Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

THIẾT KẾ BÀI TẬP CHỈNH SỬA ĐỂ GIÚP TẠO LẬP VĂN BẢN


1.      Bài tập chỉnh sửa lỗi chính tả.
Trong bài viết với đề “Loài cây em yêu” một bạn học sinh viết có đoạn như sau:
“Trông tất cả các loài cây em yêu quý nhứt là cây xài, vì cây xài đả mang lại nhiều thu nhặp cho nhà em. Em xẽ châm xóc chúng thật tốt”
Hướng thực hiện:
·        Bài tập sử dụng trong các tiết sửa lỗi chính tả, chương trình địa phương về sử dụng từ…
·        Giáo viên nêu yêu cầu:
-         Chỉ ra lỗi trong đoạn trích trên rồi sửa lại cho đúng.
-         Theo em nguyên nhân vì sao lại xảy ra lỗi như vậy? Cách khắc phục?
·        Cho học sinh trao đổi thảo luận.
·        GV và học sinh thống nhất ý kiến đúng.
2.      Bài tập chỉnh sửa lỗi tập trung vào ngữ cảnh, ngữ nghĩa của văn bản.
- Bài tập này giáo viên có thể sử dụng trong tiết Trả bài kiểm tra, viết đoạn văn… Giáo viên lấy trực tiếp một bài viết (câu, đoạn) của học sinh trong đó có một số lỗi về nghĩa của câu.
- Cho trước các từ, yêu cầu học sinh tìm trong số các từ đã cho những từ thích hợp để điền vào chỗ trống trong đoạn, bài cho sẵn.
VD:          Điền từ thích hợp vào những chố chấm để hoàn thành đoạn văn bản sau:
                 Nhưng nếu Kiều là một người……. thì Từ là một kẻ….., Kiều là một người tủi nhục thì Từ là kẻ…... Ở trong cuộc sống, mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một….. thì trên quãng đường ngang dọc, Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống….., Từ sống bất bình, Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười (….). Kiều là …….. của mối mặc cảm……, còn Từ là nguyên hình của mối mặc cảm……..
                 (tự ti, tự tôn, yếu đuối, hùng mạnh, vinh quang, bất trắc, chịu đựng, hiện thân)
             - Không cho trước các từ, để HS tự tìm trong vốn từ của mình mà điền vào.
Khi hướng dẫn làm bài tập này, giáo viên thao tác:
+ Hướng dẫn HS nắm nghĩa các từ đã cho.
+ Xem xét kĩ đoạn văn có chỗ trống (đã viết lên bảng phụ).
+ HS đọc lần lượt xem từng câu của đoạn văn cho sẵn, dừng lại ở chỗ trống, cân nhắc xem có thể điền từ nào cho câu văn đúng nghĩa, phù hợp với từng đoạn.
+ HS đọc lại toàn đoạn để kiểm tra, thấy nghĩa của câu, của bài đều thích hợp thì bài tập đã được làm đúng.
+ Các em rút ra được bài học gì từ bài tập này?
3.      Bài tập chỉnh sửa Phong cách ngôn ngữ.
Cho ví dụ: “Chùa Dơi là ngôi chùa nằm tại xã Mỹ Long Bắc. Vòng vòng chùa nhiều ơi là nhiều con dơi. Chúng hội họp về đây rất hoan hỉ.”
                                                (Đoạn văn Thuyết minh về danh lam, thắng cảnh)
·        BT này sử dụng trong các tiết có liên quan đến Phong cách ngôn ngữ, chữa lỗi diễn đạt, sửa bài kiểm…
·        Yêu cầu
-         Xác định lỗi trong đoạn văn trên.
-         Xác định nguyên nhân lỗi?
-         Cách khắc phục.
·        Thống nhất ý kiến.

4.      Chữa lỗi về bố cục:
a.    Lỗi chung về bố cục
·        Bài tập này có thể sử dụng trong các tiết luyện nói, lập dàn ý (trong phần viết nháp bài văn theo đề đã cho), sửa bài kiểm…
·        Trước tiên giáo viên hỏi về bố cục thông thường của một bài văn, sau đó cho học sinh đối chiếu với bài của mình xem đã đủ về bố cục chưa? Nếu chưa đủ thì còn thiếu phần nào? Em cần sửa ra sao? Giáo viên hướng dẫn học sinh chữa lỗi về mở bài, kết bài (Theo cách đã học), về thân bài (sắp xếp ý theo trình tự đã học một cách hợp logic). Sau đó tổ chức cho học sinh tiến hành sửa lỗi cá nhân và trao đổi bài cho nhau để cùng kiểm tra trao đổi kinh nghiệm.
·        Ngoài ra, ở phần này học sinh thường không biết tách giữa mở bài với thân bài hoặc giữa thân bài với kết bài. Vì vậy khi sửa lỗi về bố cục, giáo viên cần gợi học sinh nhớ lại dàn ý của bài. Từ đó học sinh sẽ tách được đoạn văn viết lẫn hoặc viết được đoạn văn còn thiếu trong bài văn.
·        Đưa ra bài tham khảo (bài của chính học sinh):
+ 01 bài đã khá hoàn chỉnh ngay từ đầu.
+ 01 chưa đạt yêu cầu.
+ 01 bài đã đạt yêu cầu sau khi chỉnh sửa.               

b.   Lỗi về tính mạch lạc, logic:
Giáo viên tiến hành tương tự như các bước thực hiện ở tiểu mục “a”. Đặc biệt, tiết chỉnh sửa cần tập trung vào:
+ Việc sắp xếp và trình bày các ý với ý, câu với câu, đoạn với đoạn có hợp lý chưa?
+ Trong đoạn có câu chủ đoạn và các câu thuyết đoạn chưa?
+ Các câu thuyết đoạn có làm rõ cho câu chủ đoạn hay chưa?
+ Các câu, các đoạn có làm rõ ý mà yêu cầu đề đặt ra hay không?
+ Trả lời những câu hỏi như vậy và tiến hành sửa lỗi có tác dụng như thế nào trong viết văn?

c.    Giáo viên có thể cho học sinh kể tóm tắt một văn bản.
-         Phần bài tập này có thể tiến hành trong nhiều tiết nhất là tiết Luyện nói, chữa lỗi diễn đạt,...
-         Trong quá trình kể cần chú ý vào diễn văn của học sinh, cho các em học sinh khác nhận xét, giáo viên nhận xét rồi chỉnh sửa cho các em.
Nên đặt ra vài câu hỏi định hướng:
+ Nhận xét về cách diễn đạt của bạn?
+ Nếu diễn đạt như thế sẽ dẫn đến điều gì? (Hợp lí thì sao? Không hợp lí thì sao?) 
+ Nguyên nhân?
+ Cách khắc phục?
-         Hay giáo viên nêu câu hỏi để làm nổi rõ tính mạch lạc, logic của một văn bản bất kì trong SGK mà tạo được định hướng tham khảo cho học sinh khi viết văn:
+ Chủ đề xuyên suốt các phần, các đoạn, các câu của VB này là gì?
+ Trình tự tiếp nối của các phần, các đoạn, các câu trong VB có giúp cho sự thể hiện chủ đề được liên tục, thông suốt, hấp dẫn không?
+ Bài học về tạo lập văn bản?...
5.      Chữa lỗi diễn đạt
a.      Giáo viên đưa ra ngữ liệu từ bài viết của học sinh, sau đó cho học sinh thảo luận nhóm đôi tìm và sửa lỗi cú pháp, xác định nguyên nhân và hướng khắc phục. Có thể sử dụng bảng sau:

Câu lỗi

Lỗi cú pháp

Câu đã sửa cú pháp
………………….
………………..
…………………………

b.      Giáo viên cũng có thể đưa ra các câu có lỗi, yêu cầu học sinh phát hiện, chỉnh sửa, xác định nguyên nhân, nêu tác hại và cách khắc phục.
Các ví dụ:
-         Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều đồ dùng học tập khác.
-         Trong thanh niên nói chung và trong bóng đá nói riêng, niềm say mê là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công.
-         Lão Hạc, Bước đường cùng và Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc thân phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945.
-         Em muốn trở thành một người trí thức hay một bác sĩ ?
-         Bài thơ không chỉ hay về nghệ thuật mà còn sắc sảo về ngôn từ.
...
(Ngữ liệu trích từ Ngữ văn THCS)
·        Thống nhất ý kiến.
Dương Trắc Nghiệm (chủ biên)
 Hồng Phương, Hiểu Ý, Ngọc Diệu


Cuộc sống không hoàn hảo

Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, có một vị trí, vai trò riêng trong xã hội. Thế nhưng, con người chúng ta lại hay loay hoay với những thứ ảo tưởng, không chấp nhận với thực tại và đi tìm một cuộc sống hoàn hảo.
Một cuộc sống như thế nào là hoàn hảo? Đó là cuộc sống mà mọi ước muốn của bạn đều trở thành hiện thực? Hay mọi thứ bạn có, mọi thứ bạn làm đều tuyệt mĩ, không sai sót, không tì vết? Mọi nhu cầu vật chất, mong muốn, ước mơ đều được thỏa mãn, đều trọn vẹn? Cuộc sống chỉ có nụ cười, niềm vui, hạnh phúc và những giọt nước mắt sung sướng? Cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, chinh phục vươn tới sự hoàn thiện nhưng không có cuộc sống nào là hoàn hảo cả.
Cuộc sống cho bạn cái này và sẽ lấy của bạn cái khác – đó là quy luật. Và bạn phải biết chấp nhận quy luật đó. Bạn thấy cuộc sống không hoàn hảo bởi bạn không biết chấp nhận con người bạn, và không biết chấp nhận thực tại mà thôi. Trong thế giới này, không có sự vật, hiện tượng nào là hoàn hảo cả.
Danh vọng và quyền lực có thể khiến bạn thấy cuộc sống này hoàn hảo, hạnh phúc. Bởi đi đâu người ta cũng có thể biết bạn, bạn có thể được mọi người nể trọng, tôn vinh. Một cuộc sống ấm no, đầy đủ về vật chất, tiền bạc là ước mơ của nhiều người. Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng có nhiều thứ không mua được bằng tiền bạn ạ. Có tiền, bạn sẽ không phải vác trên vai gánh nặng cơm áo gạo tiền, không phải chịu đựng cảnh đói rách; có điều kiện thụ hưởng những gì bạn cho là tốt đẹp nhất. Nhưng có chắc người có tiền, nắm quyền lực trong tay hẳn là có hạnh phúc. Bởi, bạn có thể bị những thứ đó chi phối, cám dỗ. Bạn lao vào kiếm tiền, làm sao cho có thật nhiều tiền rồi bỏ quên những người thân xung quanh, ngay cả những người thân yêu nhất trong gia đình. Biết bao đứa trẻ vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ mà rơi vào tình trạng trầm cảm hay lao con đường hư hỏng. Đến khi họ thấy hối hận thì đã không còn kịp nữa rồi. Kiếm tiền bạn có thể bỏ mất bản thân mình, lao vào kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn, bán rẻ lương tri. Rồi những thứ giản đơn nhất cũng sẽ không còn: trùm chăn ngủ nướng vào những ngày cuối tuần, lang thang khắp phố để ăn những món ăn mình thích, ngồi một mình ngắm sông và nghe tiếng chim hót trên cây, tiếng những con thuyền rẽ nước,…
Thân hình bạn không hoàn hảo và từ đó bạn tự ti với bản thân mình? Nhưng bạn biết không, những cô hoa hậu được mọi người tôn vinh cũng chẳng phải là người hoàn hảo. Mắt hai mí, to tròn; lông mày lá liễu, mặt trái xoan, thân hình cao; ba vòng chuẩn…. Liệu có mấy cô có được tất cả những nét đẹp đó. Và hãy tưởng tượng tất cả những nét đẹp đó đều hiện hữu trên cơ thể một con người thì con người đó liệu có đẹp, có hài hòa tương đối. Ông bà ta thường nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái đẹp rồi sẽ tàn phai theo năm tháng nhưng một tâm hồn đẹp, nhân ái, sự rộng lượng, một con người hiểu biết … sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí người đối diện. Biết bao tấm gương về những đứa trẻ khuyết tật đôi chân nhưng vẫn tham gia đánh bóng chày, khuyết tật đôi mắt nhưng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ ngành công nghệ thông tin và luôn ước muốn quay về phục vụ quê hương,… Những đứa trẻ đó cơ thể khuyết tật nhưng tâm hồn, ước mơ thì lành lặn. Trong khi bạn lành lặn, thì tại sao phải để những khuyết điểm nhỏ đánh mất niềm tin, ước mơ, cơ hội của bạn. Biết đâu những cái khuyết điểm ấy lại là cái tiêng, đặc trưng để mọi người nhớ về bạn. Vậy tại sao bạn không tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh, tự tạo cho mình những mối quan hệ và nắm bắt những cơ hội?
Không có cuộc sống nào chỉ có những nụ cười, những niềm vui và những giọt nước mắt sung sướng cả. Bởi để thực hiện được mọi dự định, mọi ước mơ thì bạn phải trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu, thực hiện. Mọi việc diễn ra sẽ không như ý bạn muốn, bạn sẽ gặp phải những chướng ngại vật và bạn phải nỗ lực bản thân. Sự va chạm giúp bạn trưởng thành. Đó là điều tất nhiên. Có những nỗi buồn, sự thất vọng, những giọt nước mắt chán nản, đau khổ thì bạn mới biết quý những thành quả bạn đó được từ sức lao động, sự phấn đấu của bản thân. Có những nỗi buồn, sự thất vọng, những giọt nước mắt chán nản, đau khổ thì bạn mới biết quý những thành quả bạn có được từ sức lao động, sự phấn đấu của bản thân. Khi đó, những nụ cười, những niềm vui càng có ý nghĩa, có giá trị hơn đối với cuộc sống của bạn.
Bạn ạ! Cuộc sống không hoàn hảo là do bạn không biết cách chấp nhận đấy thôi. Chấp nhận là bí quyết then chốt để thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Chấp nhận là nghĩa là chấp nhận bản thân mình, hoàn cảnh của mình và thế giới chung quanh mình như nó đang là chứ không phải theo cách mình muốn nó phải ra sao. Hãy phân tích hoàn cảnh và chấp nhận khi bạn không thể thay đổi nó, khi bạn đã cố gắng nỗ lực hết sức.
Cuộc sống không bao giờ là hoàn hảo nhưng bạn có thể hoàn hảo với bản thân mình. Đó là khi bạn nhận thấy những lỗi lầm, những thất bại trong quá khứ và hiện tại, bạn biết xin lỗi ai đó khi bạn sai, bạn biết phục những lỗi lầm, rút kinh nghiệm từ những thất bại và hoàn thiện bản thân. Đó là khi bạn được sống thực với chính mình, được làm những gì mình thích, là khi bạn yêu và được yêu thương. Hoàn hảo là khi bạn có thể cười khi bạn thấy vui, bạn có thể khóc khi xem một bộ phim buồn, phẫn nộ khi thấy cảnh nhiễu nhương, dối trá. Hoàn hảo là khi sau những giờ phút mệt mỏi ở cơ quan, bạn được chạy ùa về nhà, bên cạnh những người thân yêu; ôm choàng lấy người yêu của mình để nhận lấy sự vỗ về, yêu thương. Hoàn hảo là khi bạn nỗ lực hết sức để thực hiện một việc gì đó, dù kết quả không như ý bạn muốn thì bạn cũng không phải hối hận vì tất cả những gì bạn đã làm. Hoàn hảo thay khi bạn có một cơ thể lành lặn, một sức khỏe tốt để chạy nhảy, để phiêu du tới mọi chân trời, khám phá; và để làm những gì có ích cho cuộc đời, cho xã hội. “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là một con đường.”. Bởi thế, hãy tận hưởng hạnh phúc từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày. Hãy lắng nghe những âm thanh quen thuộc của đời sống, dù đó là tiếng chát chúa cãi nhau; hãy ngắm nhìn con đường mà bạn đi qua, dù có những cảnh bạn thấy nhức mắt…. Và bạn hãy mở lòng đón nhận tất cả bởi đó mới chính là cuộc sống.

Sự hoàn hảo trong cuộc sống chỉ đơn giản là mục tiêu, phương hướng để mỗi người tự hoàn thiện mình. Cuộc sống vốn dĩ không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Cuộc sống chỉ hoàn hảo khi bạn biết chấp nhận, trân trọng những thứ mà bạn đang có./. 

Thiết kế một số hoạt động nhóm khi dạy truyện ngắn Hai đứa trẻ

Những kiến thức cần thảo luận
1.     Cảnh phố huyện nghèo.
2.     Tâm trạng của nhân vật Liên.
3.     Hình ảnh đối lập “ánh sáng” và “bóng tối”,  hình ảnh đoàn tàu có tác dụng gì trong tác phẩm? Những hình ảnh đó gợi cho em những suy nghĩ gì?
4.     Đặc sắc nghệ thuật, giọng văn trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Tìm hiểu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong tác phẩm.
Thiết kế một số bài tập thảo luận
Bài tập 1: Tóm tắt truyện
Mục đích:
- Giúp học sinh nắm được diễn biến truyện trước khi phân tích, nhất là đối với loại truyện không có cốt truyện như truyện ngắn của Thạch Lam.
-  Học sinh khi thảo luận nhóm sẽ phát huy năng lực tư duy phân tích; khả năng diễn đạt, thuyết trình.
Thời gian thảo luận: 1 tuần
Thời điểm tiến hành: Trước giờ học, chuẩn bị bài ở nhà.
Cỡ nhóm: 5 -  6 HS/ nhóm.
Cách tiến hành:
- GV yêu cầu học sinh về nhà đọc truyện. Sau đó sẽ học nhóm, từng thành viên trong nhóm sẽ tóm tắt truyện và nêu suy nghĩ của mình về truyện ngắn Hai đứa trẻ.
- Khi dạy xong phần tác gia, tác phẩm, GV sẽ gọi 1 – 2 nhóm lên kể lại truyện và nêu cảm nhận, suy nghĩ của nhóm.
- Các nhóm khác bổ sung.
Bài tập 2: Tái hiện cuộc sống nơi phố huyện nghèo
Mục đích:
- Giúp học sinh nắm được cảnh thiên nhiên và con người nơi phố huyện nghèo, từ đó thấy được cuộc sống tăm tối, lầm lũi của những người ở phố huyện nghèo.
-  Rèn luyện đọc – hiểu văn bản; chọn lọc chi tiết, tư duy đánh giá, phân tích; HS thấy mình có trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo; kĩ năng thuyết trình;….
Thời gian thảo luận: 10 phút
Thời điểm tiến hành: Khi tìm hiểu cảnh phố huyện nghèo.
Cỡ nhóm: 4 HS/ nhóm.
Cách tiến hành:
- GV đặt câu hỏi: “Phân tích cảnh thiên nhiên và cuộc sống của những con người nơi phố huyện nghèo lúc chiều muộn, khi đêm về, khi đợi chuyến tàu.”
- GV chia lớp thành 6 nhóm, mỗi nhóm 6 HS, GV sẽ đánh số thứ tự từ 1 đến 6 cho những thành viên trong nhóm.
- GV phân công nhiệm vụ cho từng nhóm:
+ Nhóm 1: Tìm hiểu cảnh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo lúc chiều muộn.
+ Nhóm 2: Tìm hiểu cuộc sống của phố huyện nghèo lúc chiều muộn.
+ Nhóm 3: Tìm hiểu cảnh thiên nhiên khi đêm về.
+ Nhóm 4: Tìm hiểu cuộc sống của phố huyện nghèo khi đêm về.
+ Nhóm 5: Tìm hiểu cảnh thiên nhiên khi đợi chuyến tàu về.
+ Nhóm 6: Tìm hiểu cuộc sống phố huyện khi đợi chuyến tàu.
- Thảo luận 5 -7 phút;
-  Sau khi thảo luận nhóm xong, GV bắt đầu chia nhóm lại. Số 1 của sáu nhóm trên sẽ vào một nhóm, số 2 của sáu nhóm trên vào một nhóm. Tương tự với các số thứ tự khác… Như vậy, lớp sẽ có sáu nhóm. Các thành viên trong nhóm lần lượt trình bày những gì mình đã thảo luận ở nhóm trước cho nhóm nghe. Sau đó, tiếp tục thảo luận câu hỏi: Hình ảnh bóng tối được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, tìm những hình ảnh, từ ngữ, miêu tả trong những trạng thái khác nhau. Hình ảnh bóng tối có quan hệ như thế nào đối với cuộc đời mỗi nhân vật trong phố huyện? Sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng? Hình ảnh “đoàn tàu” gợi cho em những suy nghĩ gì?
- Thời gian thảo luận: 10 phút.
- GV gọi 1 - 2 nhóm trình bày; Các nhóm khác bổ sung.
Bài tập 3: Nhân vật Liên
Mục đích:
- Giúp học sinh thấy được cảnh ngộ, lòng yêu thương, nhân ái và tâm trạng của nhân vật Liên. Tâm trạng chuyển biến từ lúc chiều tà đến đêm, khi đợi tàu. Từ đó, thấy được sự thức tỉnh ý thức cá nhân, sự nuối tiếc và ước mơ, khao khát thoát khỏi cảnh tù túng.
-  Rèn kĩ năng chọn lọc chi tiết, tư duy đánh giá, phân tích; HS khi trao đổi với nhóm sẽ khắc sâu kiến thức hơn, học hỏi, điều chỉnh kinh nghiệm của bản thân, phát huy khả năng sáng tạo; rèn kĩ năng thuyết trình;….
Thời gian thảo luận: 5-7 phút.
Thời điểm tiến hành: Khi tìm hiểu tâm trạng nhân vật Liên.
Cỡ nhóm: 4 - 6 HS/ nhóm.
Cách tiến hành:
- GV đặt câu hỏi: Tìm những chi tiết, hình ảnh khắc họa cảnh đời, tấm lòng nhân ái, diễn biến tâm trạng nhân vật Liên? Hình ảnh nhân vật Liên đã gợi cho em những suy nghĩ gì?
- Các nhóm thảo luận.
- Gọi 1 – 2 nhóm trình bày.
- Các nhóm khác bổ sung.
Bài tập 4: Đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn, giọng văn Thạch Lam
Mục đích:
- Giúp học sinh thấy được phong cách viết truyện đặc biệt của Thạch Lam: truyện mà không có chuyện, nhân vật được khai thác chủ yếu bởi tâm trạng, cảm xúc; lời văn, giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất thơ. Tìm hiểu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm.
- Rèn  tư duy đánh giá, phân tích tổng hợp; HS học hỏi, điều chỉnh kinh nghiệm của bản thân khi trao đổi với nhóm, có cơ hội nêu những suy nghĩ, ý kiến cá nhân, phát huy khả năng sáng tạo; rèn kĩ năng thuyết trình;….
Thời gian thảo luận: 5 – 7 phút
Thời điểm tiến hành: Phần tổng kết nội dung, nghệ thuật tác phẩm.
Cỡ nhóm: 4 - 6HS/ nhóm.
Cách tiến hành:
- GV đặt câu hỏi: Nêu ý kiến của em về nhận định “Truyện ngắn Hai đứa trẻ mang giá trị hiện đại và giá trị nhân văn sâu sắc?; Theo em, truyện ngắn hai đứa trẻ có gì đặc sắc về mặt nghệ thuật?”
- HS tiến hành thảo luận.
- Gọi 1 – 2 nhóm trình bày.

- Các nhóm khác bổ sung.