Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Vấn đề tiếp nhận tác phẩm Bóng đè - nhóm Kiệt, Tuấn Anh, My,....

1. Mở đầu
Văn chương là một hình thái ý thức xã hội, bắt nguồn từ đời sống, phản ánh đời sống, bày tỏ quan điểm, cách nhìn của nhà văn đối với hiện thực đời sống.  Xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu đang là cái tên được chú ý trong đời sống văn học. Truyện của Đỗ Hoàng Diệu có người thích, người chê nhưng tất cả đều phải công nhận đó là hơi thở mới. Những thông điệp về cuộc sống, về sự đổi mới có phần quyết liệt được Đỗ Hoàng Diệu chuyển đến người đọc dưới cái vỏ rất sex. Xung quanh Bóng đè có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tiếp cận tác phẩm, người đọc có những cảm xúc khác nhau, cùng với đó là những nỗi băn khoăn khó tả. Khi nghiên cứu tác phẩm Bóng đè, nhóm chúng tôi muốn đưa ra những ý kiến khác nhau của các nhà phê bình, độc giả cũng như ý kiến cảm nhận của nhóm về tác phẩm để góp thêm cái nhìn đúng đắn, khách quan về tác phẩm.
2. Lịch sử vấn đề
Vừa xuất hiện trên tạp san Hợp Lưu, Bóng đè đã gây kinh ngạc cho nhiều người, xôn xao văn giới hải ngoại và rồi trong nước, nhất là khi truyện được đưa vào tuyển Văn Mới 2005 - NXB Hội Nhà văn.
Tổng quan về sự tiếp nhận Bóng đè, chúng tôi tạm thời phân biệt thành hai xu hướng: khen ngợi và phê phán.
Xu hướng thứ nhất là khen ngợi. Trong nhóm này có Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên,…
Nhà văn Nguyên Ngọc thì ca ngợi nhiệt tình: “Truyện  ngắn Đỗ Hoàng Diệu toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà…Những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu là những người phụ nữ phải gánh chịu “cả một quá khứ phi phàm”, bị đeo đuổi vì một thứ “tội tổ tông”, “quá thông minh nhưng quá cả tin”… (Dương Phương Vinh, Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: “Bóng đè là truyện đứng tên chung cả tập, rất tiêu biểu. Nó đầy tượng trưng, đầy ám ảnh. Nó là cả một thời đại, một lịch sử, một thân phận lớn. Đây là một truyện ngắn gần như trọn vẹn.” (Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Người đàn bà bị bóng đè có bàn tay thanh tao)
Một số đông người hâm mộ Đỗ Hoàng Diệu đã công khai trên các diễn đàn văn học nhìn nhận chị như một tài năng, Bóng đè  là truyện mạnh nhất của chị “cả về ý tứ lẫn văn phong, xứng đáng là hiện tượng”...
Theo Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, “chị đã dám dấn thân “lặn ngụp trong vực thẳm rẩy nóng của chính mình và phát ra tiếng kêu khát khao hạnh phúc”. Dấn thân để kiếm tìm cái “tôi” đầy nữ tính trong những ràng buộc định mệnh, dấn thân để khám phá chiếc bóng của đời mình, anh cho rằng  nhân vật của Diệu là một chiếc bóng thân phận: “chúng cũng sống động như thân thể tôi khát thèm vực thẳm”, “chúng tôi không biết chọn lựa vì cơ thể chúng tôi đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối ban phát”.
Với nhà báo Văn Quang, “Lối viết của Đỗ Hoàng Diệu mạnh mẽ, đầy cá tính, tự tin, văn phong của cô mới mẻ tạo thành một sắc thái rất đặc trưng của Đỗ Hoàng Diệu. Lối diễn tả của cô trắng trợn, không nề hà bất cứ một hành động nào trong một cuộc ái ân giữa một cặp trai gái hoặc ngay khi bị ông bố chồng như cái bóng nhào ra ghì lấy cô con dâu với đầy đủ những thú tính cuồng nộ”. (Ngô Thị Thu Thủy, Một cách tiếp nhận “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu)
Bài viết Sức mạnh ám gợi và tưởng tượng trong “Bóng đè” của Hoàng Tố Mai đã khẳng định giá trị của tác phẩm: “Nhiều người không thích "Bóng đè". Nhưng số người thích nó vẫn đông hơn. Và dù thích hay không thích thì người ta không thể phủ nhận ấn tượng "Bóng đè" để lại. Lâu lắm mới có một truyện ngắn đặc sắc như vậy” và liên tưởng đến tác phẩm “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp “Đó là đoạn bút ký của nhân vật người Pháp tên Phăng, y là một trong số vài người châu Âu giúp việc cho vua Gia Long. “Đặc điểm lớn nhất của xứ này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng”. Đây là đoạn viết ấn tượng nhất trong “Vàng lửa”. Nó cũng là một trong những phát ngôn nặng ký nhất xuất hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Gần hai mươi năm sau Đỗ Hoàng Diệu đã công khai minh họa nó bằng một tác phẩm không kém phần ấn tượng: Bóng đè”.
Như vậy, Bóng đè được quan tâm trên cả phương diện hình thức lẫn nội dung tư tưởng. Người khen cho thấy một Bóng đè nhuần nhị, tự nhiên, mạnh bạo, nữ tính, quyết liệt trong cách viết, biểu hiện bứt phá, sức truyền đạt của một giọng văn cùng phong cách nổi loạn tràn lấp nhục cảm ở tác giả này; sâu sắc, đầy ẩn dụ khi thể hiện “một trạng thái truyền kiếp của dân tộc, với những người phụ nữ bị đeo đuổi vì “một thứ tội tổ tông” “vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà”.
Xu hướng thứ hai là phê bình, phê phán Bóng đè  kịch liệt, gay gắt. Đây là những độc giả công khai chỉ trích tác giả trên nhiều bình diện. Ấn tượng mà những độc giả này gặp phải đầu tiên đó là “quái dị và ghê rợn”, “lợm mửa”; nhẹ nhàng hơn thì “sexy một cách lộ liễu và thông điệp còn lộ liễu hơn”. Nặng hơn là những bạn đọc trên các diễn đàn không tiếc lời phê phán Diệu trên phương diện tư cách nhà văn là “quá khích”, “đáng sợ”, “phi luân” và “thấy ghê sợ khi chị ta lấy bố chồng là liệt sĩ ra để mà viết, dù trong văn học, mọi sự phóng đại đều là có thể. Nhưng trong con mắt Á Đông, hãy để người chết ngủ yên.” (Ngô Thị Thu Thủy, Một cách tiếp nhận “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu)
 Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng bày tỏ anh “không hoan nghênh”, cho rằng Đỗ Hoàng Diệu “không có văn”.
Theo Thanh Sơn, Đỗ Hoàng Diệu là “nhà văn của một nền văn chương già nua đang hấp hối...đại diện cho một lớp trẻ lười biếng, nghèo nàn về tinh thần, sống lạc hậu và hời hợt”. Ông cho rằng Bóng đè chỉ đơn thuần viết về tính dục trong nghĩa thấp kém của từ này, và được viết “một cách sống sượng...nhân vật không có một cuộc sống tinh thần và tình yêu thương với con người”. (Vi Khanh, Đỗ Hoàng Diệu có còn nỗi loạn?)
Những người thuộc xu hướng phê phán thì xem Bóng đè dưới hình thức một truyện khiêu dâm, hình thức “thiếu trang nhã” nếu như không muốn nói là thô bỉ. Ngập tràn trong 38 trang truyện là những “sự cương cứng thúc lên”, “cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào”, “bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man”, “cắt trọn trong một cú thọc sâu”, “nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ”… “cú thúc từ phía sau”, những “bóp nát, bục vỡ, khoan sâu”, những bộ ngực “cương cứng vì thèm khát”, những cào cấu cắn xé, những “âm thanh ập è sin sít”, “hơi thở đều đều vung vãi”.. nhào nặn nên một người đàn bà ngập ngụa trong thèm khát và thỏa mãn tính dục trong những cuộc hoan lạc phi luân với tổ tiên nhà chồng. Đề tài cũng không thoát ra khỏi ám ảnh dục tính. Họ cho rằng những tư tưởng mà tác giả úp mở, gán ghép cho nó chỉ là những áp đặt sống sượng và những gì tác giả viết thực ra chẳng có gì mới, có chăng, Hoàng Diệu chỉ mới với chính mình.
Trước nhiều ý kiến về tác phẩm, Đỗ Hoàng Diệu cũng có lần phân trần cho truyện ngắn của mình: “Tôi không viết về tình dục. Tôi viết về những điều khác và tôi mượn tình dục để đề cập những vấn đề đó”, “Đó là nhân vật yêu chứ không phải tôi”. (Dương Phương Vinh, Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão)
Chúng tôi thấy rằng có nhiều vấn đề, ý kiến bình luận khác nhau về truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Tiếp cận tác phẩm ở góc độ nào để có cái nhìn đúng đắn và khách quan để thẩm định giá trị của tác phẩm là điều thiết yếu của những người nghiên cứu, phê bình và thưởng thức văn học.
3. Quan điểm tiếp thu của nhóm
Tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã tạo ra một tiếng vang lớn dưới nhiều bình diện khác nhau. Có rất nhiều ý kiến, phê bình, các bài nghiên cứu… xung quanh tác phẩm nhưng nhìn chung có thể gộp theo hai xu hướng: khen ngợi và phê phán. Như đã viết, phía phê phán chung quy cho rằng: Bóng đè là một truyện sex thuần túy, chẳng có gì hay, mới lạ, còn phía ca ngợi thì xem Bóng đè giống như một thông điệp văn hóa. Ở đây chúng tôi không tách bạch ra một hướng riêng biệt, bởi khi tiếp cận tác phẩm ở những góc độ khác độ khác nhau sẽ có những vấn đề, những giá trị riêng biệt.
Trước hết chúng tôi thấy là một nhà văn nữ, Đỗ Hoàng Diệu đã hết sức mạnh dạn khi viết về đề tài tính dục và đó như là một phương tiện nghệ thuật để nhà văn chuyển tải những quan điểm của mình. Chị đã làm nổi bật lên khát vọng rất đổi mạnh mẽ nhưng cũng rất trần tục của người phụ nữ trong cuộc sống vợ chồng- khát vọng hạnh phúc ái ân mĩ mãn.  Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện một vấn đề sâu thẳm bên trong của mỗi con người - vấn đề đấu tranh giữa lí trí với dục vọng mà thật khó để lí trí giành chiến thắng. Ở đây, qua diễn biến tâm lý của nhân vật tôi sau mỗi lần bị “bóng đè”, chúng ta sẽ thấy rằng nhân vật  đã để cho lí trí bị lấn át bởi dục vọng để được những giây phút khoái cảm, thỏa mãn về xác thịt và rồi sau đó cô phải chịu sự giằng xé hết sức đau đớn của lương tâm. Vì sao lại như vậy? Truy tìm nguyên nhân, chúng ta lại thấy xuất hiện một vấn đề: vấn đề thân phận, quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ. Là con người ai cũng có nhu cầu, khát vọng được sống hạnh phúc và người phụ nữ trong tác phẩm này cũng thế. Khát vọng của cô mạnh mẽ vô cùng và chính vì thế khi sống trong gia đình chồng _ một gia đình phong kiến với sự khắc khe của hủ tục đã nhanh chóng đẩy cô rơi vào cảm giác của nỗi cô đơn cùng với sự ám ảnh đáng sợ. Nhưng, là một người phụ nữ thành thị tiến bộ, cô không hề cam chịu mà phản kháng đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Dù rằng sự phản kháng đó đi từ chỗ đấu tranh đến thỏa hiệp và cuối cùng là bất lực. Tuy nhiên, cũng rất đáng trân trọng vì Đỗ Hoàng Diệu đã khẳng định được giá trị con người. Sâu trong tâm hồn nhân vật tôi, cô cảm thấy vô cùng đau khổ, cô vẫn chỉ mơ ước là một người phụ nữ bình thường được sống hạnh phúc bên chồng chứ không phải là trong tội lỗi với bóng ma. Điều này đã được tác giả một lần nữa khẳng định ở cuối tác phẩm với chi tiết “bàn tay”: Chúng tôi bất lực, chỉ còn những ước mơ mà không chiếc bóng nào có thể tước đoạt. Tôi đưa tay mình ra ánh sáng. Nắng lung linh trên năm ngón tay dài ngắn thanh tao lạ thường. Chiến tranh, giông gió, bão lũ, hạn hán, tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn. Tôi đinh ninh điều ấy. Con tôi sẽ có bàn tay của mẹ. Một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ tự do cho dù bị thân thể buộc trói. Nắng tắt, mà bàn tay vẫn óng ánh kỳ diệu”. Chi tiết này chính là điểm nhấn của tác phẩm, qua đó tác giả muốn khẳng định rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vẻ đẹp của con người sẽ luôn tồn tại, cho dù đôi lúc đã bị khuất lấp bởi những cái xấu xa, đen tối.
Bóng đè còn là sự đấu tranh phản kháng đối với những tập tục cổ hủ, nó như một nỗi ám ảnh, một “chiếc bóng” đè nặng lên người phụ nữ. Cụ thể là sự đấu tranh của nhân vật tôi và gia đình nhà chồng. Chi tiết “bát nhan bị đốt cháy” giống như sự thách thức của một cô gái mạnh mẽ muốn đốt cháy hết những phong tục cổ xưa đã có từ lâu đời trong gia đình chồng. Trong cái gia đình này, người ta xem cô như một công cụ để duy trì nòi giống và phải thực hiện nghĩa vụ của một nàng dâu trưởng – “hàng năm phải về cúng mười sáu cái đám giỗ”. Nó làm cho cô cảm thấy luôn bị ám ảnh và ngạt thở. Tiếp đến những định kiến khắt khe lâu đời đã hình thành nên một bà mẹ chồng khắt nghiệt, một cô em chồng đanh đá và một người chồng thờ ơ, vô tâm như Thụ. Chính những điều này đã tạo ra một khoảng cách vô hình giữa nhân vật tôi với những người bên gia đình chồng, làm cho cô cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong gia đình ấy. Từ ấy, càng làm tăng thêm cảm giác mơ hồ, bị “bóng đè” của cô gái và vì thế cô càng trượt dài trong nỗi cô đơn cùng cảm giác tội lỗi, sự mâu thuẫn mãnh liệt giữa lí trí và dục vọng. Nó như một ngọn lửa ngày đêm không ngừng bốc cháy thiêu đốt con người cô, làm cho cô ngày càng rơi sâu vào bi kịch. Qua những suy nghĩ của nhân vật tôi, chúng ta có thể thấy được thân phận người phụ nữ trước những năm hai mươi là vô cùng nhỏ bé. Với Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu rất thành công khi xây dựng nhân vật tôi để gởi đến người đọc nhiều tầng ý nghĩa ẩn sâu trong lớp ngôn ngữ đầy mạnh mẽ, táo bạo ấy. Tác phẩm đặt ra vấn đề số phận, quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ không chỉ là xã hội xưa mà ngay cả trong hiện tại. Là sự đấu tranh giữa lí trí và dục vọng, đấu tranh cho khát vọng được tự do về mặt tinh thần và chống lại những tập tục lạc hậu, cổ hũ có từ ngàn xưa để giành lại hạnh phúc chính đáng cho người phụ nữ.
 Tuy nhiên, tiếp nhận những mặt thành công điều đó không có nghĩa là tác phẩm này hoàn hảo. Chúng tôi thấy rằng khi viết Bóng đè, dù Đỗ Hoàng Diệu với ý thức là đề cao khát vọng trần tục của người phụ nữ. Nhưng nhà văn đã cho nhân vật của mình thỏa mãn dục vọng  bằng cách chà đạp lên luân thường đạo lý. Và đó chính là phần nào còn hạn chế của tác phẩm. Vì người phụ nữ Việt Nam dù khát vọng đến đâu cũng không bao giờ đồng lõa với sự loạn luân. Chính vì vậy, nhân vật tôi không phải là nhân vật điển hình cho người phụ nữ Việt Nam mà chỉ là mẫu người tiêu biểu cho một bộ phận rất hiếm sống theo kiểu “nổi loạn”, bất chấp cả truyền thống đạo đức. Điều này làm cho Bóng đè không được nhiều độc giả chấp nhận. Hơn nữa, ở phần cuối tác phẩm, Đỗ Hoàng Diệu đã bộc lộ một nét hạn chế trong tư tưởng bởi cái nhìn bi quan về thế hệ tương lai khi khẳng định thế hệ ấy cũng bất lực trước dục vọng, sẽ đồng lõa với bóng ma. Cuối cùng trong tác phẩm, Đỗ Hoàng Diệu nhắc nhiều đến yếu tố nguồn gốc Trung Hoa của nhà Thụ. Điều này làm cho người tiếp nhận tác phẩm hiểu tác phẩm mang tính chất chính trị. Trong khi đó vấn đề chính trị là vấn đề lớn của cả dân tộc, còn tính dục là nhu cầu thuộc về nhu cầu cá nhân của con người. Vì thế khi bị “cưỡng hiếp” một số cá nhân có thể chấp nhận nhưng “cưỡng hiếp” cả một dân tộc thì điều này không thể chấp nhận. Nhà văn vẫn chưa thật khéo léo khi muốn lên tiếng phản đối những tập tục lạc hâu bằng việc lồng ghép vào nguồn gốc gia đình Thụ, đây là một vấn đề hết sức tế nhị và nhạy cảm cần phải được xem xét cẩn thận khi tiếp nhận tác phẩm. Vì yếu tố này liên quan nhiều đến chính trị và mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc. Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, vấn đề chính trị và an ninh quốc gia vô cùng phức tạp nên việc sử dụng yếu tố này vào tác phẩm sẽ gây nhầm lẫn cho người đọc và làm giảm đi phần nào ý nghĩa của tác phẩm.
4. Kết luận
Xuất hiện trên diễn đàn văn học, Đỗ Hoàng Diệu đã ghi lại hình ảnh của người phụ nữ đương đại và cũng là ghi lại tên tuổi của chính mình. Bóng đè của Hoàng Diệu có ý nghĩa lớn lao. Tác giả đã phá đi hàng rào cấm kị để đi sâu vào khám phán bản chất nhân văn của con người, tức là phơi bày, vạch trần cái xấu, cái chưa tốt là bày tỏ mong muốn con người được tốt hơn. Văn học là phải nhìn thẳng vào sự thật để lên tiếng và Bóng đè của Hoàng Diệu là một tác phẩm như thế.
Tiếp nhận văn học sẽ không bao giờ là vấn đề cũ chừng nào còn sáng tạo nghệ thuật, sáng tác văn học. Tiếp nhận văn học sẽ không bao giờ đồng nhất bởi có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau khi tiếp nhận tác phẩm. Chính điều này sẽ là một yếu tố không nhỏ tạo nên sự phát triển, tiến bộ cho phê bình, tiếp nhận và sáng tạo văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. 

* Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Hoàng Diệu, Bóng đè, NXB Đà Nẵng, 2007.
2. Nguyễn  Hòa, Tác phẩm “Bóng đè” - Phê bình nói “mớ” (Nguồn: Nguyễn Hòa , Bàn phím và cây búa, NXB Văn học, 2007).
3. Trần Yên Hòa, Từ “Bóng đè” đến “Cánh đồng bất tận” (Nguồn: http://www.xuquang.com)
4. Lê Anh Hoài, Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu (Nguồn: Nguồn: http://www.vanchuongviet.org)
5. Vi Khanh, Đỗ Hoàng Diệu có còn nỗi loạn (Nguồn: http://www.tienphong.vn)
6. Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Người đàn bà bị bóng đè có bàn tay thanh tao (Nguồn: http://www.thotre.com)
7. Đỗ Ngọc Thạch, Ba cây bút nữ đại náo văn đàn 
đầu thế kỉ XXI
(Nguồn: http://newvietart.com)
8. Ngô Thị Thu Thủy, Một cách tiếp nhận “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu (Nguồn: http://marjoriethuy.blogspot.com)
9. Dương Phương Vinh, Đỗ Hoàng Diệu và “Bóng đè” trong ngày giông bão (Nguồn: http://www.vietbao.vn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét