1. Mở đầu
Trong nền văn học Việt
Nam thời kì đổi mới, khoảng mười năm đầu của thế kỉ XXI, người yêu văn chương
không thể không biết đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy là một cây bút trẻ về tuổi
đời lẫn tuổi nghề nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã hình thành một phong cách riêng độc
đáo. Nguyễn Ngọc Tư có những bước tiến khá tự tin và vững chắc vào làng văn
Việt Nam .
Với Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn phải luôn là chính mình trên từng trang văn cho dù
có những dư luận thậm chí trái chiều. Sự quan tâm của người đọc và giới phê
bình đến tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được thể hiện ở bài viết trên một số báo,
tạp chí và internet. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư khi ra đời đều được đón đọc,
quan tâm đồng thời cũng tạo được những cuộc tranh luận khá thú vị trên văn đàn.
“Sông”, tiểu thuyết đầu tay của
Nguyễn Ngọc Tư, được đón nhận trong trường hợp như thế. Nguyễn Ngọc Tư cho
rằng: “Cây tới mùa nó thay lá, quả tới mùa nó chín. Mọi người dường như muốn
một thứ quả cứ xanh mãi. Điều đó hơi trái tự nhiên, như thể một dòng sông không
chảy được vậy đó. Nhà văn đã đi rất là xa, mà bạn đọc cứ ngồi mãi một chỗ cũ,
cứ mong chờ như mình vẫn còn ở đó, trong khi một nhà văn thì luôn phải đi tới,
bỏ những hào quang lại sau lưng”. Với
Nguyễn Ngọc Tư nghề văn là một nghề sáng tạo, một hành trình dài vô tận…
2. Nội dung
2.1. Giới thiệu tác giả, sơ lược về tác phẩm
2.1.1.
Tác giả
2.1.1.1.
Đôi nét về con người và sáng tác
- Nguyễn
Ngọc Tư sinh năm 1976, tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Khi mới học
hết lớp chín, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải nghỉ học. Hiện nay, Nguyễn
Ngọc Tư cùng gia đình cư ngụ tại thành phố Cà Mau, làm phóng viên cho tạp chí
Văn nghệ Cà Mau và hội văn học nghệ thuật Cà Mau. Trong đời thường, Nguyễn Ngọc
Tư có vẻ ngoan hiền, thích cuộc sống giản đơn nhưng nội tâm phức tạp.
- Tác phẩm đầu tay là tập kí sự “Nỗi niềm sau
cơn bão dữ” với giải ba báo chí toàn quốc năm 1997 đã chính thức đưa Nguyễn Ngọc
Tư vào nghề văn. Nguyễn Ngọc Tư là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam . Nhà văn đã
đạt nhiều giải thưởng như giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần
II (năm 2000) với tác phẩm “Ngọn đèn
không tắt”, giải B Hội nhà văn Việt Nam (năm 2001) cho tập truyện “Ngọn
đèn không tắt”. Tác phẩm nổi tiếng nhất là “Cánh đồng bất tận” đã nhận được giải
thưởng của Hội nhà văn Việt Nam
năm 2006 và được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dựng thành phim cùng tên. Năm
2008, Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học các nước Đông Nam Á…
2.1.1.2. Đặc điểm sáng
tác
- Trong
dòng chảy chung của văn xuôi đương đại, Nguyễn Ngọc Tư đã tìm cho mình một lối
đi riêng, một phong cách riêng nên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người
đọc. Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, thế mạnh của Nguyễn Ngọc Tư là nói về nỗi
đau, về thân phận những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Bằng sự thấu
hiểu, cảm thông, Nguyễn Ngọc Tư ý nhị đưa ra những khao khát khôn nguôi về bến
bờ hạnh phúc, sự bình yên trong tâm hồn mỗi con người.
- Cho dù viết về mảng nào, lĩnh vực nào, thể
loại nào với Nguyễn Ngọc Tư, điều quan trọng vẫn là cảm xúc. Cảm xúc thật từ
đời sống chỉ có được khi thực sự hòa nhập với đời sống. Nguyễn Ngọc Tư luôn có
cách khai thác hiện thực đời sống một cách có chiều sâu nhất. Trong các sáng
tác của mình, Nguyễn Ngọc Tư lấy cảm hứng từ cuộc sống với số phận của những
nhân vật nhỏ bé, những người nông dân lam lũ, những người nghệ sĩ nghèo khổ bất
hạnh, những đứa trẻ đáng thương, những người đàn bà tội nghiệp…ở chính vùng quê
Nam bộ. Chính số phận trớ trêu của họ đã tạo cảm xúc cho Nguyễn Ngọc Tư trong sáng
tác.
- Nguyễn
Ngọc Tư là một cây bút độc đáo đậm chất Nam bộ. Đọc
tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc có cảm giác nhà văn chẳng đi đâu xa
ngoài vùng đất của mình. Cũng chính bởi Nguyễn Ngọc Tư sống và yêu hết mình với
mảnh đất Cà Mau và cũng không muốn đi xa khỏi nó. Ngôn ngữ của Nguyễn
Ngọc Tư sử dụng trong tác phẩm của mình chủ yếu là ngôn ngữ của người dân sống
ở thôn quê, ruộng vườn cho nên cách hành văn, diễn đạt nôm na dễ đọc, dễ hiểu. Giọng
văn dung dị mà sâu lắng, trữ tình nhẹ nhàng, câu văn mềm mại chan chứa yêu
thương…
2.1.2. Sơ lược về tác phẩm
“Sông” là câu chuyện
của một lớp người trẻ hiện đại đi tìm cội nguồn và ý nghĩa tồn tại của mình
ngay trên chính quê hương mình. Nhân vật chính tên Ân - một người vác ba lô
xuôi dọc sông Di, bạn đồng hành của cậu là những người gặp tình cờ trên mạng,
chỉ biết nhau vỏn vẹn qua cái tên: Xu và Bối. Ân có cha, có mẹ nhưng cũng như
một đứa trẻ sinh ra trong lạc loài, vô thừa nhận, nhớ mãi cú xô ngã chối từ cay
nghiệt của bà nội. Xu lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Và Bối khao khát tình
thương cũng thích chơi trò biến mất chỉ để được tìm kiếm. Ba con người đầy sức
trẻ nhưng cũng đầy mất mát. Họ đã gặp nhau trong hành trình khám phá sông Di và
khám phá chính bản thân mình. Mỗi người một gương mặt, một số phận nhưng họ
cùng có khao khát được sống tự nhiên như một con sông, được chảy tự nhiên như
thế. Những tâm hồn thương
tổn đi dọc sông Di gặp và chứng kiến những mảnh đời khác, thăng trầm như sông,
mong manh như sông. Những con người lần lượt biến mất để lại nỗi ám ảnh theo
dọc sông Di...
2.2.
Những ý kiến khác nhau về tác phẩm
2.2.1.
Nội dung
- (1) Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên,
một trong số ít người tiếp cận bản thảo “Sông” sớm nhất, nhận xét: “Ở Sông vẫn là không gian sông nước quen
thuộc trong những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Sông là chuyển động, là dòng
chảy. Với việc cho nhân vật ra đi men theo dòng sông, Tư đã làm được hai việc:
vừa phản ánh hiện thực, kể, tả về những vùng đất dọc hành trình vừa men theo
dòng chảy tâm trạng để nhân vật bộc lộ mình.”
- (2) Trong bài viết “Sông và hành trình “bản ngã” của Nguyễn
Ngọc Tư”, Hoài Phương nhận định: “Văn chị có cái
nồng hậu của con người miền Nam, cái nồng hậu không đơn giản chỉ là tỏa ra từ
hệ thống từ địa phương được dùng dày đặc, mà sâu hơn, nó tỏa ra từ một cái nhìn
không bao giờ vơi nỗi thương cảm với thân phận con người. Dù ở đây chị có gồng
lên, có làm khác đi so với cái giọng của thời kỳ truyện ngắn, nhưng cái thương
cảm ấy vẫn lúc chìm sâu lúc phập phồng trên mạch đập của dòng văn.”
- (3) Nhà biên tập Trần Ngọc Sinh
rất xác đáng khi nhận xét ngắn gọn về “Sông” như sau: “Sông - Tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư là một sự đổi mới
toàn diện của chính cô. Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Truyện kết thúc bằng dấu
chấm hỏi về số phận một con người - Không hề do dự, cô đã đẩy cái mầm ý tưởng
vừa nhú lên sang tay người đọc, để họ nuôi dưỡng chúng bằng trải nghiệm, qua
việc đọc cuốn sách này.”
- (4) Nhà báo Hàm Châu
khẳng định: “Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư không thấy lóe lên chút ánh sáng yêu đời
nào. Trong Sông, tôi không chia sẻ
được tâm hồn với nhân vật nào. Ảm đạm quá. Các nhân vật hơi lạ thường, kỳ dị,
không phổ quát trong xã hội. Một tài năng như Nguyễn Ngọc Tư nên viết tươi sáng
hơn.”
- (5) Trong bài viết “Nguyễn Ngọc Tư và Sông”, Trần Hữu Dũng
nêu lên nhận định: “Bằng cách đưa ra những địa danh hư cấu, có lẽ Nguyễn Ngọc
Tư không muốn người đọc liên tưởng đến những gì dính líu đến những địa danh có
thật. Cô muốn bứng rễ người đọc để đưa vào khung cảnh táo bạo của câu
chuyện. Nhiều tác giả đã dùng thủ thuật này, nhưng tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Tư
đã không tận dụng những tiềm năng mà thủ thuật này tạo cho người viết. Bởi lẽ,
ở những tác giả khác thì một địa phương hư cấu được cả một khối cư dân làm nền
cho câu chuyện, với cá tính và lịch sử đặc biệt của họ, còn sông Di của Nguyễn
Ngọc Tư chỉ là...sông Di (dù cô có cho thêm vài chi tiết hư cấu về lịch sử,
nhân chủng của vùng ấy). Đó là một hư cấu tiêu cực (không muốn độc giả
liên tưởng đến địa danh quen thuộc nào khác) hơn là tích cực (với những cái đặc
trưng ở nơi ấy). Nguyễn Ngọc Tư mời chúng ta theo cô đến miền hư cấu ấy
của cô, nhưng ta không thấy gì mới lạ ở đó, và tự hỏi: Sao chúng ta không “ở
nhà”, một địa danh quen thuộc nào đó ? Với những địa danh hư cấu, trong
trường hợp này, tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Tư đã gây cho độc giả một sự “rối trí”
không cần thiết. Vì sông Di không đem lại gì cho câu chuyện, những đoạn về địa
lý của sông ấy (gần sông nào, núi nào, thành phố nào...) có hơi thừa, không có
một tác dụng gì ở người đọc.”
2.2.2.
Nghệ thuật
- Cũng trong bài viết “Nguyễn Ngọc Tư và Sông”, Trần Hữu Dũng
nêu nhận định như sau:
ö
(6) “Tuy là tiểu thuyết đầu tay nhưng ai cũng sẽ thấy rằng đây không phải là
tác phẩm của một ngòi bút mới vào nghề. Về nhiều mặt, có một sự tiến bộ rõ
rệt về kỹ thuật viết, và hiển nhiên là (như hầu hết tác phẩm của Nguyễn Ngọc
Tư) một sự cẩn trọng tột bực trong văn phong, tỉ mỉ trong chữ nghĩa, và những
nhận xét cực kỳ tinh tế về những sinh hoạt đời thường. Có những câu thật
hay như “Ham muốn tắt đi rất nhanh, nhưng
rạo rực như cái đuôi. Quét lướt thướt trong tâm tưởng”. Thậm chí, có nhiều
đoạn đẹp đến nỗi người đọc có thể thất vọng là câu chuyện chưa xứng tầm kỹ
thuật của cô.”
ö
(7) “Dùng hình tượng một con sông để “xỏ xâu” các câu chuyện lại với nhau không
phải là một thủ thuật mới. Nhiều nhà văn sử dụng rất công hiệu kỹ thuật
này trong không ít tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, một người đọc khó tính
(hay kỳ vọng nhiều hơn ở Nguyễn Ngọc Tư) có thể tiếc rằng cô đã không tận dụng
sự súc tích mà hình tượng ấy có thể cung cấp cho cô, dù cô đã khai thác khá
nhiều.”
- (8) Trong bài viết “Sông và hành trình “bản ngã” của Nguyễn
Ngọc Tư”, Hoài Phương nhận định: “Có khi giọng văn
tỏ ra tiết chế, hờ hững, phớt đời với những câu lược hết tính từ, lại có những
khi lũ tính từ mà Ân chối bỏ như thể chối bỏ bản tính “đàn bà” trong con người
mình ấy tràn ra những câu văn dài, nhấm nhẳng day dứt, dằn vặt và cũng không ít
chỗ thật nồng nàn. Cũng như những chi tiết ảo mang tính biểu tượng, những chi
tiết về tính dục gây ám ảnh đôi khi chị hơi lạm dụng khiến cuốn tiểu thuyết đôi
chỗ quá rậm rạp, “nhiều đạm”, mà giá tiết chế hơn chắc sẽ làm chủ tốt hơn nhịp
điệu tác phẩm. Điều ấy cũng có thể là một phương thức diễn tả nhân vật đang đi
tìm chính mình, hay chính giọng văn ấy cũng đang định hình chính mình, trong
một hành trình văn chương vốn dĩ luôn đòi hỏi sự thay đổi trong nhất quán và
không bao giờ có điểm kết.”
- (9) Cao Việt Dũng
trong “Nguyễn Ngọc Tư: Sông và những
cuộc bỏ đi” cho rằng: “Một tiểu thuyết không nhất thiết bắt người đọc chú tâm
mọi lúc, nó không cần quá nhiều “đạm”, nó dung chứa được những đoạn chùng
xuống, chậm lại, thậm chí lê thê, không cần quá nhiều cảm nghĩ, quá nhiều miêu
tả trộn trong cảm giác. Điều này liên quan tới một khái niệm, tempo (nhịp).
Chính vì xử lý không tốt tempo nên Nguyễn Ngọc Tư không hẳn là thành công ở
đoạn cuối, lẽ ra phải lên cao trào khi các nhân vật đến được cái hồ Thiên huyền
bí. Vài chương cuối cùng không đủ độ chùng xuống nên đi đến một cái kết tương
đối lộ liễu, dễ đoán.”
2.3. Quan điểm
của nhóm
2.3.1.
Tương đồng
2.3.1.1. Nội dung
- (1) Về nhận xét của Phạm Xuân Nguyên,
chúng tôi đồng tình “Sông” là không gian
sông nước quen thuộc; trong tác phẩm, tác giả vừa phản ánh hiện thực vừa để
nhân vật bộc lộ mình.
ö
Trong hầu hết tác phẩm của mình, Nguyễn Ngọc Tư luôn thể hiện đậm nét đời sống
vùng sông nước gắn liền với con người Nam bộ. Thế nhưng trong tác phẩm
này, nhà văn chỉ lấy bối cảnh là không gian sông nước (con sông Di) chứ không đi
sâu vào việc khắc họa đời sống của con người ở vùng sông nước. Vì theo tác giả,
“Sông chỉ là bối cảnh, một dòng chảy nửa thực, nửa mang tính tượng trưng. Đây
là cái cớ để những nhân vật của tôi bước vào cuộc phiêu lưu của họ, kể chuyện
đời họ và những người sống ở hai bên bờ”. Đó là một dòng sông hư
cấu nhưng lại chảy qua những bãi bồi phù sa, ghềnh thác để chứng kiến bao thân
phận con người.
ö
“Sông” đã
phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Nguyễn Ngọc Tư đã ghi chép khá đầy đủ
nhiều mảng đề tài xã hội được dư luận nhắc đến hàng ngày như đồng tính, bi kịch
gia đình, ngược đãi trẻ em, tôn giáo, tệ nạn xã hội (ma túy, buôn lậu, dân đào
vàng, lâm tặc, mãi dâm, dân giang hồ xử nhau…), suy đồi đạo đức, ô nhiễm môi
trường, lũ lụt, lạm phát lễ hội và tượng đài, báo mạng lá cải…đến những vấn đề
chính trị nhạy cảm cũng thấp thoáng như tranh chấp quyền lực, hòa hợp dân tộc,
chủ quyền biển đảo, quan hệ quốc tế…và tất nhiên là phải kể đến yếu tố sex.
ö Nhà văn phản ánh cái bên ngoài, cái bề mặt là
để khơi vào, chạm tới cái bề trong, cái bề sâu của con người. Tác giả để
cho từng nhân vật trôi đi trong một thực tại đầy hư ảo của kiếp người với ám
ảnh “tồn tại hay không tồn tại, đó mới là vấn đề”. Những mảnh đời những kiếp
sống, đời người đời sông, đời của những khúc sông, đời của những huyền kỳ dọc
con sông dằng dặc. Mỗi người đều có những thôi thúc sâu xa mà chính họ cũng
không biết chính xác nó là gì. Nỗi thất vọng với người tình đồng tính là cái cớ
để nhân vật Ân làm một cuộc soi lại chính mình. Hành trình đi ngược sông Di của
Ân cũng là hành trình đào xới lại tâm thức, lật lại từng kỷ niệm, những “tình
tiết” trong đời. Người cha chưa bao giờ là cha theo mọi nghĩa, kể cả điều sâu
xa nhất là cảm giác huyết thống với con người ấy Ân cũng không hề có. Với mẹ,
Ân là nơi để trút những kỳ vọng, yêu thương, là chiếc gương mà bà cần để ngày
ngày soi ngắm bản thân, chứ không phải như là chính con người cậu. Cuộc sống
của sông là sự chảy trôi, cũng như đời người, rốt cuộc tìm đến bản chất tận
cùng ta chỉ thấy sự vô thường. Những dòng sông bị lấp nhưng dòng chảy vẫn miệt
mài ở dưới tầng sâu dần bào mòn lòng đất, cho đến một thời điểm nào đó bật dậy
thành những cuộc lở sông kinh hoàng. Và bản chất con người cũng vậy. Sự vặn
xoắn trong tâm thức con người đi ngược với bản chất tự nhiên, chối bỏ nó hoặc
che đậy nó, để có thể sống yên ổn trong cái gọi là xã hội con người đều là cội
nguồn bi kịch. Với ý nghĩa đó, “Sông” không hề nhẹ nhàng nhưng nó lại như đang
ẩn náu trong cái thời đại này.
- (2) Hoài Phương khá tinh ý khi cho
rằng Nguyễn Ngọc Tư luôn cái nhìn không
bao giờ vơi nỗi thương cảm với thân phận con người dù cách thể hiện có khác
hơn so với trong truyện ngắn. Bởi lẽ cuộc sống này chứa đựng quá nhiều thân
phận, quá nhiều nỗi đau và cả những oan khiên “Nếu mỗi biến cố là một sợi len, người ta có thể dệt thảm cho cả sân
bóng”. Do vậy, trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, yêu thương đã thành lẽ
sống, niềm vui, niềm hạnh phúc. Chính bởi thế, hầu hết các nhân vật trong tác
phẩm luôn khát khao yêu thương và được yêu thương. Trong tiểu thuyết này,
Nguyễn Ngọc Tư cho rằng không chủ ý viết về đồng tính. Nhưng những trang viết
về tình yêu đồng tính của nhân vật chính Ân với Tú là
những trang viết đẹp. Nhà văn đã dành nhiều cảm tình đặc biệt cho các nhân vật
của mình. Nhân vật Tú không
có mặt trong chuyến du hành lang thang theo dòng sông Di nhưng những hồi ức tình yêu của hai người trong những
lúc gần gũi và những tin nhắn “vói” theo của Tú được tác giả mô tả cho thấy đây là một mối tình đẹp,
hay có thể nói khác là “bình thường” so với các mối tình đã tồn tại trên thế
gian này: cũng quan tâm, yêu thương, giận hờn, trách móc, nhớ nhung…“Báo nói
Ân đi sông Di. Không ngờ Ân quyết liệt vậy. Chúng mình đâu phải chấm dứt ở đây
?”, “Ăn ngủ có vất vả lắm không ?”, “Coi ảnh trên mạng, thấy Ân đã đen nhiều. Đứt ruột !”, “Ân
ơi !” (nhắn bốn lần cùng một nội dung), “Tú ớn ói việc phải
sống như con người khác. Ân giúp Tú tìm lại chính mình đi.”, “…Tú mà không cưới thì cậu cũng sẽ bận
nấu nướng, bận lấy đùi làm gối, vít đầu Tú xuống để nhá tai Tú giữa hai hàm
răng sực mùi ổi chín của mình, vờn lưỡi mình lên khóe môi Tú, nơi mà cậu cho
rằng hàng vạn lời hay ho nương náu ở đó trước khi thành tiếng nói…”.
Là người giàu cảm xúc và coi trọng cảm xúc trong sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư luôn
níu giữ lòng tin yêu của con người. Nguyễn Ngọc Tư nếu có viết về cái ác cũng
là một cách để tôn vinh cái thiện và ca ngợi tình yêu thương con người, để con
người biết sống tốt đẹp, nhân ái hơn.
- (3) Chúng tôi đồng ý khi Trần Ngọc Sinh
cho rằng “Sông” có nhiều chi tiết trần
tục và hư ảo và truyện kết thúc bằng dấu
chấm hỏi về số phận một con người.
ö
Chúng tôi hiểu từ “trần tục” ở mức độ là Nguyễn Ngọc Tư có cái nhìn vấn đề rất
thực tế, rất đời thường như vốn có trong cuộc sống. Trong “Sông”, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Tư đề cập đến một
chủ đề khá thời sự và nhạy cảm là đồng tính. Nhưng nhà văn chỉ tiếp cận nó về
mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật
chứ không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. Nguyễn Ngọc Tư từng thổ lộ rằng: “Khi viết Sông, nhiều bạn cũng đã hỏi tôi tại sao không đi sâu
vào sex, nhục dục, nhưng tôi nghĩ đồng tính không chỉ có sex. Họ cũng có ẩn ức
khác, những mối quan tâm xã hội, có đời sống rất bình thường. Viết về đồng tính
đâu cứ phải sex. Khi nhà văn đào sâu tâm tư, ẩn ức của họ cũng rất hấp dẫn”. Trong
tiểu thuyết này, ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư luôn dằn vặt,
trăn trở về một cuộc sống được luôn là chính mình của một kiếp người. Như
vậy, tác giả không có tham vọng khảo sát thế giới
người đồng tính mà chỉ muốn chọn một mẫu nhân vật có đời sống khá phức tạp. Bởi
lẽ, còn dạng nhân vật nào phức tạp, vật vã đấu tranh với bản năng và lý trí,
với chính mình và với cái nhìn chật chội của xã hội như một người đồng tính
không ? Sinh ra có vẻ là người này, nhưng sâu thẳm trong họ là người khác, họ
vùng vẫy làm sao để sống như mình muốn, như chính mình ?
ö
Cái hiện thực trong “Sông” không
hoàn toàn là hiện thực nhưng chưa bước hẳn sang bên kia lằn ranh ngăn cách với
cái hư ảo, bầu không khí mà cuốn tiểu thuyết tạo ra dường như là một cái gì đó “từa tựa sự thật”. Chẳng hạn, những tên
riêng Mù Sa, Tầm Sương hoang vắng như lôi về từ một miền hư ảo, nhưng dãy núi
Thượng Sơn thì hao hao Trường Sơn, sông Mê Giang nhất định gợi tới Mê Kông,
Vũng Thuyền thì âm hưởng Vũng Tàu và vẫn nhiều chi tiết không có chút đổi thay
nào như phố Lý Thường Kiệt, tên người như Nguyễn Trãi, Quang Trung hay Nguyễn
Ánh…Bên cạnh đó, những địa danh trong tác phẩm rất lạ lẫm và xa xôi như Băng
Khâu, Mù Sa, Ể Ưu, Di Ổ…Tiếp sức cho bầu không khí ảo là những sách vở bịa ra
như cuốn “Ba tháng ở miền Hạ” của mấy nhà truyền giáo người Bồ, di cảo “Sông
nước miền Hạ” của Mai Nam Tư hay “Những làng nghề thủ công châu thổ sông Di”,
“Di lưu ký” rồi “Tương tàn ngoại sử” và nhất là quyển ghi chép dày 186 trang
của một vị tu sĩ người Pháp, trong đó chín trang rưỡi liên quan đến thượng
nguồn sông Di…Không khí đặc trưng của miền Tây vẫn tiếp tục rõ nét trong “Sông”
cộng thêm một yếu tố hư ảo có tính chất ma quái mà ta như thể bắt gặp được ở
bất kỳ khuôn mặt và khung cảnh nào. Người già, trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà tất cả
xuất hiện thoáng qua và vụt biến mất. Không phải là một người mà chỉ cần một
đêm sạt lở thì cả một làng bất ngờ sẽ bị cuốn đi rồi mất tích mau chóng để lại
nỗi ám ảnh theo dọc sông Di. Những cái lu tắm chung nam nữ như hội Tắm Lu chợ
Thương tổ chức vào ngày Rằm tháng Hai những năm chẵn, một dạng chợ tình Khâu
Vai miền sông nước. Có ý kiến cho rằng đây là một tiểu thuyết núp bóng du ký,
kiểu vừa đi vừa kể chuyện, sẽ có những vùng đất trôi qua luôn, những con người
không còn gặp lại. Chính yếu tố hư ảo đã khắc họa nên điều này.
ö
Nếu người đọc trông mong một cái kết “có hậu” sẽ hụt hẫng vì không có một kết
thúc êm đẹp. Thậm chí những dòng cuối còn gieo vào một nỗi hoang mang, một hoài
nghi như thể một làn khói hư ảo bỗng bao trùm lên toàn câu chuyện. Không có kết
cục tốt đẹp mà chỉ có những biến dịch thuận theo với tự nhiên. Có lẽ cuộc sống
là vậy, ta hiểu nó đến cùng để mà chấp nhận nó, hay chấp nhận nó để có thể hiểu
nó. Và con người cũng vậy, hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều khi chấp nhận cái mình
đang hiện hữu, đang biến đổi không ngừng…Cuối cùng, sau rất nhiều năm tìm kiếm,
San lựa chọn cách ngủ mãi mãi. Ánh lựa chọn biến mất cùng một thằng nhóc đã đeo
đuổi cô suốt mấy năm ròng. Tú buông xuôi. Trong số các nhân vật,
có lẽ số phận của nhân vật chính Ân sau cùng mới để lại nhiều day dứt nhất.
Phía cuối hành trình, cậu cũng biến mất giữa dòng sông như thể chưa từng hiện
hữu. Một cuộc tìm lại hình hài khắc nghiệt khi cậu không có quyền thay đổi giới
tính, không có quyền lựa chọn hạnh phúc và nhen nhóm trong trái tim yêu thương
ấy là sự ghen tị, ích kỷ cũng nằm ở đỉnh điểm không thể tách rời. Sông chứng
kiến tất cả và cũng cuốn đi tất cả.
- (4) Đúng như lời nhận xét của nhà báo Hàm Châu,
trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đa phần là buồn, bi quan. Tuy nhìn
tổng thể, tiểu thuyết này mang hơi văn buồn,
có màu sắc ảm đạm nhưng chính vì điều
đó đã tạo nên một bản sắc văn chương rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Trong “Sông”
cũng thế, đó là niềm riêng của biết bao nhiêu con người: hành trình đi tìm lại
con người thật của Ân, khao khát hạnh phúc của Xu, sự nổi loạn của San, vẻ
buông xuôi của Tú. Dù giọng văn ở tiểu thuyết này đã cố sắc lạnh hơn với nhịp
văn nhiều chỗ dứt khoát hơn nhưng đều không thể thay đổi hơi văn buồn. Dù nhà
văn “bỏ lại cánh đồng” đến với “Sông”, từ truyện ngắn sang tiểu thuyết nhưng có
một thứ vẫn giữ lại, đó là giọng văn trầm buồn, hơi văn bảng lảng.
- (5) Chúng tôi khá đồng tình với quan
điểm này của Trần Hữu Dũng, bởi qua tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư đã không dùng địa danh thật. Có lẽ, do sự
cố “Cánh đồng bất tận”, nhà văn không
muốn lấy địa danh thật nữa. Nhưng theo chúng tôi viết như vậy là không đặc sắc,
không cuốn hút. Nếu nhà văn hư cấu thì cũng phải cho người đọc cảm nhận được
dụng ý nghệ thuật của mình, còn trong tiểu thuyết này, địa danh đưa vào ít mang
tính nghệ thuật. Qua tác phẩm, người đọc cũng phải cảm thấy mình ở đâu đó trong
tác phẩm, hay hiện thực hiện ra trước mắt, còn trong tiểu thuyết “Sông”, tác giả hư cấu nhiều quá, ít hiện thực
nên người đọc cảm nhận được nét không thật. Điều Nguyễn Ngọc Tư muốn chuyển tải
qua con sông Di thật sự mờ nhạt. Tác giả tả có vẻ hay nhưng thật sự hơi
thừa, không tác dụng gì ở người đọc.
2.3.1.2.
Nghệ thuật
- (7) Trần Hữu Dũng khá chính xác khi cho rằng Nguyễn Ngọc Tư không tận dụng sự súc tích mà
hình tượng ấy (hình tượng một con sông) có thể cung cấp. Con sông Di trong tiểu thuyết này huyền ảo mà
cụ thể, không thực nhưng thật. Nó là một nhân vật bao trùm, cuốn trôi cả Ân và
hai người bạn đồng hành, cuốn trôi cả bao cuộc đời người bên sông vừa trôi vừa
ngoái nhìn, vừa trôi vừa chìm. Trải dài con sông Di là những câu chuyện,
những mảnh đời khác nhau. Có vẻ trong tiểu thuyết này, Nguyễn Ngọc Tư đã không tận dụng tốt hình tượng con
sông không giống như trong “Cánh đồng bất tận”, hình tượng cánh đồng bất tận đã
được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng rất thành công. Qua tác phẩm, dù Nguyễn Ngọc Tư đã
cố gắng để những câu chuyện của mình liên quan đến dòng sông Di nhưng nó vẫn
rời rạc và thiếu tính điển hình.
- (8), (9) Hoài Phương và
Cao
Việt Dũng đều có một điểm chung khi nhận xét về giọng điệu trong tiểu thuyết này. Như
chúng tôi đã trình bày, “Sông” là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư. Bên
cạnh sự thành công nhất định, đôi chỗ trong tiểu thuyết này khiến người đọc
chưa tiếp nhận một cách thỏa đáng như cách viết đều đều thay vì cách kết thúc
cần cao trào để gây bất ngờ hay nhiều câu văn dài dòng xen lẫn cảm xúc của tác
giả…Tuy nhà văn có một sự bứt phá nhưng chưa toàn diện. Tác phẩm là minh chứng
cho một sự thay đổi trong nhất quán.
Điều đó có nghĩa là dù tác giả có cố gắng để viết khác đi so với thời kì khá
thành công ở thể loại truyện ngắn nhưng tác phẩm này vẫn in đậm dấu ấn của
Nguyễn Ngọc Tư. Đó là cách viết chậm rãi, nhẩn nha mà xoáy sâu, phơi bày hiện
thực một cách chân thật…Dù đã thừa nhận bỏ cánh đồng để đến với dòng sông nhưng
sự tìm tòi để đổi mới này có đôi chỗ hoàn toàn chưa thuyết phục được bạn đọc
bởi lẽ hành trình trong văn chương không
bao giờ có điểm kết mà đây chỉ là bước khởi đầu trong sự đổi mới của Nguyễn
Ngọc Tư.
2.3.2. Dị biệt
2.3.2.1. Nội dung
- (3) Bên cạnh sự đồng tình, chúng tôi
không nhất trí khi Trần Ngọc Sinh cho rằng “Sông” là một sự đổi mới toàn diện của Nguyễn Ngọc Tư.
Tuy “Sông” là
một bứt phá quan trọng và dũng cảm của Nguyễn Ngọc Tư nhưng người đọc vẫn nhận
ra đây là của Nguyễn Ngọc Tư. Chất “đặc sản” của cô vẫn còn đó, dù rằng nó
không còn là đặc sản của chỉ miền Nam, mà là đặc sản của một thế hệ nhà văn
mới, tìm tòi và thử nghiệm, nhưng không phiêu lưu vô lối, bởi vì đặc sản ấy
luôn luôn bám chặt gốc rễ quê huơng của cô. Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Tư vẫn vậy
trong cách viết, nhẩn nha không đi đâu mà vội, nhẩn nha mà xoáy sâu, nhẩn nha
mà tinh con mắt sắc cái nhìn ở chi tiết, nhẩn nha mà bất ngờ ở câu ở chữ của
văn, sự nhẩn nha có lúc trễ nải, quẩn quanh.” Người đọc yêu mến văn
phong của Nguyễn Ngọc Tư ở những truyện ngắn, tản văn đã xuất bản thì ở tiểu
thuyết này vẫn vậy: Gãy gọn, nhẹ nhàng, khoan thai nhưng không kém phần sắc
sảo. Điểm hấp dẫn của “Sông” có lẽ là cái duyên riêng của Nguyễn Ngọc Tư, dù cố
thay đổi vẫn không mất đi.
-
(4) Chúng tôi nghĩ rằng Hàm Châu nhận
xét các nhân vật hơi lạ thường, kỳ dị,
không phổ quát trong xã hội; một tài năng như Nguyễn Ngọc Tư nên viết tươi sáng
hơn là chưa thỏa đáng. Các nhân vật trong tác phẩm tuy có chút lạ thường
nhưng không phải là không phổ quát trong đời sống. Hành trình đi tìm lại con
người thật của Ân, khao khát hạnh phúc của Xu, sự nổi loạn của San, vẻ buông
xuôi của Tú và niềm riêng của biết bao nhiêu con người trong tác phẩm cũng có
thể là của chung cho những thân phận người trong thế giới hôm nay. Những kiếp
người “trôi dạt” trên dòng sông Di, những sự “biến mất” trong lòng sông Di.
Biết đâu, họ lại là những người từ bên ngoài hiện thực chui vào trang sách ? Có
thể nói rằng mỗi thân phận của một nhân vật cũng chính là số phận của con người
trong xã hội thời nay. Theo chúng tôi, một nhà văn tài năng thì ngòi bút phải
đi sâu khai thác những mặt còn khuất lấp trong đời sống chứ không thể viết bằng
“sự mơ mộng, tưởng tượng về một thế giới chưa từng tới, về những con người chưa
từng thấy, những con người chưa từng gặp hoàn toàn không vì một trải nghiệm
nào”. Do vậy, tài năng của nhà văn không nhất thiết là sự “tươi sáng” trên từng
trang văn. Chúng tôi cũng thừa nhận nhìn chung toàn bộ tiểu thuyết lan tỏa hơi
văn buồn nhưng đâu đấy vẫn có nét hóm hỉnh của câu chữ và cách lựa chọn vấn đề
gần gũi trong đời sống nên không hoàn toàn ảm
đạm như lời nhận xét của Hàm Châu. Tác giả từng thổ lộ với độc giả trong
buổi ra mắt quyển tiểu thuyết: “Tính
thời thượng của giới trẻ hiện nay là thích đi “phượt” vì thế tôi đã tìm cách
đưa vào tác phẩm. Ngoài ra vấn đề đồng tính cũng được nhiều người quan tâm. Tuy
nhiên, hai yếu tố này chỉ là cái vỏ cho “Sông”. Bởi cách viết của tôi hơi bi quan và buồn.
Chính vì thế mà tôi đã phải tìm cách “pha loãng” nó bằng những chi tiết “thời
thượng” để độc giả được thư giãn”.
2.3.2.2.
Nghệ thuật
- (6) Về nhận xét của Trần Hữu Dũng, chúng tôi cho
rằng tiểu thuyết “Sông”, Nguyễn Ngọc Tư đã mệt nhọc để gán ghép
cho tác phẩm cái luồng tư tưởng nào đó. Nếu thật sự là nhà văn tài năng, Nguyễn
Ngọc Tư sẽ làm cho người đọc nhẹ nhàng nhận ra ngay điều mình muốn truyền tải trong và sau khi đọc tác phẩm. Cái chất Nam bộ trong
văn của Nguyễn Ngọc Tư quả thật rất tuyệt vời, nhưng để gọi là tầm kỹ thuật thì có vẻ đã quá đề cao nhà
văn. Nguyễn Ngọc Tư cần có thời gian và sự trải nghiệm nhiều hơn nữa mới có thể
cho ra một tác phẩm tuyệt hay như “Cánh đồng bất tận”. Chúng tôi khẳng định như
vậy không có nghĩa là phủ nhận tài văn của Nguyễn Ngọc Tư mà nhận ra được có vẻ
bước đi chưa vững chắc của nhà văn trong thể loại tiểu thuyết, “Sông” là một ví
dụ.
3. Kết luận
“Sông Di là dòng sông của những mảnh đời cỏn
con”. Dòng sông Di là nơi bấu víu cho những kẻ không còn hi vọng ở chính
mình. Đó là thân phận những con người nhỏ bé sống bám lay lắt vào sông, vô tình
làm tổn thương sông và phải hứng chịu những trả thù tàn khốc của sông. Nhưng
chính sông Di cũng mang trong mình những vết thương. Vết thương của sông Di
cũng là vết thương của những kiếp người nhỏ bé sống bám dọc con sông ấy. Nguyễn
Ngọc Tư là một thư ký tận tụy, cần mẫn trên từng trang tiểu thuyết về nhiều vấn
đề nhức nhối của xã hội như bạo hành gia đình, bình đẳng giới, suy đồi đạo đức…Nguyễn
Ngọc Tư viết như người ngoài cuộc, hờ hững, viết nhẹ như không nhưng chính cái
tưởng chừng là “vô chiêu” mà có sức nặng không cùng. “Sông” khi vừa ra mắt đã
nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của người đọc ở sự đồng thuận, cũng không lắm
ý kiến trái chiều. Song Nguyễn Ngọc Tư luôn là chính mình và luôn ý thức rất rõ
về trách nhiệm của người cầm bút, về nghề văn “một nhà văn thì luôn phải đi
tới, bỏ những hào quang lại sau lưng” vì đó là một hành trình dài vô tận…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét