạm là nguyên tắc nhận thức nguyên tắc sáng tạo nếu lệch chuẩn sẽ bị “phạm quy”, tác phẩm sẽ không có giá trị. Tính quy phạm là một đặc điểm có tính phổ quát, bởi lẽ quy phạm có ở mọi loại hình, mọi loại thể văn học với yêu cầu riêng của mỗi loại. Đồng thời mỗi một thời đại, một thời kỳ, mỗi một nền văn học đều có quy tắc quy định riêng, nên quy phạm mang tính lịch sử cụ thể.
Trong văn chương trung đại “ Quy phạm có mặt từ cái nhỏ đến cái lớn bất kỳ ở đâu cũng có khuôn phép”(Theo GS Lê Trí Viễn, Đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1996). Điều đó có nghĩa là văn học phong kiến, quy phạm hiện diện ở quan niệm văn chương và trong thực tế sáng tác.
Bất quy phạm là việc phá vỡ các tính chất quy phạm đã được quy ước do tư tưởng phóng túng và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bứt phá những chuẩn mực này là do xã hội phong kiến suy thoái, mỗi một nho sĩ có một cách nhìn khác nhau dưới những góc độ khác nhau. Nhưng điểm chung nhất là họ muốn thoát khỏi những gì ràng buộc mang tính lỗi thời. Con người có nhu cầu giải phóng. Điều này rất phù hợp với quá trình vận động và quan điểm của con người.
2. Cội nguồn của tính quy phạm trong Văn học Trung Đại:
2.1. Ý thức sùng cổ, tập cổ, tôn trọng các chuẩn mực:
Xem những gì thuộc về quá khứ là đẹp, là cao nhã, trang trọng nên phải học tập theo. Như người nữ đẹp toàn diện là phải cầm, kì, thi, họa. Nét đẹp trên khuôn mặt của cô gái là phải “Khuôn trăng đầy đặn” hay người đẹp như hoa… Trong sáng tác văn chương cũng lấy nhiều điển tích, điển cố. Hay tác giả thời Trung đại sáng tác thường chọn các tác phẩm của tiền nhân mà viết lại theo lối tập cổ như Truyện Kiều của Nguyễn Du…
2.2. Ý thức phục tùng các nguyên tắc, luật lệ nghiêm ngặt của xã hội “trọng lễ”:
Cảm thức trung đại của con người trước tự nhiên và xã hội cũng hình thành những nếp nhìn, nếp nghĩ, nếp cảm không giống như các thời đại sau và hầu như vô ý thức mà thành những quy định, và khi văn chương chấp nhận đó là đúng, là tốt, là đẹp thì nó nghiễm nhiên là những quy phạm có tính bắt buộc. Dĩ nhiên, xã hội lấy chữ “Lễ” làm khuôn phép, nhất định phải đặt thêm những quy chế - như loại xưa gọi là trường quy. Phải kiêng tên vị vua này, hoàng hậu nọ, có khi tổ tiên cả mấy đời của vua nên viết chữ Hán gặp tên ấy phải dùng chữ khác thay thế hoặc bỏ bớt đi một nét nào đó trong chữ để chứng tỏ người viết tôn trọng họ vua.
2.3. Ý thức tuân thủ những quy định chặt chẽ trong nội dung và hình thức thi cử:
Đã nói quy phạm là khuôn phép, không chấp hành coi như sai trái, tầm thường, dốt nát, và nặng hơn làbất kính, là có đầu óc bất lương chứa mầm phản nghịch. Học trò làm bài tập mà vi phạm các khuôn phép sẽ bị phạt. Thí sinh đi thi mà vi phạm quy chế trường thi, bản thân phải tội mà thầy dạy cũng liên đới bị pháp luật truy tố. Cao Bá Quát bị tù khi tiếc một quyển thi giỏi mà phạm húy một chữ nên tìm cách chữa lại và bị phát giác. Một ông nọ đã có tên yết trên bảng cử nhân rồi mà phúc tra lại thấy viết nhầm “Dực Tôn Anh hoàng đế” ra “Dực Anh Tôn hoàng đế” mà bị xóa tên hẳn. Nghe tin, ông đi bộ một hơi từ Huế về Quảng Nam chỉ một ngày đêm. Ở gia đình, bò heo đã sắm sẵn ăn mừng đành dẹp nhanh. Câu chuyện đau khổ ấy lưu truyền mãi.
II. Những biểu hiện của tính quy phạm và bất quy phạm trong văn học:
1. Quy phạm - bất quy phạm về đề tài
1.1. Phát biểu những quan niệm dựa trên nền tảng của học thuyết Nho giáo:
Phát biểu những quan niệm về đạo đức – chính trị:
Trước hết là quan niệm “ Thi dĩ ngôn chí” “ văn dĩ tải đạo”. Văn chương nói lên cái “Chí”, nói cái quan niệm của nhà Nho, thể hiện cách hành xử của nhà Nho trước cuộc đời. “Ngôn chí” cũng là hành vi lập ngôn của người quân tử.
Các bài thơ có nhan đề “Thuật hoài”, “ Cảm hoài” trong văn học trung đại chính là bài thơ tỏ chí, tỏ lòng quen thuộc.
Dưới đây là một bài “tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão:
“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
(Thuật hoài -Phạm Ngũ Lão)
“Thuật hoài” là bài thơ của Phạm Ngũ Lão thể hiện niềm tự hào trước sức mạnh dân tộc. sức mạnh thời đại (Hào Khí Đông A) và nỗi niềm của tác giả cũng là cái chí cái thẹn của người con trai thời Trần. Văn học trung đại không có không ít các bài thơ ngôn chí như vậy. Ở sáng tác của Nguyễn Trãi, cái “ Chí” đó là nỗi lòng yêu nước thương dân vô cùng của nhà Nho Nguyễn Trãi:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước Triều Đông”.
Thực ra quan miệm “ văn dĩ tải đạo” có nguồn gốc sâu xa ông tổ của nó là Hàn Dũ Trung Quốc với tư tưởng “văn dĩ minh đạo” Theo Hàn Dũ “ văn” có góp phần làm sáng tỏ đạo, Vua Tự Đức triều Nguyễn thường nói “ văn của thánh nhân là để chở đạo, văn của văn nhân dùng để bàn về đạo”.
Thế hệ sau có thể nhận ra niềm yêu mến và tự hào đối với nền văn hoá văn học của dân tộc qua thơ của Tự Đức - một vị vua triều Nguyễn. Bài thơ có sự tự hào như ý thơ gần với thơ cuả Nguyễn Trãi
“ Nhớ nước Nam ta là nhớ văn hiến
Xưa nay một mực tính thuần
Từ Đinh Lý đến Trần Lê
Văn phong đã rạng rỡ”
(Tự Đức có dư tự tính thi)
“Đạo” đến thời của Nguyễn Đình Chiểu không còn dừng lại ở đạo lý của Nho giáo mà đạo đó là “ cứu nước thương nòi” nói chung xa lạ với công thức “tải đạo” thường lấy trong văn chương trung đại. Trong bài “ đạo nghĩa” của Nguyễn Đình Chiểu có nói điều này:
“ Mến nghĩa sao đành làm hại nước
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà”
Điều rõ ràng dễ nhận thấy của văn học phong kiến là người sáng tác rất coi trọng chức năng xã hội của văn chương. Bên cạnh sứ mệnh trước tiên của tác phẩm là gởi thông điệp về chí tu thân của nhà Nho, tác giả trung đại chủ trương bộc lộ cái chí trị quốc, bình thiên hạ của họ.
Phát biểu những quan niệm về thẩm mỹ:
Ngoài công thức “ văn dĩ tải đạo” , “thi dĩ ngôn chí” văn chương trung đại còn quy phạm ở quan niệm văn chương phải cao quý và sang trọng về mục đích cách thức biện pháp thể hiện. Công thức đó gọi là “cao nhã” Nói về vẻ đẹp của con người nhà nho diễn đạt mỹ miều như : mặt hoa, lệ hoa, gót hoa nói về cái chết rất tao nhã “ gãy cành thiên hương” “ ngậm cười chín suối”. Diễn đạt tài năng văn chương, Nguyễn Du từng viết “ Khen tài nhả ngọc phun châu” “ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” Xuất phát từ quan điểm thời trung đại thường hướng về cái cao cả, trang trọng, tao nhã, mỹ lệ, do vậy mà văn học thường có cách diễn đạt có khoảng cách với cái bình dị, mộc mạc . “ Cao nhã” là công thức quy phạm đặc trưng của văn học trung đại.
1.2. Sử dụng lại các đề tài có tính chất tập cổ:
Một công thức khác nữa dù không hẳn là ưu thế tích cực của văn học trung đại lại được sử dụng như một nguyên tắc bắt buộc trong văn chương “ thuật nhi bất tác” nghĩa là thuật lại mô phỏng sử dụng cái cũ để tạo ra tác phẩm mới của mình. Cuốn truyện thơ “ Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du một kiệt tác văn học quen gọi là truyện Kiều cũng đã vay mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều (tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân - người Trung Quốc) để sáng tạo và thành công đến thế.
Các thi sĩ sử dụng loại đề tài có tính chất tập cổ được lấy từ các tác phẩm văn chương mang tính mẫu mực của người Trung Quốc. Chẳng hạn như: “Kinh thi”, “Li tao”, “thơ Đường” Loại đề tài này thường đề cập tới cảnh núi sông hùng vĩ, chùa chiền u tịch, đêm trăng chiều gió, tài tử giai nhân Do đó văn chương trung đại sử dụng không mòn những loại đề tài ít di dịch: cảm, thuật, hoài, hứng, vịnh, ngâm, tặng, đề, tán, tiễn, tống, biệt, điếu, vãn. Cùng là đề tài “thuật hoài” nhưng nội dung và hình thức thể hiện thật khác nhau giữa Phạm Ngũ Lão và Đặng Dung. Điều này minh chứng rằng tác phẩm tuy cùng có chung một đề tài nhưng khía cạnh, góc độ khai thác nội dung và hình thức thì không thể giống nhau được. Vì đó chính là “chất” của từng thi sĩ. Phú, văn xuôi, truyện kí, tiểu thuyết cũng chọn đề tài trang nghiêm. “Phú sông Bạch Đằng”, “Phú sen trong giếng ngọc”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Hoàng Lê nhất thống chí” là những tác phẩm mà mới chỉ nghe tên mà ta có thể thấy chất cao quý, trang nghiêm của đề tài. Các loại văn xuôi triều đình, tôn giáo, bia, minh, liễn đối trong hội tang, chay đều mang tính nghiêm chỉnh, thanh nhã. Đề tài của tuồng thường mang chất bi hùng. Riêng chèo đôi lúc lại có đề tài mang chất dân gian nơi thôn xóm.
1.3. Trạng thái văn – sử - triết bất phân:
Có lẽ cần nói lại khái niệm văn học. Trong quá khứ, vào thời trung đại, những khái niệm văn, văn học, văn chương bao hàm nhiều nghĩa, có thể hiểu theo theo nghĩa hẹp và cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng. Thời ấy, có chữ văn được hiểu theo nghĩa rộng với nghĩa học vấn, văn minh và cũng rất có thể đã có chữ văn (trong văn học, văn chương) hiểu theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm tác phẩm văn học mang tính nghệ thuật. Có chuyện hiểu khái niệm văn, văn học theo nghĩa rộng là do quan niệm cho rằng mọi trước tác, trước thuật đều được gọi là văn theo quy luật văn – sử – triết bất phân. Như vậy, về phạm vi văn học, con người thời trung đại hiểu văn học vừa thái quá lại vừa bất cập. Thái quá vì không phân biệt văn học với triết học, sử học, đạo đức học, chính trị học; bất cập là vì có lúc nó gạt ra khỏi lĩnh vực văn học những tác phẩm có giá trị văn chương, chỉ vì chúng không chở đạo hoặc ít chở đạo. Đây là một quy luật có tính đặc thù lại vừa có tính phổ quát không riêng gì của văn học Việt Nam hay văn học Trung Quốc thời trung đại mà có thể nói là của cả thế giới lúc bấy giờ. Có quan niệm như trên là do đặc điểm văn hoá thời trung đại chi phối bởi tính chất hỗn hợp, tổng hợp của tư duy. Nói theo học giả Cao Xuân Huy, tư duy của con người phương Đông là tư duy cầu tính (global spirit), tư duy hỗn hợp, tư duy tổng hợp do thế triết học phương Đông là triết học chủ toàn; trong khi đó, tư duy của con người phương Tây làtư duy lý tính, tư duy phân tích (analysé spirit) và do thế triết học phương Tây là triết học chủ biệt (2). Theo GS. Nguyễn Đình Chú, quy luật có tính đặc thù này thể hiện ở một kiểu tư duy, một trình độ tư duy trong đó có sự kết hợp giữa hai hình thức tư duy mà ngày nay được xem là khác nhau tới mức một được coi làtư duy văn học và một bị coi là phi văn học. Nói cách khác, đó là tư duy hình tượng và tư duy khái niệm (tư duy lôgic, tư duy luận lý). Tất nhiên, nếu cực đoan trong sự khu biệt hai kiểu tư duy này trong văn học nghệ thuật là không thỏa đáng, mặc dù coi tư duy hình tượng là đặc trưng của tư duy văn học như khoa Lý luận văn học hiện đại quan niệm là hợp lý. Riêng ở thời trung đại, sự đan xen giữa hai kiểu tư duy khái niệm vàtư duy hình tượng là một đặc điểm không thể bỏ qua, và do đó mới có hiện tượng văn – sử – triết bất phân(3). GS. Viện sĩ B.L. Riptin khi nghiên cứu các nền văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình đã chỉ ra hai loại văn học là văn học chức năng và văn học phi chức năng tức văn học hình tượng (4). Quy luật này tồn tại trong văn học trung đại với nhiều trạng thái khác nhau. Có tác phẩm về thể tài lẫn tư duy với ngày nay bị coi là phi văn học nhưng ngày ấy chúng vẫn được coi là văn học như bi, minh, kệ, chiếu, chế, biểu, hịch, phú, cáo, ngữ lục, luận thuyết triết lý tôn giáo, truyện các Thánh … mà có thể đơn cử như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn (mà từ đầu thế kỷ XX đến nay, ta quen gọi là Hịch tướng sĩ, dù tác giả không viết như thế), các bài bi, minh khắc trên bia đá chuông đồng (kim thạch văn / văn khắc), các bài kệ của các Thiền gia, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung, Khoá hư lục của Trần Thái Tông, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi v.v.. Có thể tài ngày nay vẫn coi là văn học nhưng kiểu tư duy về cơ bản vẫn là tư duy khái niệm (tư duy luận lý) như bài Thơ Thần (Nam quốc sơn hà) tương truyền của Lý Thường Kiệt (?). Cũng cần nói thêm về bài thơ này. Hình thức của văn bản là thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng ngôn từ của nó lại là lời hịch. Kiểu tư duy của tác phẩm là tư duy khái niệm, và không có một biểu hiện gì của kiểu tư duy hình tượng, dù xét đến cùng không phải là nó không có cảm xúc, mà có thể nói cảm xúc của văn bản này được nén vào trong ý tưởng, ẩn kín đằng sau những câu chữ kia, đó là niềm tự hào về ý thức độc lập, có chủ quyền của đất nước cùng quyết tâm chiến đấu gìn giữ nền độc lập ấy. Vì thế, mỗi con dân Đại Việt từ xưa đến nay và mãi mãi về sau luôn tự hào xem đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Có tác phẩm về thể tài là thể tài văn học nhưng tư duy, nội dung và phương thức biểu hiện có sự kết hợp nên dẫn đến tình trạng văn – sử bất phân như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu rồi Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái; văn – y bất phân như Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu; văn – triết bất phân như Khoá hư lục của Trần Thái Tông hay như một số kệ, thơ Thiềncó chép trong Thiền uyển tập anh… Quy luật bất phân này chi phối hầu hết các thể loại văn học không chỉ ởcác thể loại văn học mang tính chức năng mà ở cả các thể loại văn học phi chức năng, tức văn học hình tượng như thơ tự sự, thơ trữ tình. Và tuy văn học thời trung đại tuân thủ theo quy luật bất phân ấy (chiếm ưu thế) nhưng trong nội bộ của nó vẫn tồn tại mầm mống hữu phân nhất định khi con người tự lựa chọn những hình tượng nghệ thuật để bộc lộ tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của mình. Vì thế văn học trung đại vẫn xuất hiện những tác phẩm văn học với phương thức tư duy hình tượng theo quan niệm ngày nay. Ngay cả hồi ấy ở Trung Quốc bên cạnh các quan niệm văn dĩ tải đạo, văn dĩ minh đạo, văn dĩ quán đạo thì cũng đã có quan niệm văn là văn, đạo là đạo (văn thị văn, đạo thị đạo). Ở Việt Nam cũng có hiện tượng như thế. Khi cụ Đồ Chiểu quan niệm “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm..” thì cụ cũng phát biểu “Văn chương ai cũng muốn nghe; Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần”, tức có nghĩa bên cạnh yêu cầu văn chở đạo (dù có khác với quan niệm của Nho gia chính thống như trên đã nói) thì còn yêu cầu văn chương phải mang lời hay ý đẹp ; bên cạnh tính chất giáo hoá, giáo huấn còn có tính chất thẩm mỹ, chú trọng cái đẹp rỡ ràng của văn chương để về sau, khi có đủ điều kiện, văn học sẽ tách ra khỏi sử học, triết học mà văn học hiện đại là một minh chứng.
Cũng cần nói thêm về hệ thống thể loại văn học mang tính chức năng và phi chức năng với sự phát triển của nó có tính quy luật mà theo GS. Viện sĩ B.L. Riptin thì thời trung đại sơ kỳ, các thể loại mang tính chức năng đóng vai trò trung tâm, còn các thể loại phi chức năng hoặc mang tính chức năng yếu, ít chở đạo thì ởngoài rìa; để đến cuối thời trung đại (trung đại hậu kỳ) các thể loại này tiến dần vào trung tâm, nó đẩy các thể loại mang tính chức năng ra ngoài rìa, sau đó những thể loại chức năng này bị triệt tiêu dần vào thời cận – hiện đại (5).
Mỗi thể loại văn học trung đại có những yêu cầu mang tính đặc trưng mà nhà văn, nhà thơ khi sáng tác phải tuân thủ, do vậy khi giảng dạy, người giảng cần phải khai thác những yêu cầu này. Có như thế thì người học mới có thể lĩnh hội được những gì mà cha ông xưa gởi gắm trong tác phẩm. Cũng cần lưu ý là trong văn học trung đại, thể tài tác phẩm thường được các tác giả thể hiện ngay nhan đề tác phẩm. Ví dụ như:Tang thương ngẫu lục (Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ);Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ); Thượng kinh ký sự(Lê Hữu Trác); Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái). Đó là trong văn xuôi. Còn thơ cách luật thì cảm hứng thường là thuật hoài, cảm hoài, ngôn chí, mạn hứng, mạn thuật, ngâm, ca, vịnh, tả v.v..
1.4. Bất quy phạm trong việc xây dựng đề tài:
Tính chất quy phạm trong đề tài nhìn chung được đảm bảo. Tuy vậy, đó chỉ là khi viết bằng chũ Hán. Còn khi viết bằng chữ Nôm, tiếng Việt thì tính chất bất quy phạm xuất hiện. Nếu giai đoạn thượng kì, đề tài sáng tác ngâm vịnh chủ yếu là vua quan, mai, lan, cúc, trúc hay ngư, tiều, canh mục thì đến giai đoạn hạ kì, đề tại được mở rộng thêm nhiều theo hướng tự do, phóng khoáng, dần phá vỡ những gì quy định từ trước. Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái là những tác giả có biểu hiện phá cách rõ nhất. Những con người tầm thường, những sự vật tầm thường được đưa vào văn học. Thiên nhiên không còn mang tính quy phạm, hạn chế tính ước lệ khuôn mẫu mà thay vào đó là những gì gần gũi với đời sống hàng ngày của người bình dân như mùng tơi, cà, mướp, rau muống, cây chuối, cây đa... Điều này được chứng minh trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”.
Đề tài ngâm vịnh chẳng có gì là cao quý, ngược lại thơ dùng ngâm vịnh đủ thứ đồ vật trong nhà từ cái hũ, cái vò, cái đầu rau, cái cối xay, cái điếu, cái quạt… Phú Hán thanh nhã, cao sang còn phú Nôm lấy đề tài thông tục: tổ tôm, cờ bạ, thầy đồ ngông Kinh nghĩa là thể văn trường thi, yêu cầu bình luận lời thánh hiền trong kinh điển thì Lê Quý Đôn, một con người tưởng là nghiêm trang bậc nhất lại viết hai bài kinh nghĩa lấy tựa đề là “Mẹ ơi, con muốn lấy chồng” và “Ai ơi, chớ lấy học trò” với giọng đầy hóm hỉnh, đùa cợt. Hồ Xuân Hương lại có những nhận xét rất sắc về những vị quân vương, những kẻ tự cho mình là kẻ quân tử. Bà đã đập thẳng vào những bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chúng “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt. Đi thì cũng dở ở không xong”. Con người càng ngày càng chủ động hơn trong tình yêu đặc biệt là tâm tư tình cảm thầm kín của người phụ nữ dần bộc lộ. Điều này đáng được trân trọng biết bao!
"Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem".
(Cây chuối - Nguyễn Trãi.)
Hay những bài thơ viết về đề tài gần gũi với cuộc sống của nhà thơ Hồ Xuân Hương như Quả mít, Ốc nhồi, Hang Cắc Cớ, Vịnh cái quạt,…
“Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra taỵ”
(Quả Mít)
“Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Ðêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.”
(Ốc Nhồi)
“Trời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.”
(Hang Cắc Cớ)
Một lỗ sâu, sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự nghìn xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng:
“Phì phạch trong lòng đã chán chưa?”
(Vịnh cái quạt)
“Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay!
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đèn con trẻ
Thưng đấu nhờ trông một mẹ mày.
"Cống hỉ", "mét xì" thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tầu cũng tếch sang Tây...”
(Hễ mai thi hỏng - Trần Tế Xương)
2. Quy phạm - bất quy phạm trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật
2.1. Quy phạm trong việc xây dựng hình tượng nhân vật:
Công thức ước lệ, tượng trưng: là đặc điểm nổi bật của văn học trung đại. Khi sáng tác, các tác giả thường vay mượn văn thi liệu, điển cố, điển tích lấy từ sách vở Thánh hiền và kinh sách của các tôn giáo. Sự vay mượn này được lặp lại nhiều đến nỗi thành những môtip quen thuộc tạo nên tính ước lệ, tượng trưng trong văn học. Hồi ấy, những sáng tác văn chương có như thế thì mới được coi là bác học, cao quý. Chẳng hạn, nói đến cây và hoa thì tùng, cúc, trúc mai, sen… bởi chúng là những biểu tượng để chỉ những phẩm chất, cốt cách, khí tiết của người quân tử, của bậc trượng phu; nói đến con vật thì phải làlong, ly, quy, phụng; nói đến người thì ngư, tiều, canh, mục; nói đến hoa bốn mùa phải là xuân lan, thu cúc, hạ sen, đông mai; tả cảnh mùa thu thì mây đùn cửa ải, lá ngô đồng vàng rơi, rừng phong lá rụng, sen tàn giếng ngọc; nói đến thời gian phải là đêm năm canh, ngày sáu khắc; tả mỹ nhân thì làn thu thuỷ, nét xuân sơn, sóng thu ba, tóc như mây, da như tuyết … và người đẹp phải đẹp đến nỗi nghiêng nước nghiêng thànhhay chim sa cá lặn, thậm chí có khi Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình và có lúc cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa! như trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều v.v..
Miêu tả thiên nhên: thuật tả thiên nhiên của Nguyễn Du tuyệt vời đến nỗi giáo sư Nghiêm Toàn đã có nhận định như sau: “Trong Đoạn trường tân thanh luôn luôn có những bức tranh nho nhỏ như những hạt kim cương rải rác đính trên một tấm thêu nhung” (Việt Nam Văn học sử trích yếu). Điều đó đã được thể hiện qua một cảnh xuân tươi mát trên đồng quê qua ngòi bút miêu tả thiên nhiên trực tiếp :
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Nguyễn Du)
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Miêu tả hình ảnh con người và sinh hoạt văn hóa con người trong bức tranh thiên nhiên:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”.
Một nét vẽ ước lệ trong thơ cổ (ngư, tiều, canh, mục) nhưng rất thần tình, tinh tế trong cảm nhận. Mấy nhà chợ bên sông thưa thớt, lác đác. chỉ mấy cái lều chợ miền núi, sở dĩ nữ sĩ gọi “chợ mấy nhà” để gieo vần mà thôi: “tà” – “hoa” – “nhà”. Cũng là cảnh hoang vắng, heo hút, buồn hoang sơ nơi con đèo xa xôi lúc bóng xế tà.
Hay bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:
“Ao thu lạnh lẽo , nước trong veo ,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”
Miêu tả nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính diện mang vẻ đẹp lý tưởng:
- Tả Thúy Vân:
“ Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
- Tả Thúy Kiều:
“Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.”
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mặc dù đã xây dựng nên Kim Trọng, Từ Hải là hai nhân vật được nhà thơ xây dựng theo lối lý tưởng hoá. Kim Trọng là hình ảnh của một người yêu lý tưởng, Từ Hải là hình ảnh của một người anh hùng lý tưởng trên bình diện của công lý, của tự do. Đó là những tính cách bất biến từ đầu tới cuối. Ở đây hoàn cảnh không tác động tới tâm lý nhân vật. Từ Hải là một anh hùng nên ngay từ đầu, Nguyễn Du đã mô tả Từ Hải một cách oai phong lẫm liệt:
“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.”
Kim Trọng là văn nhân nên phải mô tả thật hào hoa:
“Đuề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”
Các nhân vật lý tưởng không có nét cụ thể, lịch sử. Ngay cả ngôn ngữ nhân vật là một yếu tố thường được nhà văn sử dụng nhiều để cá thể hoá, thì ở đây, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của Kim Trọng, Từ Hải cũng có nhiều mỹ từ, điển cố và cách nói kiểu cách, khác với ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Vận dụng điển cố, điển tích:
Ở văn chương từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX có một công thức mang tính bắt buộc trong sáng tác đó là công thức “hậu cổ bạc kim” với ý thức nghệ thuật trọng cái cổ (xưa), cái chân lý được sáng lập từ xưa, từ trước được trân trọng và ca ngợi. Cái cổ (xưa) là cái đã được khẳng định,đã vượt qua được sự sàng lọc của thời gian nên văn học trung đại hay sử dụng điển cố, điển phạm. Sử dụng cái có sẵn của tiền nhân, điển tích điển cố càng nhiều càng thành thạo thì càng chứng tỏ sự điêu luyện hiểu biết của nhà văn. Muốn vậy nhà văn phải đọc nhiều nhớ nhiều và ngoài việc phục vụ thi cử giáo dục người đọc sách còn phục vụ cho việc sáng tạo của họ. Thực ra văn chương xưa hướng đến mục đích thi cử trường quy. Mà yêu cầu trước tiên của văn chương cử tử là khuôn phép và điển phạm. Ai vi phạm coi như công đèn sách ba năm trở thành vô nghĩa. Cần ghi nhận một thực tế sử dụng điển tích điển cố là một ưu thế của văn học phong kiến bởi có quy luật tích cực do sử dụng điển cố. Tiết kiệm ngôn ngữ, lời ít ý nhiều và gợi cảm. Trong văn chương trung đại sử dụng điển cố là một vẻ đẹp của nghệ thuật. Vậy nên ta dễ thấy công thức này đựoc Nguyễn Khuyến sử dụng khá nhuần nhuyễn để nói chuyện tình cảm cá nhân trong thi ca. Bài thơ “ Khóc Dương Khuê” có các câu sau:
“Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gãy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”
Câu thơ không một tên tuổi của tiền nhân nhưng khách văn chương thừa hiểu hai câu thơ có sử dụng điển tích về tình bạn của Bá Nha - Tử Kỳ. Sự tri âm tri kỷ của họ đến mức khi một người bạn của mình mất đi, người bạn còn lại cảm thấy sự cô đơn và vô hạn, cảm thấy không ai hiểu tiếng đàn tri âm với mình như người đã mất. “Đập vỡ cây đàn” vì lẽ đó. Câu chữ không nhiều, với hai câu ngắn gọn gợi ra tình cảm sâu nặng của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê như đôi bạn của tiền nhân Bá Nha – Tử Kỳ.
Tính công thức của việc sử dụng điển tích điển cố trong văn học phong kiến ở biểu hiện dễ thấy. Chẳng hạn thơ cổ sử dụng điển tích Đào Tiềm để nói đến cuộc sống ẩn dật. Còn khi muốn phủ nhận công danh phú quý, thơ xưa mượn điển tích Thuần Vu Phần say mộng Hoè An. Các bài thơ “ Nhàn” ( Nguyễn Bỉnh Khiêm), “ Thu Vịnh” (Nguyễn Khuyến) có sử dụng điển tích trên.
Nguyễn Du cũng là một thi hào dùng rất nhiều điển tích trong tác phẩm của mình.Ông đã dùng điển tích để “làm câu thơ thêm có ý vị đậm đà mà vẫn lưu loát tự nhiên, không cầu kỳ thắc mắc” như Giáo sư Hà Như Chi đã nhận định. (Việt Nam Thi Văn Giảng Luận). Những điển tích thường nằm nhiều trong những đoạn thơ tả người, tả tình, tả tâm trạng, tả tiếng đàn, trải dài trong suốt Truyện Kiều. Chẳng hạn như đoạn tả cảnh Kiều nhớ Kim Trọng bên dòng nước trong xanh phản chiếu ánh trăng ngà:
“Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân”
“Gương Nga”chỉ mặt trăng, do tích Hằng Nga- mỹ nhân- vợ của Hậu Nghệ đánh cắp và uống hết thuốc tiên mà Hậu Nghệ xin được của bà Tây Vương Mẫu. Hằng Nga hóa tiên và bay lên mặt trăng. Từ đó người ta thường gọi mặt trăng là “Gương Nga” hay chị Hằng, chị Nguyệt.
Hai câu thơ khác :
“Sông Tần một giải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan”
“Sông Tần” lấy từ câu “Dao vọng Tần Xuyên, can trường đoạn tuyệt”- ý nói ở xa nhìn nước sông Tần như nát gan xé ruột. Dương Quan là tên một cửa ải xa ở phía tây nam tỉnh Cam Túc. Cả hai điển tích trên đều mang ý nghĩa một sự nhớ nhung khi xa cách. Đó là lúc Thúy Kiều tiễn đưa Thúc Sinh trở về thăm vợ cũ là Hoạn Thư.
Hay:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
Chữ “khóa xuân” lấy từ điển tích Châu Du bị gió đông cản việc phóng hỏa đốt trại Xích Bích, nên Đài Đồng Tước không bị cháy, nhưng chính vì đó mà đã khóa chặt tuổi xuân hai chị em tên Đại Kiều và Tiểu Kiều, một người vợ Tôn Sách và một người vợ Châu Du. Hai câu thơ trên ngụ ý tả cảnh lầu Ngưng Bích như là nơi đã khóa kín tuổi xuân của Thúy Kiều.
2.2. Bất quy phạm trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật:
Bên cạnh những quan niệm chính thống, cùng với sự suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam, sang thế kỷ XVIII – XIX, quan niệm về văn chương trong thơ Đường luật ở Việt Nam cũng sự chuyển biến, nó không theo sự chuẩn mực định sẵn của các thế kỷ trước đó nữa. Ngay cả hình tượng tác giả của nó cũng không còn là những bậc túc Nho “tháng ngày bao quản sân Trình lao đao” nữa.
Hồ Xuân Hương nhắn gửi:
“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy học làm thơ”
Sang cuối thế XIX, đầu thế kỷ XX, khi mà:
“Còn có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co”
Thì Tú Xương cũng ngậm ngùi, đau đớn: Vứt bút lông đi, lấy bút chì!
Và ở đó, thơ được thể hiện như những cách tự bạch, tự trào
“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng”
(Giễu người thi đỗ – Trần Tế Xương)
Một xu hướng trái chiều có xảy ra, đó là văn học trung đại càng ngày càng có xu hưóng gần với đời sống hiện thực. Hình tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương biểu hiện rõ xu hướng thoát ly dần công thức cao nhã của văn học Hán Nôm.
Châm biếm khác với hóm, nhẹ ở mức độ gay gắt và tính chủ ý của sự phê phán, ở ý nghĩa sâu sắc và mang tnh khái quát xã hội của hình tượng nghệ thuật. Giọng châm biếm thể hình tượng thơ như quân tử, cái quạt, bánh trôi nước…Nó không mang tính quy phạm nữa mà thoát ra khỏi quy phạm để các nhà thơ tự do thể hiện sự sáng tạo của mình.
“Thì thế mà cũng thi
Ới khỉ ơi là khỉ! ‘’
(Trần Tế Xương)
“Ông về đốc học bấy lâu nay
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay !...”
(Gửi ông đốc học Ngũ Sơn)
Với Tú Xương thì:
“Một đoàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng"
(Giễu người thi đỗ – Tú Xương)
Hồ Xuân Hương cũng tát thẳng vào mặt hiền nhân quân tử:
“Quan tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì không nỡ, ở không xong”
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Hay:
“ Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn leo”
Tóm lại, với hai nhà thơ trên, chúng tôi cho là sự phá cách của những gì mà quy phạm đặt ra.
2.3. Quy phạm - bất quy phạm về thể loại
Quy phạm về thể loại là tuân thủ nghiêm ngặt quy cách sáng tác của thể loại, nhất là các thể loại được sử dụng trong văn chương trường ốc, văn chương cử tử.
Tính tôn ti về thể loại:
- Văn lập ngôn
- Văn quan phương
- Thơ, phú.
- Truyền kì, tạp bút, tiểu thuyết.
Trong các thể loại trên thì truyền kì, tạp bút, tiểu thuyết là thể loại có nguồn gốc thấp hèn vì nó xuất phát từ những câu chuyện kể của thuyết thư dân gian. Ý thức thẩm mĩ tôn ti trật tự làm người xưa chuộng các hình thức đăng đối, chỉnh tề thể hiện ở niêm, đối, bằng, trắc, biền ngẫu.
2.3.1. Thể thơ cách luật gốc Trung Quốc đem dùng vào nước ta bao gồm nhiều quy phạm từ số dòng, số chữ mỗi câu đến đối ngẫu, niêm luật và một loạt những điều cấm kị khác. Tuy nhiên, những bản lĩnh thơ lớn đôi lúc cho phép mình vượt lên trên những hạn định đó, tự hưởng đôi chút tự do nhưng vẫn nằm trong giới hạn.
Một bài thơ Đường luật phải tuân thủ cấu trúc tác phẩm về vần, niêm, luật, đối.
Về luật: người ta căn cứ vào nhãn tự, tức vần thứ hai của câu thứ nhất. Nếu đó là vần bằng thì bằng thơ viết theo luật bằng và ngược lại.
Về vần: Thơ Đường luật thường dùng vần bằng (thanh huyền hoặc thanh ngang) ít khi dùng thanh trắc (các thanh: hỏi, ngã, nặng, sắc). Suốt bài thơ chi gieo một vần gọi là độc vận. Trong bài thơ bát cú, có năm vần được gieo: vào chữ cuối các câu 1; 2; 4; 6; 8.
Về đối, đặt hai câu đi song đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Trong phép đối: vừa có đối ý (là tìm hai ý tưởng gì đó cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau); vừa có đối chữ (về thanh: bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; về từ loại: những chữ cùng từ loại mới đối nhau được). Trong bài thơ Đường bát cú hai cặp câu thực (câu 3 - 4) và cặp câu luận (câu 5 - 6) đối nhau.
Về niêm: Hai câu thơ niêm nhau khi nào hai chữ đầu câu cùng theo một luật hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc; thành ra bằng niêm với bằng; trắc niêm với trắc. Trong một bài thơ, nếu cả câu thơ đặt sai luật, như đáng lẽ bắt đầu bằn bằng, bằng mà đặt lại làm trắc, trắc hoặc ngược lại làm cho các câu thơ không niêm với nhau thì gọi là thất niêm (mất sự kết dính).
Trong văn học trung đại, có rất nhiều bài thơ bất quy phạm về luật, như Nguyễn Trãi phá cách thể thơ đó với việc xen thất ngôn và lục ngôn khi sáng tác:
“Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.”
(Thuật hứng 24 - Nguyễn Trãi)
“Con cờ quẩy rượu đầy bầu
Đòi nước non chơi quản dầu
Đạp áng mây ôm bó củi
Ngồi bên suối gác cần câu
Giang sơn mặt thấy nên quen thuộc
Danh lợi lòng nào ước chác cầu
Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi
Rêu phơi phới thấy tiên đâu.”
(Trần tình, số 5 – Nguyễn Trãi)
Khá nhiều bài thơ thất niêm, trong đó nổi tiếng hơn cả là Độc Tiểu Thanh ký – Nguyễn Du (Hán):
“Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?”
và Đèo Ba Dội – Hồ Xuân Hương:
“Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đià lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.”
Bài "Thu Vịnh" của Nguyễn Khuyến gieo vần "ao" nhưng câu 2 lại gieo vần "iu":
“ Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.”
Hoặc trong bài "Tổng Vịnh Truyện Kiều", Chu Mạnh Trinh gieo vần "ương" nhưng câu 4, câu 8 lại gieo vần "ang" là "chàng" và "vàng":
“ Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương
Sắc tài chi lắm để làm gương
Công cha bao quản liều thân thiếp
Sự nước xui nên phụ với chàng
Cung oán nỉ-non đàn bạc mệnh,
Duyên may dun giủi lưới Tiền-đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.”
Chữ "chàng" tuy gieo không chính vận, nhưng khi đọc lên... nó phát ra một âm thanh nghe não nề, trầm buồn, vang dội trong tâm hồn ta.
Tìm hiểu trong thơ trung đại, thấy một số dạng thức biến thể thể loại như sau”
Thủ vĩ ngâm: là lối thơ có câu đầu (câu thứ nhất) và câu cuối (câu thứ tám) giống nhau:
KHÓC ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê, hồ thỉ, bốn phương trời
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
(Hồ Xuân Hương)
Thuận nghịch độc: là lối thơ đọc xuôi, đọc ngược đều được, cũng có khi đọc xuôi là thơ nôm mà đọc ngược thành chữ Hán. Đây là lối chơi chữ rất công phu của cha ông ta ngày trước.
CẢNH TÂY HỒ
(Bài đọc xuôi)
“Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ!
Trước tự trời kia khéo vẽ đồ
Mây lẫn nước xanh màu tỏ ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu
Cây la, tán rợp, từng cao thấp;
Sóng gợn, cầm tâu, dịp nhỏ to.
Bày khéo thú vui non nước đủ;
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so.”
(Bài đọc ngược)
“So đâu dễ ấy giá Hồ Tây
Đủ nước, non: vui thú khéo bày.
To nhỏ dịp câu cầm gợn sóng
Thấp cao từng rợp tán lá cây.
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt,
Ngọc tỏ màu xanh nước lộn mây.
Đồ vẻ khéo kia trời tự trước;
Hồ Tây cảnh lạ thực vui đây.”
Vĩ tam thanh: là lối thơ ba tiếng cuối cùng của mỗi câu thơ, chữ nào cũng có âm giống nhau.
KHÔNG ĐỀ
“Tai nghe gà gáy tẻ tè te.
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót,
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe.
Chim, tình bầu bạn kia kìa kỉa
Ong, nghĩa vua tôi nhe nhẻ nhè.
Danh lợi mặc người ti tí tỉ.
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe.”
Phú Đắc: giải thích và phát triển ý của một câu ca dao hay một câu thơ bằng một bài thơ, nhưng nội dung phải phù hợp với sự việc đó.
GIÀ CÒN MUỐN LẤY CHỒNG
“Phú Đắc:
Bà già đã bảy mươi tư,
Ngồi trong cửa sổ gửi thư kén chồng
Đã trót sinh ra kiếp má đào,
Bảy mươi tư tuổi có là bao ?
Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng
Ngày vắng ân cần mảnh giấy trao.
Chữ nhất nhi chung đành đã vậy (1)
Câu tam bất hiếu nữa làm sao (2)
May mà lấy được ông chồng trẻ,
Họa có sinh ra được chút nào ?”
(Nguyễn Khuyến)
Vấn nghi: Câu thơ nào cũng theo thể hỏi, nên sau mỗi câu đều đặt được dấu hỏi cả.
VẤN NGUYỆT
“Trải mấy thu nay vẫn hãy còn ?
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn ?
Hỏi con Ngọc thỏ đà bao tuổi ?
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con ?
Đêm thẳm cớ chi soi gác tía ?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son ?
Năm canh lơ lửng chờ ai đó ?
Hay có tình riêng với nước non ?”
b. Nghệ thuật tổ chức câu thơ, bước đầu manh nha hình thức câu thơ điệu nói
Các nhà thơ trung đại thường vắng cách biểu thị trực tiếp của chủ thể trữ tình dưới dạng thức “tôi”, “ta”, “chúng ta”. Câu thơ do đó thiếu vắng chủ từ biểu thị một chủ thể, tạo ra một sự cảm nhận mơ hồ, phiếm chỉ, một chủ thể có tính tổng hợp:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
Khi trữ tình, nhà thơ không chỉ hướng người đọc vào một miền lý tưởng, hoài tưởng trong tâm tư, mà còn hướng người đọc vào vị thế, địa vị, cảnh ngộ của chính mình trong thế giới. Cái họ muốn khêu gợi đồng cảm không chỉ là cảm xúc của họ, tâm trạng họ, mà chủ yếu là cảnh ngộ của họ, vị thế của họ, tình cảm mà họ thể nghiệm:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
(Độc Tiểu Thanh ký – Nguyễn Du)
Từ những đặc điểm “câu thơ thiếu chủ thể” vừa nêu, nên thơ trung đại là lấy cảm xúc từ nghe nhìn nên yếu tố họa rất phát triểnthi trung hữu họa:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
Theo nguyên tắc cảm nhận toàn vẹn của người trung đại, thơ văn trung đại dù ngắn hay dài (có khi lên đến hàng trăm, nghìn câu) vẫn có một đặc điểm chung là không chia đoạn mà nó là một chuỗi liên tục, liền mạch. Sự phá vỡ sự toàn vẹn bằng cách chia khổ, ta có thể gặp trong thơ Tú Xương mà Năm mới chúc nhau và Đêm xuân trời mưa, … là những ví dụ của biểu hiện phi quy phạm.
Tóm lại, nhìn chung thơ trung đại không phát triển năng lực giao tiếp trực tiếp của lời thơ, nó không hướng tới việc trò chuyện với người đọc, mà giao tiếp gián tiếp. Nó không nói với ai, mà nói với trời đất, chính mình bằng năng lực cảm nhận nghe nhìn, suy cảm, và bằng cách đó nó phát huy năng lực cảm giác tưởng tượng, liên tưởng hết sức sắc bén, tinh tế. Nhưng như vậy nó chỉ đóng khung giao tiếp trong phạm vi những người tri thức, có học thức. Từ những đặc điểm chung nhất đó, chúng tôi khảo sát từ nội sinh của các tác phẩm thơ Đường luật, đặc biệt là ở thế kỷ XVIII – XIX, khi nhu cầu dân chủ hoá lên cao, thì những biểu hiện trong câu thơ có khác. Các nhà thơ mượn lời của người khác để tự tình, tự trào, giễu cợt, mỉa mai:
“Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi tao mới bước chân đi”
(Bỡn nhân tình – Nguyễn Công Trứ)
“ Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy học làm thơ”
(Hồ Xuân Hương)
“Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng”
(Hỏi thăm quan tuần mất cướp – Nguyễn Khuyến)
“Anh mừng cho chú đỗ ông Nghè
Chẳng đổ thì trời cũng chẳng nghe”
(Mừng ông nghè mới đỗ - Nguyễn Khuyến)
“Đến mai mua nứa ông mần lại
Đù mẹ đù cha cái dát giường”
(Chửi dát giường – Tú Xương)
c. Văn học nói chung và thơ trữ tình nói riêng bao giờ cũng quan tâm tới vấn đề nhịp điệu. Nhờ nhịp điệu gắn liền với những chỗ ngừng, ngắt được phân bố hợp lý căn cứ vào quy luật tổ chức nội dung ý nghĩa của ngôn từ và khả năng chú ý, theo dõi cũng như nhịp thở tuỳ trạng thái cảm xúc của độc giả mà chuỗi ngôn từ bất định kia được cấu trúc, trở thành tác phẩm nghệ thuật, có khả năng gây xúc động và đưa lại những nhận thức mới về cuộc sống, nhịp điệu trong thơ phải đảm trách nhiệm vụ vừa phân định lớp lang của dòng cảm xúc được diễn tả bằng những âm thanh mang nghĩa, vừa đóng vai người thuyết minh tích cực, tận tuỵ cho chính dòng cảm xúc ấy, khi lượng ngôn từ dùng để dẫn giải, rào đón, mô tả đã được rút lại gần ở mức tối thiểu”. Yếu tố tạo nên nhịp điệu quan trọng nhất ở đây là những chỗ ngừng, chỗ ngắt trong sự phân bố mau, thưa đa dạng của chúng; là độ dài, ngắn khác nhau của các quãng nghỉ hơi sau mỗi khổ thơ, đoạn thơ. Thơ Đường luật, các câu thất ngôn phần lớn ngắt nhịp 4/3:
“Bước tới đèo Ngang / bóng xế tà
Cỏ cây chen đá /, lá chen hoa”
(Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan)
“Son phấn hữu phần / liên tử hậu
Văn chương vô mệnh / luỵ phần dư”
(Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du)
Nhưng cũng có những hiện tượng phá vỡ quy tắc ngắt nhịp ấy, như những cách ngắt nhịp sau đây:
Nhịp 3/4:
“Phúc của chung,/ thì họa của chung
Nhằm thì họa khỏi/ , phúc về cùng”
(Bảo kính cảnh giới 5 – Nguyễn Trãi)
“Người nhớ vua/ nhìn sa đũa ngọc
Kẻ trông chồng/ ngẫm ruổi mây xanh”
(Họa bài vịnh trang, bài 7, Hồng Đức quốc âm thi tập)
Nhịp 2/ 2/3:
“Chẳng phải quan/ mà chẳng phải dân
Ngơ ngơ/ ngẩn ngẩn /hóa ra đần”
(Cười mình – Tú Xương)
Nhịp 1/3/3:
Trơ/ cái hồng nhan/ với nước non
(Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương)
d. Giọng điệu:
Giọng điệu của thơ Đường luật là nghiêm trang, hào sảng, tự bạch tâm tình:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
(Nam Quốc sơn hà)
“Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”
(Cảm hoài – Đặng Dung)
“Tung hoành bất đọa hữu vô ky (cơ),
Vạn pháp phân phân tổng bất tri.
Khiết phạn đả miên tùy xứ dụng,
Cánh vô tha sự khả ưng vi.”
(Tự thuật – Trần Thánh Tông)
Nhưng một số nhà thơ đã dùng thơ Đường với hai gam giọng khác: giọng hóm hĩnh và giọng chế giễu.
Giữa đường gặp một sư ni, hay một cô tiểu ngủ ngày, Nguyễn Khuyến thể hiện một giọng điệu rất hóm hĩnh,trong sáng:
“ Bao nả giang sơn một cắp tròn
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn
Biết chăng chỉ có ông hà bá
Mỉm mép cười thầm với nước non”
(Gái rửa ... bờ sông)
Tú Xương thì mượn lời vợ mà trách mình:
“Quanh năm mua bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng …”
(Thương vợ)
Hồ Xuân Hương cũng nhẹ nhàng:
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kia đền thái thú đứng cheo leo”
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
Giọng châm biếm thể hiện qua lời văn, hơi văn mạnh mẽ, sắc sảo, cay độc, thâm thúy nhằm vạch trần thực chất cái lỗi thời, lố bịch, xấu xa của đối tượng đáng cười. Trước những đối tượng hài hước, thậm chí trơ trẽn trong xã hội, giọng châm biếm, mỉa mai xuất hiện:
“Ông về đốc học bấy lâu nay
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay !...”
(Gửi ông đốc học Ngũ Sơn)
Với Tú Xương thì:
“Một đoàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”
(Giễu người thi đỗ – Tú Xương)
Hai gam giọng trên là sự phá cách so sự những gì mà quy phạm đặt ra cho thể loại thơ vốn rất nghiêm ngặt này.
Có một sự sáng tạo lớn trong thể thơ nói chung được xem là vượt bậc, mở đường thoát dần ra khỏi không gian nhiều giới hạn của Đường luật. Đó là sự xuất hiện và định hình hoàn chỉnh của các thể thơ khác nhau trong nền thơ dân tộc. Lục bát trong thơ ca dân gian bước vào văn bác học một cách độc đáo. Song thất lục bát kết hợp câu thơ bảy chữ, nhịp thơ khác với câu lục bát gốc dân gian cũng xuất hiện trong thơ văn bác học. Nói lối được rút ra từ tuồng hình thành từ ca dao, dân ca, câu thơ bảy chữ, tám chữ của thể ca trù mà hát nói chỉ là một hình thức. Tất cả các thể thơ này khi đã định hình và đạt phẩm chất thẩm mĩ cao nhất đều tự thân mang theo phép tắc nhất định từ hình thức đến nội dung.
2.3.2. Thể phú hay nói rộng ra tới biền văn tứ lục, tuy để lại không ít thành tựu đáng quý nhưng lại là loại “văn bát cổ”, một loại văn rất khó cho kẻ học đi thi. Tuy nhiên tính bất quy phạm cũng bùng nổ. Tính chất chung của phú là ca ngợi:
“Rồng thiêng dậy ,bay rợp Lam Kinh
Giáo trời chỉ,dẹp tan bắc binh
Dựng nước thành công nhiều khó nhọc
Miền Tây sông núi hẳn anh linh
Ôi ! Vua ta tài thánh vũ
Đứng lên bốn phương kinh dinh
Vận nước gian truân,khổ tâm lo tính
Thấy lẽ tất yếu của trời càng quyết chí để nghiệp thành
Nhờ thế ngày nay Hồ Việt đưọc một nhà,mà núi này cũng lưu danh muôn thuở.”
(Phú núi Chí Linh - Nguyễn Trãi)
“Khách hữu:
Ẩn kỷ cao trai, hạ nhật chính ngọ.
Lâm bích thuỷ chi thanh trì, vịnh phù dung chi Nhạc phủ.
Hốt hữu nhân yên:
Dã kỳ phục, hoàng kỳ quan.
Huýnh xuất trần chi tiên cốt, lẫm tích cốc chi cù nhan.
Vấn chi hà lai, viết tòng Hoa San.
Nãi thụ chi kỷ, nãi sử chi toạ.
Phá Đông Lăng chi qua, trãi Dao Trì chi quả,
Tái ngôn chi lang, tái tiếu chi tha.”
"Ngọc tỉnh liên" là "Hoa sen trong giếng ngọc". Đây là bài phú của Mạc Đĩnh Chi. Ông đỗ Trạng nguyên, khi vào bái yết nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dung ông xấu xí quá, không muốn cho đỗ. Ông liền làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" để tự ví mình. Vì hoa sen vốn có tiết tháo thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; vả lại sen này lại trồng trong giếng ngọc nữa thì sen càng cao quý biết bao. Ông như sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao, huống chi ở phải vào một thời tốt đẹp, vua minh chánh thì người ông càng cao quý biết mấy. Sen quý nhưng phải có người sành mới biết thưởng thức.
Từ một thể loại cung đình trở thành một thể loại dân dã của các nhà nho, ông đồ ẩn dật, sinh hoạt điền viên hoặc niềm ham thích cảnh trí quê hương, hoặc thể hiện tâm tư tình cảm của lớp bình dân. Đặc biệt phú Nôm trở thành nơi thi thố tài năng tiếng Việt với những từ hàng ngày, từ láy, từ điệp, chơi chữ, chứng tỏ sự giàu có, thân thiết của tiếng Việt.
Tịch cư ninh thể phú ( Nguyễn Hãng) viết về ẩn dật, có những đoạn miêu tả về nhà cửa, ăn mặc, ăn uống, vườn tược,... rất thú vị. Đây là đoạn tả cảnh ăn mặc:
“Ta thường :
Vấn khăn gốc đen sì;
Vận quần nâu đỏ quạch.
Mũ để ngăn sương chống tuyết, mũ mỏng bao sang sửa cánh dơi;
Áo vừa ấm cật che hình, áo chẳng lọ phủ phê chân bịch
Hạ làm màn, đông làm nệm mấy lần sô coi đã hẩm sì;
Tay là túi, vạt là khăn ba bức thổn mặc dầu cũ rích .
Nằm võng tre ngấn cật vằn vè;
Đi guốc gỗ nhịp chân lạch đạch.
ăn thì :
Tương hạnh chua lòm;
Muối vầu nhạt thếch .
Sớm ba chén chè sen mát ruột, nài chi vò đất hẩm hiu ;
Bữa vài lưng cơm lốc no lòng , sá quản mâm đan xộc xệch.
Vị tươi thường ngọn quất lá vi;
Miếng ngon đủ nhân tùng, hạt bách .
Tiệc vầy tiên tử , một niêu canh cẩu kỷ chát sì;
Yến thiết cố nhân, lưng bầu rượu xương bồ cay Rách .
Thuốc phì phèo quản sậy điếu tre ;
Trầu phúm phím vỏ da rễ quạch.
Ép dưa măng ,mài bột củ,những giao cho mụ lão lom khom;
Quét sân lá ,hái nương dâu,dầu phó mặc thằng đồng lách chách .”
Càng về sau, thể Phú từ thể loại ngợi ca, tán tụng chuyển thành thể loại phê phán, tự trào, phơi trần mọi xấu xa mang sắc thái hài hước, hóm hỉnh.
Chẳng hạn bài Ngã ba Hạc phú (Nguyễn Bá Lân), Hàn Nho phong vị phú (Nguyễn Công Trứ); Tài tử đa cùng phú (Cao Bá Quát), Phú hỏng thi, Phú thầy đồ đi trọ (Trần Tế Xương),....
“Có một thầy:
Dốt chẳng dốt nào;
Chữ hay, chữ lỏng.
Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu
Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng.
Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh;
Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng.
Giá cứ chăm nghề đèn sách thì mười lăm mười sáu đỗ tự bao giờ;
Chỉ vì quen lối thị thành, nên một tuổi một già, hóa ra lóng đóng.
Tú rốt bảng giữa năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa;
Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên, ăn phần cảnh nọng”
(Phú hỏng thi)
“Vui thay! Ngã ba Hạc ; vui thay! Ngã ba Hạc.
Dưới họp một dòng ; trên chia ba ngác.
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào; lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc.
Nhớ xưa: Vũ trụ mơ màng , càn khôn xếch xác.
Vua Bàn cổ khai lò tạo hóa, hồng mông đà phơi phới hơi xuân ; họ Hữu Ngu khơi mạch sơn hà, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.
Vậy có: Nắm đất Đoài phương; cạnh giời Nam quốc.
Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt kim qui hẻm đá rộng hông hênh ; hai bên cỏ mọc lâm dâm, hang anh vũ giữa dòng sâu huếch hoác.
Mọi thú mọi vui ; một chiều một khác.”
(Ngã ba Hạc phú - Nguyễn Bá Lân)
2.3.3. Văn tế thời cổ xưa dùng để tế trời đất, non sông còn gọi là kỳ văn hay chúc văn. Về sau, văn tế là một thể loại thường dùng trong ma chay, phúng điếu ca ngợi công đức của nguời đã chết và bày tỏ lòng tiếc thương của người còn sống.
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là nỗi niềm tiếc thương của Nguyễn Đình Chiểu với những người có công với đất nước đồng thời là bài ca ca ngợi sự hi sinh anh dũng của những con người.
“Khá thương thay
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.”
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
“…Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương …”
(Văn chiêu hồn – Nguyễn Du)
Nhưng với Phạm Thái lại khác. Ông sử dụng thể loại văn tế vào một mục đích hoàn toàn khác so với Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du. Đơn giản chỉ là nỗi niềm tiếc thương cho người yêu của mình phải chịu một cái chết oan uổng mà thôi.
“Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá:
thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!
Ví dụ mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, này phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bóng vội vàng chi?
Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sả, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ nhưng tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường: dầu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự. Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá buông xuôi tính mạng.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm: chua xót cũng vì đâu?
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!”
Không có cách cắt nghĩa nào khác là coi đó như một biểu hiện của quy luật tiếp biến văn hoá nói chung của dân tộc ta: mượn của người nhưng trên cơ sở vốn ngôn ngữ, vốn âm điệu và nhu cầu diễn đạt tâm hồn mình mà biến đổi có lợi cho mình. Chính theo tinh thần đó, thế kỉ 18 – 19 có nhiều nhà thơ nổi tiếng Việt Nam như nữ sĩ họ Hồ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương đã cởi bỏ hết vẻ trang trọng của thể thơ cách luật để nó trở thành âm điệu Việt Nam.
2.3.4. Văn xuôi thời thượng kì với tình trạng bất phân tính quy phạm khá chặt chẽ: văn chính trị, văn bia, văn kí sự hướng tới những việc lớn lao của nước nhà, những anh hùng có công lớn. Nhưng đến thời hạ kì, văn xuôi có nhiều chất văn học hơn, bao quát nhiều mặt của xã hội đương thời.
Đối với truyện kí, các tác giả dựa trên cái “gốc”, cái “sườn” nhất định mà dàn dựng các cốt truyện, xây dựng các tính cách . Có khi từ một tư tưởng chính mà triển khai sự kiện, có khi sáng tạo một số tình tiết, khắc hoạ các tính cách ở đôi ba nét hay hư cấu, phóng tác trong trần thuật…Ví dụ so sánh giữa hai tác phẩm sau sẽ cho ta thấy rất rõ điều đó. Truyện “Lí ông Trọng” trong Việt điện u linh có chép: “Vương họ Lí tên ông Trọng, người Từ Liêm, thân cao hai trượng ba thước, khí chất thẳng thắn, dũng mãnh khác với người thường”. Lĩnh Nam chích quái kể lại khác: “Cuối đời Hùng Vương có người ở xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ lí tên Thân. Khi đẻ ra rất to lớn, rồi cao đến hai trượng ba thước, tính tình kiêu hãnh, giết người, tội đáng chết. Hùng Vương tiếc mà không nỡ giết”. Cách kể sau có thêm chi tiết, nhân vật sinh động hơn, kết cấu cũng khác.
“Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ được khen là “Thiên cổ kì bút”. Những nhân vật trong truyện đều là những con người rất đỗi bình thường. Về mặt truyện, nó đạt nghệ thuật truyện ngắn hiện đại không chỉ một đôi bài. Tuy nhiên, nó cũng còn có nhiều yếu tố trung đại đã thành quy phạm cứng rắn như tính chất hoang đường, ngôn ngữ chưa thành ngôn ngữ nhân vật, dựa vào tác phẩm nước ngoài, dùng lại truyện cổ tích dân gian nhưng có sự sáng tạo lại. Nghệ thuật kết cấu từ hình tượng đến trần thuật so với các tác phẩm tự sự khác đã vượt lên hẳn.
2.4. Quy phạm - bất quy phạm về ngôn ngữ
2.4.1. Trong thời trung đại, do bị Bắc thuộc, tiếng Việt chịu ảnh hưởng sâu rộng từ tiếng Hán, chữ Hán, văn hóa Hán. Trong thời kì quốc gia độc lập (trừ một thời gian rất ngắn dưới triều Quang Trung, chữ Nôm bắt đầu thay thế chữ Hán ở cấp bậc nhà nước), chữ Hán vẫn là thứ văn tự chính thức của Nhà nước, chữ Hán làm công cụ chính trị, tư tưởng bên cạnh tiếng Việt. Chữ Hán độc quyền trong mọi hoạt động cần văn bản hành chính từ triều đình tới xã dân và trong phạm vi văn chương, cái gì mang tính chất nghiêm trang, thiêng liêng, cao quý, trọng thị, từ một bài phú, bài thi ca ngợi cảnh đẹp non nước, bài bia, bài văn tế,… tất cả đều được viết bằng chữ Hán. Những gì nghiêm chỉnh, trọng đại phải viết bằng chữ thánh hiền. Sự ưu tiên ấy là một quy phạm gay gắt.
Tư tưởng “khinh Nôm, trọng Hán” được Nhữ Đình Toản diễn Nôm để thông báo cho toàn dân, nho sĩ, … theo “lệnh” của chúa Trịnh Doanh như sau:
“Ngũ kinh chư sử xưa nay
Với chư tử tập cùng rày văn chương
Dại bèn có ích đạo thường
Mới nên san bản bốn phương thông hành
Kì như Thích, Đạo, phi kinh
Lời tà, mối lạ, tập tành truyện ngoa
Cùng là truyện cũ nôm na
Hết thơ tập ấy, lại ca khúc này
Tiếng dâm dễ khiến người say
Chớ cho in bản hại ngay thói thuần, …”
Vào thế kỉ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xem làm thơ Nôm là một cái thú tao nhã của người đã thoát khỏi việc quan:
“Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân.”
Mặc dù các bậc đế vương các đời Trần, Hồ, vua Lê Thánh Tông, các chúa Trịnh, vua Nguyễn đều yêu thơ Nôm, làm thơ Nôm, song tính chất bất bình đẳng ấy vẫn tạo thành một quan niệm đặc thù về trật tự trên dưới của ngôn ngữ, trật tự cao thấp của văn học và cuối cùng là dẫn đến sự phân hóa: tiếng Hán biểu đạt cái cao cả, tao nhã còn tiếng Nôm biểu đạt những gì thông thường, gần gũi hàng ngày. Dù là thơ, phú hễ viết bằng chữ Nôm là coi như không nằm trong quy phạm, tất cả đều ở ngoài lề mọi sách vở của nhà trường, của khoa cử, xem như thú văn thơ chơi bời chứ không phải để học tập.
Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có thể xen là một kiệt tác nhưng kết thúc cuốn truyện, đại thi hào lại viết:
“Lời thơ góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Vì sao tác giả lại viết những câu khiêm tốn như vậy? Phải chăng tác phẩm được sáng tác bằng chữ Nôm. Nhưng cùng với sự trỗi dậy mãnh liệt và sức lan tràn, chinh phục của tư tưởng nhân đạo nhân văn dân tộc, chẳng ai còn dám cho tiếng Việt, chữ Nôm là “mách qué” và văn chương chữ Nôm từ giữa thế kỉ thế kỉ 18 đã sánh ngang và vượt lên trên văn chương chữ Hán với tính dân tộc và nhân dân của nó. Sự trỗi dậy của văn Nôm gắn liền với ý thức phản phong của công chúng, đồng thời cũng gắn liền với ý thức yêu chuộng quốc âm, ý thức dân chủ, nhu cầu dùng tiếng Việt để biểu hiện tình cảm thực của mình. Tiêu biểu phải kể đến những tên tuổi như “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
2.4.2. Với quan niệm văn chương của ngày xưa, văn thơ vốn cao quý thì tính cao quý cũng là quy phạm cho ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải thanh tao, phong nhã, giàu hình tượng. Ngôn ngữ phải hàm súc và phải tạo được dư ba. Hàm súc là một phẩm chất đi đầu, hàm súc là phải tạo được dư ba. Cảm nhận thế giới của con người trung đại đã chỉ ra cách nhìn cảnh vật, sự việc, con người, cuộc đời xuyên qua bên ngoài mà đạt tới cái cái bên trong, cái linh hồn, cái không thấy được, nên đưa tới vô vàn ẩn dụ rồi tượng trưng. Nhờ những ẩn dụ, tượng trưng ấy mà văn chương thêm khả năng hàm súc và dư ba. Hàm súc có ý là ngắn gọn, dư ba có ý là lời hết mà ý còn ngân vang. Đó là cách tư duy của phương Đông và của Việt Nam. Nó nhằm khêu gợi trực cảm chứ không lí giải, miêu tả dài dòng, tỉ mỉ. Nó dành cho gnười đọc nghĩ tiếp, cảm tiếp, thêm hứng thú. Cảm nhận của người trung đại trước xã hội là xã hội bất biến, ổn định, con người dính liền với cộng đồng chưa tách riêng ra thành con người – cá nhân nên không nhằm khẳng định mình mà nặng tư tưởng sùng cổ. Cảm xúc, nghĩ suy, diễn đạt cũng dựa vào người xưa, có sáng tạo cũng trong khuôn khổ đó, độc sáng mới vượt ra ngoài. Và cũng chính những quan niệm “Từ đạt nhi dĩ hỉ” (Ngôn từ đạt là đủ); “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (Kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết), “Tín ngôn bất mĩ, mĩ ngôn bất tín, thiện ngôn bất biện, biện ngôn bất thiện” (Lời thực không đẹp, lời đẹp không thực, lời tốt không rành mạch, lời rành mạch không tốt),…. đã hình thành tính quy phạm trong về ngôn ngữ. Cho nên văn chương trung đại sử dụng hình tượng ngôn ngữ xưa, những điển tích, những điển cố trong văn thơ người trước. mượn luôn tác phẩm cổ để sáng tạo lại cũng bình thường. Người sáng tác đều là những kẻ học rộng, nhớ nhiều nên văn thơ chẳng ngại dùng lời khó hiểu cho người đời nay.
Từ đó, trong những tác phẩm của VHTĐ dùng những thủ pháp: ước lệ, tượng trưng, sử dụng điển tích, điển cố, các yếu tố ngôn từ mẫu mực trong tác phẩm triết học kinh điển hay các tác phẩm văn học mẫu mực của Trung Quốc. Chẳng hạn, nói đến cây và hoa thì tùng, cúc, trúc mai, sen… bởi chúng là những biểu tượng để chỉ những phẩm chất, cốt cách, khí tiết của người quân tử, của bậc trượng phu; nói đến con vật thì phải là long, ly, quy, phụng; nói đến người thì ngư, tiều, canh, mục; nói đến hoa bốn mùa phải là xuân lan, thu cúc, hạ sen, đông mai; tả cảnh mùa thu thì mây đùn cửa ải, lá ngô đồng vàng rơi, rừng phong lá rụng, sen tàn giếng ngọc; nói đến thời gian phải là đêm năm canh, ngày sáu khắc; tả mỹ nhân thì làn thu thuỷ, nét xuân sơn, sóng thu ba, tóc như mây, da như tuyết … và người đẹp phải đẹp đến nỗi nghiêng nước nghiêng thànhhay chim sa cá lặn, thậm chí có khi Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình và có lúc cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa! như trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều v.v..
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta chỉ xem cách tiếp và biến của nhà thơ thiên tài. Nhìn chung, khi tiếp nhận từ tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du giữ nguyên cốt truyện và những tình tiết lớn, chỉ bớt thêm một số chi tiết. Vì văn vần không có không gian như của văn xuôi mà chủ yếu do thẩm mĩ, do phép lôgíc đối với toàn truyện, đối với tính cách nhân vật. Việc chuộc tội cho Vương ông được tha, “Kim Vân Kiền truyện” kéo dài từ hồi thứ 4 đến hồi thứ 6. Nguyễn Du lược tất cả. Việc Thúc Sinh mang Kiều ra khỏi lầu xanh, việc các sứ giả của Hồ Tôn Hiến đi lại dụ hàng cũng lắm việc phức tạo, Nguyễn Du thấy không có ích gì nên rút lại còn mấy câu. Còn nói đến chuyện thô bỉ của Tú Bà dạy Thuý Kiều hành nghề, nhà thơ chỉ để lại cái cảm tưởng ghê rợn, mỉa mai không thể nào chua chắt hơn, còn bỏ hết. Nguyễn Du chú ý xây dựng tính cách nhân vật của mình trong việc thêm bớt ấy. Ở hồi 1, sau khi gặp Kim Trọng ở hội Đạp Thanh về, hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân trong “Kim Vân Kiều truyện” trêu đùa gán ghép cho nhau, nghe chưa hợp tình, hợp lí, càng không phù hợp với tính cách đoan trang, e ấp của hai cô gái nết na, nhất là với Thuý Kiều, mặc dù trong thâm tâm nàng đã bị choáng váng bởi tiếng sét ái tình. Cách nàng đối đáp cùng với Kim Trọng lúc mới gặp gỡ nghe như một giọng “sách vở” không được tự nhiên, không ăn khớp với tính cách thuỳ mị, dịu dàng của nàng. Cũng như chỗ Thuý Kiều đối xử với Sở Khanh lúc đầu tỏ ra quá nhẹ dạ, coi rẻ mình quá đều không thích hợp với phẩm chất của nàng. Những chi tiết ấy Nguyễn Du tước hết, thay bằng những hành động, cử chỉ, lời nói thoả đáng với tính cánh một Thuý Kiều đa tình nhưng đoan trang, e ấp, một Thuý Kiều đến nước khổ quá muốn tin người cứu khổ nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ, không tới nỗi mất cả sự thông minh.
Thường thì Nguyễn Du đi sâu vào tâm lí nhân vật hơn, thêm vào những đoạn tả cảnh, tả tình làm cho nhân vật được thực hơn, rõ ràng như đang sống, đang hoạt động trước mắt người đọc. Nhất là cảnh vật thiên nhiên, nói như Hoài Thanh, hầu như thành một nhân vật có rung cảm hẳn hoi, cùng sống chung với con người, chia sẻ mọi nỗi vui buồn của con người. Thanh Tâm Tài Nhân thường ít quan tâm tả cảnh, tả tình. Trái lại thì Nguyễn Du rất coi trọng. Chẳng hạn trong hồi 1, khi Kim Trọng không còn biết nói gì nữa đành từ biệt ba chị em Thuý Kiều ra về thì Thanh Tâm Tài Nhân chuyển ngay qua câu chuyện tối hôm ấy ở nhà họ Vương, hai chị em Kiều và Vân đem hình ảnh của Kim Trọng ra trêu đùa nhau, thế là hết. Còn Nguyễn Du muốn xây dựng cho mối tình của Kim - Kiều thật đẹp nên đã xen vào cảnh từ biệt một không khí bâng khuâng, vương vấn như muốn kéo dài mãi không dứt. Nguyễn Du bỏ qua câu chuyện gán ghép thay bằng cảnh Thuý Kiều một mình ngắm trăng trong vườn mà tâm hồn cũng rạo rực, sôi nổi trong yên lặng như cảnh vườn xuân, từ ánh trăng, ngấn nước tới cây cối cũng ướt, nặng trĩu xuân. Rồi thái độ hiểu biết của Thuý Kiều mấy lần gặp gỡ Kim Trọng, tâm tư của nàng khi bước chân ra đi theo tên họ Mã, nỗi niềm của nàng khi ở lầu Ngưng Bích, lúc “say, cười” ở chốn lầu xanh…Những chỗ mà “Kim Vân Kiều truyện” lướt qua thì lại được Nguyễn Du dừng lại, khắc hoạ cho được tâm trạng của Thuý Kiều trong từng hoàn cảnh một. Đối với nhân vật Thuý Kiều là như thế, đối vớic các nhân vật khác cũng vậy. Nguyễn Du đã nhờ vào cơ sở kha thuận lợi của Thanh Tâm Tài Nhân, vận dụng vốn sống của mình, thiên tài nghệ thuật của mình, đem vào tác phẩm chất sống phi thường linh động, muôn đời không phai.
Cách tiếp nhận và chuyển hoá của người thành của mình vốn là một hiện tượng của giao lưu văn hoá văn học thời trung đại. Trường hợp “Truyện Kiều” của thiên tài Nguyễn Du cũng vậy! Sức sáng tạo kiệt xuất đã biến một công trình đáng quý nhưng còn thô ráp thành một lâu đài tráng lệ, trong đó con người chủ yếu vượt qua bao quy phạm để có một đời sống rất người ở xã hội xấu xa khiến người đọc đời đời còn thương cảm, nhưng vẫn chưa thoát trọn kiếp làm người con gái trong những quy phạm khắt khe của lễ giáo phong kiến.
Từ ngữ được sử dụng trong thời VHTĐ phải thể hiện tính cao nhã, sang trọng nhưng ta phải do cá tính và do nhu cầu thể hiện tình cảm, lớp từ bình dân, khẩu ngữ được sử dụng linh hoạt, ta có thể gặp nó ngay trong thơ Nguyễn Trãi:
“Dầu bụt, dầu tiên ai kẻ hỏi,
Ông này đã có thú ông này”
(Mạn thuật, bài 6)
Ở Hồng Đức quốc âm thi tập cũng có hiện tương câu thơ mang tính chất lời nói:
“Trước có đầu, sau có đuôi
Lớn hơn mọi vật gọi là voi”
(Voi)
Những từ quen thuộc trong khẩu ngữ dân gian đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm bỗng trở nên thú vị lạ thường:
“Nhá rau lại tiếc mùi canh ngọt
Nếm ếch lại thèm có giống măng”
(Bài 90, Bạch Vân quốc ngữ thi)
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sử dụng linh hoạt những cau thơ mang dáng dấp tục ngữ, thành ngữ trở thành những cụm từ có tính chất châm ngôn, hòa hợp tự nhiên với ngôn ngữ hàng ngày.
“Mùi nọ có mùi không có ngọt
Thức kia chầy thắm lại chầy phai”
(Thơ Nôm 42)
“Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
Rút dây lại để động rừng chăng?”
(Thơ Nôm 96)
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương rất giỏi sử dụng các đại từ nhân xưng, các từ cảm thán, … được sử dụng gần như hết công suất:
“ Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”
(Trách Chiêu Hổ, 1)
“Thần này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong”
(Lấy chồng chung)
Đến Tú Xương, khẩu ngữ đi vào thơ ông thật tự nhiên và dễ dàng như không có một trở lực ngăn được:
“Thì thế mà cũng thi
Ới khỉ ơi là khỉ!"
Cũng có những câu thơ như được ghép bằng những nguyên âm:
Á, ớ, u, ơ, ngọn bút chì
(Đi thi)
Nguyễn Khuyến cũng là bậc thầy sử dụng khẩu ngữ, xin dẫn bài Lên lão, mà chúng tôi cho là điển hình cho cách thể hiện từ ngữ dân gian như vậy:
“Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm ông cũng lão đây mà
Anh em làng xóm xin mời cả
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là
Chú Đáo bên làng lên với tớ
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ
Có rượu thời ông chống gậy ra”
Và ở thơ Đường luật cũng không thiếu những tiếng chửi:
- “Cha kiếp xin ra phận má hồng”
(Lấy lẽ - Tú Xương)
- “Đù cha đù mẹ đứa riêng ai”
(Ông Hàn – Tú Xương)
“Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi
Đếch thấy hơi thơm một tiếng khà”
(Tạ lại người cho hoa trà – Nguyễn Khuyến)
“Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
(…) Trái gió cho nên mới lộn lèo”
(Hồ Xuân Hương)
***
Gần mười thế kỉ đất nước ta sống trong xã hội phong kiến cũng là gần mười thế kỉ mà văn học trung đại trải qua. Có thể nói, thời kì này, những nét quy phạm và bất quy phạm trong văn học thể hiện rất rõ. Chỉ trong phạm vi một bài tiểu luận thì chúng ta không thể nào đề cập hết được. Chính vì vậy tôi chỉ xin tuyển chọn những nét chính để trình bày. Tuy nhiên, có thể nói rằng, tính quy phạm trong văn học trung đại được thể hiện rất rõ vào giai đoạn thượng kì, nhưng tới giai đoạn hạ kì thì nét bất quy phạm ngày càng được sử dụng. Để nắm rõ hơn về phần lí truyết trình bày ở trên, tôi xin chỉ ra những nét quy phạm và bất quy phạm trong một tác phẩm văn học trung đại cụ thể ở nhà trường phổ thông mà hầu như ai cũng từng xem qua.
3. Tìm hiểu tính quy phạm và bất quy phạm trong bài thơ Thu điếu (Nguyễn Khuyến)
Thu điếu là một thành công điển hình của Nguyễn Khuyến trong mảng thơ viết bằng chữ Nôm. Với chùm thơ thu và bài Thu điếu, Nguyễn Khuyến đã được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Tất nhiên, chùm thơ thu không chỉ có làng cảnh Việt Nam mà ở đó là sự chất chứa những tâm sự, những trăn trở khôn nguôi trước thời cuộc.
“Ao thu lạnh lẽo , nước trong veo ,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng , trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo,
Tựa gối , buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Bài thơ thể hiện rõ tính quy phạm và bất quy phạm ở tất cả các phương diện.
Về đề tài, Nguyễn Khuyến đã sử dụng thi đề rất quen thuộc của thơ cổ: đề tài mùa thu, mùa dễ gây cảm xức cho các thi nhân. Âm hưởng của thơ víết về mùa thu thường buồn. Thu điếu không phải là ngoại lệ. Thu điếu mang một nỗi buồn man mác, tâm trạng ưu thời mẫn thế, muốn trốn tránh, vui với thu vui tao nhã nhưng lòng lúc nào cũng canh cánh lo cho nước, cho dân.
Nếu như thơ ca cổ kim nói đến mùa thu thì thường đó là hình ảnh của một bức tranh thu có tính chất khái quát, phổ quát với âm hưởng buồn sầu rất chung chung thì ở đây, nhà thơ đã đưa chúng ta về với không - thời gian của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, rất cụ thể và sinh động, không lẫn với bất kì bức tranh thu nào. Từ điểm nhìn không gian làng Vị Hạ, Nguyễn Khuyến đã mô tả mùa thu của vùng đồng chiêm trũng hết sức gần gũi và thân quen. Thu điếu là mùa thu ở điểm nhìn cụ thể hơn, sinh động hơn: nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé, tầng mây xanh ngắt, ngõ trúc quanh co, vắng teo,…thể hiện chính xác, sâu sắc cảnh vật mà nhà thơ quan sát được. Thu điếu bôc lộ tài năng quan sát, cảm nhận, thể hiện nghệ thuật miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, chúng có khả năng giúp người đọc cảm nhận được phong vị riêng của mùa thu vùng đồng chiêm trũng Bắc bộ Việt Nam: bầu trờ ithu : “Tầng mấy lơ lửng trời xanh ngắt.”, nước mùa thu: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” và “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Ở miền Bắc nước ta, vào mùa thu khi tiết trời bắt đầu se lạnh thì bầu trời thường rất ít mây, nó có màu xanh ngắt và sâu thẳm và khi trời đã sang thu thì nước ở các ao hồ trong một cách kì lạ. Và mùa thu cũng thường có gió, không phải thứ gió nồm mùa hè hay gió bấc mùa đông mà là gió heo may thổi rất khẽ chỉ đủ làm cho cần trúc lơ phơ, sóng hơi gợn tí. Tất cả đều góp phần làm nên linh hồn của mùa thu dân tộc.
Không chỉ vậy, bài thơ còn gợi ra nét đặc sắc của cảnh ao thu, khác hẳn với cảnh ao vào mùa xuân hay mùa hạ. Từ nước ao trong veo, phẳng lặng tưởng nhìn đươc tận đáy; từ chiếc thuyền câu bé tẻo teo đến lá vàng rơi đánh vèo xuống mặt ao trong cơn gió nhẹ và bao trùm lên tất cả là một vòm trời xanh ngắt phản chiếu xuống mặt nước như làm cho nước ao xanh hơn bất mùa nào trong năm.
Về thể loại, bài thơ tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật của thể thất ngôn bát cú Đường luật. Thu điếu được viết theo luật bằng, vần bằng, niêm luật chặt chẽ. Điều này tạo cho bài thơ một kết cấu chặt chẽ, mực thước, cổ điển. Tuy vậy, Nguyễn Khuyến là một trong hai đại diện lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam. Thơ Nôm của ông đã thừa hưởng thành tựu nghệ thuật của văn học chữ Nôm giai đoạn trước với các tên tuổi lẫy lừng như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan,…Nguyễn Khuyến đã phát huy cá tính sáng tạo trong cách gieo vần “eo”.
“Ao thu lạnh lẽo , nước trong veo ,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng , trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo,
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Bài thơ có 2 chữ "teo" trùng nhau đó điều cấm kỵ trong 1 bài thơ luật, nhưng ở đây cụ Tam Nguyên Yên Ðỗ vẫn mạnh dạn sử dụng để diển tả được một không không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của thi nhân. Ðiều này cho thấy ông là một nhà Nho phóng khoáng có bản lĩnh trong sáng tạo.
Bức tranh thu ở đây rất tĩnh lặng, có âm thanh, sư chuyển động cũng chỉ làm nổi bật cái tĩnh. Đó là một trong những đặc trưng của thơ ca cổ điển. Tác giả đã sử dụng rất thành công bút pháp cổ điển phương Đông: lấy động tả tĩnh và dùng một vài nét chấm phá nhưng gợi được linh hồn của tạo vật. Tác giả đã miêu tả sự chuyển động: Sóng biếc hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo và có cả âm thanh cá đớp động dưới chân bèo. Nhưng tất cả đều chỉ làm nổi bật sự êm ả và tĩnh lặng của cảnh vật. Nhà thơ cũng chỉ dùng một vài chi tiết nhưng đã làm nổi bật được cái hồn, cái thần của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ.
Nhịp điệu, giọng thơ của bài thơ tuân thủ luật thơ nghiêm ngặt (nhịp 4/3) nhưng vẫn hết sức tự nhiên sinh động. Dòng nối dòng, bài thơ cứ thế tự nhiên, uyển chuyển gần với ngôn ngữ hằng ngày nhưng vẫn giàu chất thơ. Tứ thơ vận động hợp lí đi từ ngoại cảnh đến nội tâm. Nội tâm biểu hiện được nhiều sắc thái, không trùng lắp. Nội tâm ấy như trên đã phân tích rất có tính chất điển hình cho tâm trạng của lớp nhà nho nặng tình với quê hương, đất nước, nặng tình với vẻ đẹp thanh khiết, đạm nhã của làng quê truyền thống trong hoàn cảnh nhiều đổi thay biến động do cuộc xâm lăng của thực dân Pháp tạo ra mà nhân dân ta chưa có cách nào chống trả hiệu quả.
Về ngôn ngữ, Nguyễn Khuyến sử dụng nhiều thi liệu cổ về mùa thu cũng đã xuất hiện trong ba bài thơ này: thu thiên, thu thủy, thu hoa, thu diệp, thu sương, thu nguyệt, thu phong, thu điểu, thảo đường, ngư ông, túy ông. Đây là những hình ảnh quá quen thuộc và là công thức cho người sáng tác khi viết về đề tài mùa thu.
Toàn bài thơ đều sử dụng các từ thuần Việt, mặc dù Cụ là một người tinh thông chữ Hán. Do đó bài thơ tinh xác, cụ thể, cảm tính trong từng từ ngữ miêu tả, kết quả của một năng lực quan sát tinh tường, một tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên. Nguyễn Khuyến đã sáng tạo ra những hình ảnh rất độc đáo có sức gợi hình và gợi cảm sâu sắc. Nhà thơ Xuân Diệu từng thán phục Nguyễn Khuyến khi ông dùng các từ chỉ mức độ hoạt động của lá, của sóng trong hai câu:
“ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”
Nhà thơ hiện đại còn cho rằng chỉ có Tản Đà là theo được Cụ với câu thơ : “ Vèo trông lá rụng đầy sân” . Đặc biệt nhất, là các từ láy được sử dụng rất đắc địa. Hệ thống từ láy Nguyễn Khuyến sử dụng là những từ có tính tượng hình, gợi cảm cao: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng, quanh co.
Tâm sự thời thế của Nguyễn Khuyến cũng là sự phá vỡ tính quy phạm. Trong thơ cổ, con người thường mờ nhạt trước thiên nhiên và xuất hiện với hình ảnh là những con người thảnh thơi, thưởng ngoạn. Nhưng nhân vật trữ tình của Thu điếu hiện lên rất rõ với tâm trạng ưu thời mẫn thế:
“Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được
Con người ở đây đều mang một bi kịch: muốn câu cá mà không tập trung câu cá, dường như Nguyễn Khuyến không thể yên lòng để hưởng thụ những thú vui tao nhã của một bậc tao nhân mặc khách. Trong lòng nhà thơ đang chất chứa một nỗi niềm: đó là nỗi buồn trước cảnh nước mất nhà tan và sự bất lực của thi nhân.
Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm trong bài thơ Thu điếu đã thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này đã làm cho bức tranh mùa thu vừa gần gũi, quen thuộc mà vẫn hết sức tao nhã, nó gợi lên cái thần,cái hồn của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Chùm thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Khuyễn: yêu thiên nhiên, yêu làng quê, tinh tế nhạy cảm và rất nặng lòng với đất nước.
(Đỗ Tuyết Trầm Hương, Hoàng Phương)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
♫ ♥ ♫
1. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 2001.
3. Nguyễn Kim Châu, Đề cương bài giảng chuyên đề “Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam”.
4. Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục – 2000.
5. Lê Bảo, Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường Nguyễn Trãi, Nxb Giáo dục – 1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét