Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Vấn đề con người trong thơ Hồ Xuân Hương - nhóm 2

1. Mở đầu
Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nền văn học dân tộc trong suốt thời kì phong kiến. Văn học giai đoạn này có một diện mạo riêng với một lực lượng sáng tác hùng hậu và những sự đổi thay với nhiều khuynh hướng phức tạp, với những đặc điểm rất nổi bật. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi về quan điểm sáng tác và tư tưởng nghệ thuật. Các tác giả trong giai đoạn này có nhiều quan điểm rất tiến bộ, đặc biệt là về con người. Vấn đề con người và “cái tôi” cá nhân trong giai đoạn này được nhắc đến một cách đậm nét hơn so với giai đoạn văn học trước. Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu và khá phức tạp. Thơ bà mang đậm tính nhân văn, từ những hình tượng nghệ thuật được sử dụng ta thấy Hồ Xuân Hương có một quan niệm tiến bộ về cuộc sống và con người. Con người trong thơ bà hiện lên với đầy đủ những nhu cầu, khát vọng đời thường. Bà khẳng định chỉ có con người trần tục với những khát khao và khả năng trần thế hiện thực. Con người đó có nhu cầu hưởng hạnh phúc lứa đôi, tình yêu chung thủy, thắm thiết với đời nhưng thiên về nhục cảm bản năng. Con người đó sẵn sàng mở rộng tấm lòng chào đón tất cả những gì tươi tắn, trẻ trung và như muốn chan hòa sức sống của mình vào thiên nhiên, cảnh vật. Có thể nói con người, quyền sống con người và những cảm xúc về tình yêu, khát vọng hạnh phúc là vấn đề nổi bật trong thơ của nữ sĩ.
Với những quan điểm tiến bộ về con người và cuộc sống, Hồ Xuân Hương đã dũng cảm lên tiếng phê phán những hạng người và những lí thuyết xa lạ với cuộc sống trần thế. Ngoài ra, bà còn đi sâu miêu tả nỗi đau của những con người bất hạnh trong xã hội, tiêu biểu là người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng.
Hiện nay, do tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương vẫn chưa nhất quán nên chúng tôi chỉ khảo sát “vấn đề con người” trong một số bài thơ Nôm tiêu biểu, thông qua hệ thống hình tượng vốn đã được tác giả chọn lọc rất tinh tế nhưng lại rất bình dị và gần gũi với đời sống. Khi nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh con người hiện lên ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau: con người vũ trụ, con người xã hội và con người cá nhân. Tất cả được thể hiện với một cái nhìn mới lạ và độc đáo.
2. Con người vũ trụ
Hồ Xuân Hương – một hiện tượng văn học độc đáo của văn học Việt Nam trung đại, độc đáo bởi nhiều lẽ. Nhưng độc đáo hơn cả là quan niệm về con người. Trong thơ, Hồ Xuân Hương nhìn nhận con người ở nhiều góc độ khác nhau. Trước tiên, con người được nhìn nhận ở góc độ con người vũ trụ. Con người vũ trụ ở đây được hiểu là con người trong mối quan hệ với vũ trụ, với thiên nhiên. Con người là một thực thể của vũ trụ, mang dấu ấn của vũ trụ - thiên nhiên:
“Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt,
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già dặn,
Chả trách người ta lúc trẻ trung.”
(Đá ông chồng bà chồng)
Những khối đá vô tri vô giác khi đi vào thơ Nôm Hồ Xuân Hương bỗng như có hồn, đã chuyển hóa thành một đôi tình nhân vượt lên thời gian và tuổi tác sống thủy chung trong tình yêu nồng nàn.
Con người liên kết với vũ trụ, đối sánh với thiên nhiên, gắn bó chặt chẽ nhưng không chìm khuất trong vũ trụ, không bị thiên nhiên vùi lấp hay xóa mờ:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
(Tự tình II) 
Rõ ràng con người không chỉ là một cá thể của vũ trụ, một vũ trụ nhỏ nữa mà con người đã trở thành trung tâm của vũ trụ. Vì thế, nỗi buồn nhân thế của con người là nỗi buồn lớn lao, bao trùm cả không gian, thời gian trong thế tương quan giữa con người và vũ trụ - thiên nhiên.
Con người trong thơ Hồ Xuân Hương không có cảm giác rợn ngợp, nhỏ bé trước vũ trụ - thiên nhiên mà lại thấy vũ trụ - thiên nhiên thân quen, gần gũi như một người bạn tri âm, tri kĩ:
 “Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
... Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non?”
(Hỏi trăng)                        
Trăng là một hình ảnh của vũ trụ, của thiên nhiên, Hồ Xuân Hương miêu tả trăng để thể hiện sự giao hòa tình cảm say sưa giữa con người với thiên nhiên. Sự giao hòa đạt tới tình cảm gần gũi, thân thiết. Ngắm nhìn trăng giữa trời đêm, nhà thơ không cảm nhận sự huyền bí, xa lạ mà nhà thơ lại bắt gặp ở “chân dung” của vầng trăng muôn thuở: Đẹp như một mĩ nữ và lãng mạn như tình nhân đang chờ đợi, đắm say trong cõi mộng của ái tình.
Viết về con người vũ trụ, Hồ Xuân Hương đã thể hiện quan điểm nghệ thuật tiến bộ, bà đã vượt lên trên quan điểm truyền thống xem thiên nhiên là thước đo, chuẩn mực để đánh giá con người. Nữ sĩ đã đặt con người đứng trước thiên nhiên, là trung tâm của vũ trụ. Chính con người đã làm nên vẻ đẹp của thiên nhiên.
3. Con người xã hội
3.1. Con người xã hội có địa vị cao – tầng lớp trên
Khi tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một trong những vấn đề không thể bỏ sót là hệ thống hình tượng thơ. Ở đó, vấn đề con người xã hội được đặt ra một cách bao quát và đa dạng với nhiều tầng lớp người. Những nhân vật thuộc tầng lớp trên - có địa vị cao trong xã hội phong kiến từ vua, chúa, anh hùng, hiền nhân, quân tử, … được Hồ Xuân Hương miêu tả và bộc lộ quan niệm của mình về họ khá rõ ràng. Họ là những người có khao khát bản năng, ham muốn trần tục mãnh liệt đến mức thái quá:
“Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này.”
(Vịnh quạt II)
“Hiền nhân quân tử ai là chẳng,
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.”
(Đèo Ba Dội)
Trong xã hội phong kiến, giai cấp thống trị cố dùng những từ ngữ đẹp đẽ để tô điểm cho cái địa vị cao thượng của họ. Nào là “thiên tử”, “lương tướng”, “quân tử”…. Nhưng Xuân Hương lại phủ nhận tất cả. Nhà thơ xé toạt hết các bộ mặt nạ giả dối, lột trần hết những chiếc áo đạo đức cũn cỡn để chúng lộ nguyên hình là một lũ bịp bợm, dối đời và dối người. Tuy Hồ Xuân Hương đả kích bọn người này một cách mạnh mẽ, gay gắt nhưng không phải để vùi dập họ, mà nữ sĩ như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, giúp họ thoát khỏi những khao khát, ham muốn trần tục thái quá.

3.2. Con người xã hội có địa vị thấp – tầng lớp dưới
Viết về “con người xã hội”, Hồ Xuân Hương không chỉ đưa ra quan niệm về con người xã hội có địa vị cao - tầng lớp trên mà còn bộc lộ tư tưởng qua cả những con người xã hội có địa vị thấp - tầng lớp dưới; đó chính là những trí thức nhà trường (“anh đồ”, “học trò”) và trí thức nhà chùa (“nhà sư”)…Tất cả đều được phơi bày một cách chân thật và rõ nét dưới ngòi bút sắc bén của Hồ Xuân Hương. Bà đã dũng cảm lên tiếng phê phán phủ nhận mạnh mẽ những con người này - những kẻ đọc sách thánh hiền mà lòng gian xảo, nham nhở; xuất gia tu đạo mà ham muốn vật dục vô chừng!
Đối với những “anh đồ” nham nhở, giả dối, nhút nhát, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đả kích mạnh mẽ:
 “Anh đồ tỉnh! Anh đồ say!
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày.”
(Trách Chiêu Hổ I)
“Sao nói rằng năm lại có ba,
Trách người quân tử tính sai ra…”
(Trách Chiêu Hổ II)
“Gầm ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè.”
(Trách Chiêu Hổ III)
Rồi đến những anh “học trò” dốt nát nhưng tự phụ, Hồ Xuân Hương cũng thẳng tay vạch trần:
“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng hút dậu thưa.”
(Mắng học trò dốt I)
Họ không lượng tài sức non nớt, yếu kém lại thích khoe khoan đến viếng thăm chùa lại đề thơ, vịnh ngay lên vách:
“Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quết trả đền.”
(Mắng học trò dốt II)
Đối với những hạng người này, Hồ Xuân Hương đả kích rất mạnh mẽ và không thương tiếc. Bà cũng không ngần ngại đả kích cả những nhà sư tu đạo không chân chính - những kẻ lợi dụng cảnh chùa để làm nhiều điều sai trái. Viết về họ, Hồ Xuân Hương đều cho cái tục xuất hiện một cách trực tiếp bằng lối nói láy với hàm ý khinh ghét:
 “…Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.”
(Kiếp tu hành)
Ngoài ra bà đã vạch ra những cái cảnh chướng tai, gai mắt của những nhà sư chỉ có đạo đức ở bộ áo cà sa, còn lòng dạ thì vấn vương trần tục hơn những kẻ không tu hành:
“Chẳng phải Ngô mà chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lóc áo không tà.
… Tu lâu có lẻ lên sư cụ,
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà.”
(Chế sư)
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ có quan niệm nhân sinh tiến bộ. Bà khẳng định chỉ có con người với khát vọng trần tục, thực tế. Và đó là những khát vọng tự nhiên của con người. Xuất phát từ quan niệm ấy mà bà căm ghét những gì trái với cuộc sống tự nhiên, trái với quy luật sinh tồn của con người. Đối với nữ sĩ, đi tu đã là trái với tự nhiên, mà bọn này đi tu không phải là chân tu. Những con người này có đến hai lần giả dối, do vậy mà nữ sĩ đã bộc lộ sự khinh ghét, sự ghê tỏm cực độ với loại người này.
Nhìn chung, viết về con người xã hội có địa vị thấp – tầng lớp dưới, Hồ Xuân Hương chú ý nêu bật sự đối lập giữa hình thức bên ngoài với bản chất bên trong của con người để tạo nên một tiếng thơ trào phúng rất sâu cay. Bà mong muốn vạch ra chỗ bất thường, thối nát của xã hội để đả kích và cảnh tỉnh con người.
3.3. Con người dưới đáy xã hội – tầng lớp bình dân
Những con người dưới đáy xã hội – tầng lớp bình dân xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương là những người phụ nữ lao động, người phụ nữ bình dân với nhiều nỗi đau, bất hạnh. Những cảm xúc khổ đau khi viết về người phụ nữ gần như thấm đẫm các trang viết của nữ sĩ. Nỗi đau ấy thể hiện trong thơ Hồ Xuân Hương rất tập trung, nổi bật.
Nỗi đau của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương trước hết là nỗi đau không được làm chủ cuộc đời. Có thể nói không có sự lệ thuộc nào bằng sự lệ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, lễ giáo, tập tục đã biến người phụ nữ thành vật sở hữu của cánh đàn ông - là vật sở hữu của cha, của chồng. Đặc biệt là thuyết tam tòng gần như đã biến người phụ nữ thành một tội nhân. Suốt cuộc đời họ phải sống trong sự phụ thuộc: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Họ bị tước đoạt hết mọi quyền lợi, kể cả quyền được yêu, quyền được làm chủ cuộc đời mình. Là một phụ nữ nên Xuân Hương rất thấu hiểu nỗi đau riêng tư này, do đó nữ sĩ đã giành nhiều lời thơ tâm huyết để nói về nỗi đau không được làm chủ cuộc đời của người phụ nữ (Bánh trôi nước, Tự tình III).
Nỗi đau của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương là nỗi đau của thân phận làm lẽ. Trong cuộc đời cũ, làm lẽ là một hiện tượng khá phổ biến, bởi xã hội phong kiến cho phép nam giới có quyền năm thê bảy thiếp. Thế nhưng trong nền văn học cổ, nếu không kể đến mảng văn học dân gian, thì Hồ Xuân Hương vẫn là nhà thơ đầu tiên viết một cách sâu sắc về nỗi đau tái tê này của phụ nữ. Hồ Xuân Hương nêu lên được một điển hình nổi bật của chế độ hôn nhân phong kiến. Xã hội phong kiến bắt người phụ nữ phải chuyên chính một chồng trong khi cho phép đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp. Bài thơ Làm lẽ là lời tố khổ bởi lời thơ được cất lên từ nơi sâu thẳm của cõi lòng của một con người hiểu đời, trải đời và bài thơ cũng là lời đấu tranh cho quyền sống của người phụ nữ lao động.
Người phụ nữ trong thơ nữ sĩ còn mang nỗi đau của sự dở dang. Nếu ở bài Làm lẽ là sự phản uất chua xót đối với chế độ đa thê bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng, thì bài Không chồng mà chửa là một lời nói rất mực khoan dung, độ lượng với cảnh ngộ không may của họ. Đó là những người phụ nữ gánh chịu những nỗi đau của sự dở dang:
“Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng!
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nẫy nét ngang.
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao thế miệng lời chênh lệch,
Không có nhưng mà có mới ngoan.”
Bên cạnh những nỗi đau trên, Hồ Xuân Hương còn đồng cảm, bênh vực cho  nỗi đau của khát vọng tình duyên không toại nguyện của người phụ nữ. Trong những vần thơ của mình, nữ sĩ đã bộc lộ những khát vọng về tình yêu đôi lứa rất giản dị, chân thành và chính đáng của người phụ nữ. (Mời trầu, Tự tình I và II).
 Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vừa có tiếng cuời, vừa có tiếng khóc. Nữ sĩ khóc cho cuộc đời mình và cũng khóc cho cuộc đời tủi nhục ê chề của biết bao  người phụ nữ. Cuộc đời của họ chưa bao giờ có được sự viên mãn, đủ đầy hạnh phúc. Song thơ của nữ sĩ còn là khúc hát rạo rực ngợi ca. Nhà thơ đã thực sự tự hào, thực sự kêu hãnh về vẻ đẹp của người phụ nữ: vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tài năng trí tuệ, vẻ đẹp hình thể.
Thơ của Hồ Xuân Hương nói khá nhiều đến vẻ đẹp tâm hồn, đến những vẻ tinh thần nói chung của người phụ nữ Việt Nam. Đó là sự trinh trắng, phẩm chất kiên trinh, tấm lòng thuỷ chung son sắt, đức hi sinh cao cả, nghị lực chịu đựng, tình cảm thiết tha, khát vọng sống mãnh liệt, tấm lòng vị tha hết mực...Trong bài thơ Đề tranh tố nữ nhà thơ đã ca ngợi khát vọng tuổi xuân, sự trinh trắng của người phụ nữ. Ở bài thơ Bánh trôi nước nhà thơ đã ca ngợi, đề cao, trân trọng phẩm chất kiên trinh của người phụ nữ. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn giữ được “tấm lòng son” của mình.
Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương rất tha thiết yêu đời, sẵn lòng với đời nhưng đời bạc bẽo quá, đời đã quay lưng với khát vọng, mơ ước của họ. Nói giùm tiếng lòng của người phụ nữ, Xuân Hương như đã dốc hết lòng mình vào thơ. Vì thế người phụ nữ với cảm xúc về tình yêu, với khát vọng hạnh phúc là hình ảnh nổi bật trong thơ của nữ sĩ.
Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của  người phụ nữ, Hồ Xuân Hương còn ca ngợi vẻ đẹp của tài năng trí tuệ. Xã hội phong kiến vốn là xã hội nam quyền, xã hội mà quan niệm trọng nam khinh nữ, đặc biệt là quan niệm phủ nhận tài hoa của người phụ nữ đã trở thành quan niệm chủ đạo, chính thống. Trong xã hội ấy, người ta chỉ có thể ca ngợi đức hạnh của người phụ nữ. Điều đó xuất phát từ quan niệm áp bức và quan điểm hưởng thụ của giai cấp thống trị. Sống và sáng tác trong hoàn cảnh xã hội ấy thế mà Hồ Xuân Hương đã dám khẳng định tài năng, đã dám lên tiếng đấu tranh đòi phát triển tài năng của người phụ nữ. Qua những bài thơ của Hồ Xuân Hương, chúng ta thấy được nữ sĩ rất có ý thức về tài năng, vị thế của người phụ nữ. Do ý thức được tài năng nên người phụ nữ trong Đề đền Sầm Nghi Đống đã tuyên bố không chịu thua cuộc sống, không chịu thua nam giới. Con người này muốn vượt cái phận làm trai, muốn được hành động như những trang nam nhi chứ không phải muốn biến gái thành trai. Hồ Xuân Hương đã đặt vị thế của người phụ nữ trên cả các đấng nam nhi. Do vậy, khi nhìn lại khả năng của mình, người phụ nữ này đã nhổ toẹt vào “sự anh hùng” của tên tướng bại trận Sầm Nghi Đống:
“Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
Bên cạnh những vẻ đẹp ấy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn đặc biệt chú ý đến vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Có thể nói, Hồ Xuân Hương là nhà thơ hiếm hoi công khai ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Ở bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày, nữ sĩ đã miêu tả rất độc đáo, bởi bà chú ý đến những bộ phận thân thể được giấu kín của con người. Những bộ phận đó văn học trung đại thường né tránh hay không dám nói tới, những luật lệ phong kiến phủ nhận, riêng nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại nhìn thấy đó chính là một trong những biểu hiện của vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đòi hỏi xã hội phải xác nhận và khẳng định vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ với một tấm lòng tự hào. Ở vào thời đại Hồ Xuân Hương, việc ca ngợi vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ là một việc làm hết sức dũng cảm, tiến bộ và mang tính nhân văn tốt đẹp.
4. Con người cá nhân
Con người cá nhân trong thơ Hồ Xuân Hương được thể hiện một cách toàn diện và sâu sắc. Con người cá nhân trong thơ Hồ Xuân Hương là con người có cái “tôi” ý thức về mình, cá tính và đầy bản lĩnh.
Con người cá nhân bản năng đã trở thành hình tượng điển hình, xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm thơ Nôm của bà. Một con người hội tụ đầy đủ vẻ đẹp từ hình thể đến tâm hồn, và nhu cầu trần tục rất con người:
 “Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.”
 (Thiếu nữ ngủ ngày)
Vẻ đẹp thanh tân của người con gái thơ mộng như Bồng Đảo, nguyên sơ như Đào Nguyên đã dần hé lộ, người “quân tử” đứng trước “tòa thiên nhiên” không tránh khỏi động lòng, “dùng dằng” giữa bản năng và lí trí. Bà chúa thơ Nôm không chỉ mạnh dạn đề cao vẻ đẹp đường nét, mà còn đề cập đến nhu cầu tự nhiên của con người. Xuân Hương đã vận dụng khéo léo nghệ thuật nói lái để nhấn mạnh quan hệ tình dục của con người là một nhu cầu bản năng trần thế:
“Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.”
(Quán Khánh)
Mỗi câu thơ là cách nói ví von, so sánh hay ước lệ hình tượng để miêu tả bộ phận trên cơ thể và quan hệ nam nữ. Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ hiếm hoi dám nói thẳng, nói đúng với suy nghĩ của mình, nói hộ những ai chưa dám thổ lộ vì quan niệm đạo đức nho gia cho đó là điều cấm kị. Thơ Hồ Xuân Hương tục mà thanh, nhu cầu ân ái của thế gian không thể thiếu, đó là đòi hỏi bình thường để đạt đến sự hòa hợp tình yêu và sắc dục, cốt lõi là sự mong mỏi tình yêu chung thủy:
“Thân em như quả mít trên cây,
Vỏ nó sù sì, múi nó dày.
Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.”
(Quả mít)
Hình tượng nổi bật trong con người cá nhân là hình tượng người phụ nữ cá tính và nữ tính của tác giả:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.”
(Mời trầu)
Cách mời trầu độc đáo với “cau nho nhỏ”, “trầu hôi” là lời mời chân thành, trân trọng xuất phát từ một trái tim khao khát hạnh phúc lứa đôi. Xuân Hương không chỉ là người phụ nữ tài năng, mà còn là người chân thực luôn sống thật với cảm xúc của mình. Trước những bất công xã hội dành riêng cho người phụ nữ thì Xuân Hương đã ý thức được nỗi đau và khát vọng thầm kín của chung một tầng lớp người. Bà lên tiếng kêu gọi tìm tiếng nói chung và sự đồng cảm cho số phận, tiếng nói đó trong chùm thơ Tự tình, Không chồng mà chửa, Dỗ người đàn bà khóc chồng, Làm lẽ,… Một tấm lòng bao la, người Cổ Nguyệt đau nỗi đau cùng người, luôn mở lòng chia sẻ với chị, với em:
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
… Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình.”
(Tranh tố nữ)
Mỗi câu mỗi chữ đều thể hiện bản lĩnh và cá tính của người phụ nữ trong thơ lẫn ngoài đời thực. Hồ Xuân Hương tự xưng tên mình khi mời trầu, gọi “cô mình”, “chị - em” (Tranh tố nữ), nhận là “chị” để Mắng học trò dốt. Nữ sĩ tự tin khẳng định vị trí, tài năng của mình không thua kém gì nam giới: “Ví đây đổi phận làm trai được - Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”(Đề đền Sầm Nghi Đống).
Con người cá nhân trong thơ Hồ Xuân Hương là con người ý thức tài năng bản thân và luôn khát khao hạnh phúc tình yêu, là con người giàu lòng nhân ái, cảm thông với những cảnh đời bất hạnh trong xã hội bất công. Những dòng thơ Nôm của bà là lời tâm tình, thổ lộ cảm xúc trần tục, mạnh mẽ hơn là tiếng nói đả kích quan niệm cố hữu để đòi quyền tự do cho con người trong đó có người phụ nữ.
5. Kết luận
Từ những hình tượng nghệ thuật được thể hiện trong thơ Nôm truyền tụng, Hồ Xuân Hương đã phản ánh một quan niệm nghệ thuật về con người hết sức độc đáo, mới mẻ.
Con người vũ trụ trong thơ Hồ Xuân Hương là con người đứng ở vị trí trung tâm của vũ trụ. Vì vậy, nhà thơ đã nhìn vũ trụ, miêu tả thiên nhiên bằng cái nhìn giới tính và nghệ thuật “nhân cách hóa vũ trụ”.
Con người xã hội trong thơ bà là con người xuất hiện ở nhiều khía cạnh rất cụ thể. Đó là người phụ nữ đã bộc lộ tất cả vẻ đẹp hồn nhiên rất tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho họ nhưng cũng là hiện thân cho những nỗi đau trần thế của con người. Do Hồ Xuân Hương tập trung nói đến mối quan hệ tình yêu nam nữ và quan hệ vợ chồng nên thơ của bà chứa chan tình cảm nhân ái, vị tha. Bên cạnh hình tượng người phụ nữ thì hình tượng nhân vật trung tâm trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương còn là những nhà sư, nho sĩ, những vị thần….. được tác giả thể hiện với ý thức trào phúng, đả kích, phê phán những quyền lực thống trị tinh thần con người trong xã hội phong kiến.
Đặc biệt con người cá nhân bản năng, đầy bản lĩnh, giàu nữ tính và rất đậm cá tính được thể hiện chủ yếu qua hình tượng tác giả. Hình tượng con người cá nhân trong thơ Hồ Xuân Hương là một phát hiện của nhà thơ về con người, thông qua sự khám phá về con người cá nhân mà nhà thơ đã công khai nói lên được những nhu cầu, khát vọng chính đáng của con người.
Bằng việc sử dụng một cách khéo léo các hình tượng chọn lọc kết hợp với yếu tố “tục vãn thanh” và tiếng cười trào phúng làm con người hiện lên trong thơ Hồ Xuân Hương đầy sự mới mẻ, “người” hơn với những nhu cầu bản năng, khát vọng bình thường trong cuộc sống. Đằng sau những tiếng cười đả kích với giọng điệu mỉa mai là một tâm hồn thiết tha với đời, muốn yêu và được yêu nhưng lại bị cuộc đời từ chối không thương tiếc. Chính điều này đã góp phần tạo nên một “Bà chúa thơ Nôm” giàu nữ tính nhưng cũng rất cá tính, cùng với một ngòi bút mang đậm tính nhân văn khi viết về con người.
Thơ Hồ Xuân Hương là một thể thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật. Nữ sĩ dù nói đến lòng xót thương người phụ nữ hay đả kích giai cấp phong kiến thống trị, dù bộc bạch nỗi niềm riêng tư hay ngâm ngợi cảnh thiên nhiên rộng lớn đều chịu sự chi phối của một tư tưởng thống nhất. Đó là chủ nghĩa nhân văn của nhà thơ. Nhà thơ lớn tiếng đòi cho con người phải có một cuộc sống đầy đủ, phải được hưởng tất cả lạc thú của tình yêu, phải tôn trọng phụ nữ và đấu tranh chống lại những gì phản tự nhiên, giả dối và bất công trong xã hội. Chủ nghĩa nhân văn trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có giá trị rất lớn, góp phần làm phong phú thêm sự phát triển rực rỡ của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Trí Viễn – Lê Xuân Lít – Nguyễn Đức Quyền, Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, 2000, NXB Giáo Dục.
2. Nguyễn Hữu Sơn – Vũ Thanh, Hồ Xuân Hương – về tác gia và tác phẩm, 2007, NXB Giáo Dục.
3. Nguyễn Lâm Điền, Chủ nghĩa nhân văn và văn học Việt Nam, 2012, Trường Đại học Cần Thơ.
4. Nguyễn Thị Thanh Lâm, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, 2004, Trường Đại học Cần Thơ.
5. Phạm Du Yên, Thơ Hồ Xuân Hương, 2007, NXB Thanh Niên.


Vấn đề con người trong Thơ Mới - nhóm 3

I.                   MỞ DẦU
  Thơ Mới là một trào lưu thi ca nở rộ từ  năm 1932 đến 1945. Khi mới xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam, nó không được đón nhận và bị công kích ở nhiều phía do những cách tân quá táo bạo, mới mẽ cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nhưng qua thời gian, thơ Mới đã tự khẳng định vị trí của mình bằng chính những giá trị nhân văn toát lên từ tác phẩm như đặt con người lên vị trí trung tâm, lấy con người là chuẩn mực của cái đẹp, khẳng định cái tôi cá nhân, khẳng định quyền sống và tài năng của con người. Đồng thời nó cũng ẩn chứa tiếng nói yêu nước thầm kín và thái độ phản kháng trước thực tại đen tối của xã hội.
II. CON NGƯỜI TRONG THƠ MỚI
   1.Con người là chuẩn mực của cái đẹp trong thơ Mới
Từ thơ ca truyền thống đến thơ Mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Đây chính là sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp, về chuẩn mực của cái đẹp. Thơ ca truyền thống thì chuẩn mực của cái đẹp bao giờ cũng là thiên nhiên với những vẻ đẹp mang tính tượng trưng, ước lệ. Để nói về vẻ đẹp, sự oai phong , chính trực của người nam tử thì “Râu hùm, hàm én, mày ngài”. Hay nói về người phụ nữ đẹp các thi nhân xưa cũng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực, con người chỉ là đối tượng được so sánh “Nghiêng nước, nghiêng thành”,  “chim sa, cá lặn”, “hoa nhường nguyệt thẹn”, nói về vẻ yểu điệu, chân yếu, tay mềm của người phụ nữ “liễu yếu đào tơ”
 Nhưng đến thơ Mới đã có sự cách tân táo bạo mới mẻ trong việc đưa con người  vào vị trí trung tâm – con người là chuẩn mực của cái đẹp, thiên nhiên mang vẻ đẹp của con người: “Lá liễu dài như một nét mi”. Trong bài “ Vội vàng” Xuân Diệu so sánh tháng Giêng như cặp môi gần. Đối với ông – “nhà thơ Mới nhất trong các nhà thơ mới” thì ông cảm nhận tháng giêng là cái trừu tượng, bằng cái ngon cụ thể của “vị giác” con người có thể nếm được: “ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Một nghệ thuật độc đáo đạt đến trình độ thẩm mĩ cao – nghệ thuật chuyển đổi cảm giác và đặc biệt cái vị ngon của tháng giêng này còn được cụ thể hơn, rõ ràng hơn qua việc cảm nhận niềm sung sướng, ngon, ngọt ngào, hạnh phúc trong “ cái hôn gần”  của người đang yêu. Điều này càng chứng tỏ, tác gỉa đưa con người vào vị trí trung tâm, lấy những cảm nhận của con người để cảm nhận về thiên nhiên xung quanh.
Không chỉ vậy, ta còn có thể tìm thấy những biểu hiện lấy con người là chuẩn mực của thiên nhiên trong những tác phẩm khác như “ Đây mùa thu tới” Xuân Diệu cũng chuyển đổi những cảm giác của con người cảm nhận mùa thu tới để thiên nhiên cảm nhận sự thay đổi ấy. Rặng liễu qua cảm nhận của Xuân Diệu đã trở thành người phụ nữ rũ tóc đứng chịu tang:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”.
Ở đây thi sĩ đã mang cái buồn chủ quan của mình phủ lên cảnh vật. Trong quan niệm thẩm mĩ của các nhà thơ lãng mạn, cái đẹp đồng nhất với cái buồn.  Và thiên nhiên luôn mang hình dáng của con người, lấy con người làm chuẩn mực.
                                “ Những luồng run rẩy, rung rinh lá,
                                  Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh”.
Câu thơ có bảy chữ thì sáu chữ gợi cảnh rét mướt của mùa thu. Người đọc như nghe thấy tiếng gió, như nhìn thấy những luồng không khí lạnh đang đi tới và dường như ngay cả những luồng không khí lạnh ấy tự nó cũng có cảm giác run rẩy, không thể đứng vững. Cành cây thì gầy guộc, mảnh khảnh như vóc dáng của con người “nhánh khô gầy – xương mỏng manh”.
Bằng tâm hồn nhạy cảm, Xuân Diệu đã cảm nhận được cái se lạnh của cái rét đầu mùa “ Đã nghe rét mướt luồn trong gió” rét mướt chỉ cảm nhận bằng xúc giác, ta không thể “nghe”. Đối với thơ ông ta không chỉ nghe, nhìn, cảm nhận  mà mọi giác quan đều được huy động. Xuân Diệu đã huy động ở mức độ cao nhất sự thính nhạy của các giác quan để có thể nắm bắt được sự chuyển biến tinh vi của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Thiên nhiên mùa thu, qua cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu, đã trở thành một thế giới nghệ thuật riêng biệt mang một vẻ đẹp mới lạ, vẻ đẹp của con người chỉ có ở Xuân Diệu trong Thơ mới.
2. Cái tôi cá nhân trong thơ mới.
  2.1 Khẳng định cái tôi bản lĩnh đầy cảm xúc, khát vọng tự do, giải phóng cá nhân.
     Thơ mới đánh dấu một bước chuyển mình trong thơ ca Việt Nam. Đó là cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng.  Cái tôi của các nhà thơ ở giai đoạn trước đó chưa được thể hiện rõ nét như giai đoạn này. Nếu có thì nó vẫn còn ẩn sau cái ta quá to lớn. Nhưng đến thời điểm này thì con người cá nhân hiện lên thật sắc nét, cái tôi không còn bị cái ta cũ kỹ bóp nghẹt quyền sống, quyền khát vọng tự do cá nhân, quyền được mạnh dạn giãi bày cảm xúc thực sự của mình.Vì vậy giai đoạn này đã hình thành và nở rộ những phong cách nghệ thuật độc đáo cả trong thơ và văn xuôi. Nhận xét về điều này trong lĩnh vực thơ, Hoài Thanh đã nhận định:
Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và thiết tha rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”.
Nhà thơ được nói lên tâm sự, suy nghĩ, cảm xúc bằng cái tôi riêng biệt mà không bị gò ép bởi cái ta. Họ đại diện chính họ khi gảy lên khúc tơ lòng:
                                 “Gió mưa là bệnh của trời
                                Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
                                       (Tương tư – Nguyễn Bính)
    Những câu thơ này không thể có được nếu ở vào thời gian trước. Và khi cái tôi đã được khẳng định với vị trí quan trọng trong văn học thì nó đã chuyển hóa cao hơn rất nhiều. Có lúc Xuân Diệu đã từng đẩy cái tôi ấy lên đến tuyệt đỉnh – cái tôi quá kiêu hãnh:
                                     “Ta là một là riêng là thứ nhất
                                  Không có chi bè bạn nổi cùng ta”.
                                           (Hy Mã Lạp Sơn)
    Bên cạnh đó, thơ Mới cũng thể hiện khát vọng tự do, sự giải phóng  cái tôi cá nhân. Các nhà thơ trong phong trào thơ mới là những người trí thức khao khát tự do cá nhân.   Sống trong cảnh đời tù túng họ muốn được giải phóng, giải thoát. Nhà thơ Huy Thông ước trở thành một cánh chim bay trên bầu trời cao rộng:
                              “Tôi muốn làm con chim để cùng gió
                                Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng
                                Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng
                               Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng
.”
        Thơ mới là thơ ca tìm đến sự giải phóng cá nhân. Trong nhiều thế kỉ, thơ ca ít nói tới cái tôi cá thể. Các nhà thơ bị ràng buộc trong những quy tắc chung ít dám khẳng định bản sắc của mình mà bản chất thơ ca là sự bộc lộ cảm xúc riêng tư trước cuộc đời. Có thể nói phong trào thơ mới đã góp phần giải phóng cái tôi, đây là một hiện tượng mang ý nghĩa xã hội rộng rãi.
2.2 Nỗi buồn, nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trong Thơ Mới.
     Buồn và cô đơn là một đặc điểm của văn học lãng mạn. Nỗi buồn và cô đơn ấy xuất phát do con người mang nhiều lí tưởng và ước mơ đẹp về cuộc đời nhưng khi bắt gặp thực tại đen tối, cá nhân đã không có điều kiện để tự do phát triển nên cái tôi bỗng thấy hụt hẫng và rơi vào bi kịch. Bất lực và bế tắc trước cuộc sống, họ chỉ còn biết đào sâu vào cái tôi cá nhân và đắm mình trong những lối thoát mà họ nghĩ có thể giúp họ trốn tránh thực tại. Và mỗi người thoát ly một cách: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu du trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Măc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ.Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận . . .”. Nhưng càng tìm kiếm càng lạc lối, càng đi sâu vào cái “tôi” lại càng thấy lạnh
    Nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy cũng được biểu hiện với nhiều cung bậc khác nhau. Điều này ta thấy rõ trong các sáng tác của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ . . . Có khi đó là nỗi buồn vô cớ:
                                          “Hôm nay trời nhẹ lên cao
                                           Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
                                               (Chiều – Xuân Diệu)
      hay cái buồn bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời của Huy Cận trong “Tràng giang”:
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
  Con thuyền xuôi mái nước song song
                                      Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
                                     Củi một cành khô lạc mấy dòng"
Cũng có khi đó là nỗi buồn của sự bế tắc khi chưa định hướng được đời mình:
                                          “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
                                           Chọn một dòng hay để nước trôi
                                                                            (Tố Hữu)
Cho đến nỗi buồn thất thế, tiếc nuối, một nỗi buồn bất lực vì không thể làm gì khi
đất nước đang bị đô hộ:
                                    "Gậm một khối căm hờn trong ci sắt,
                                    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua."
                                             (Thế Lữ - Nhớ rừng)
Ta còn thấy một nỗi buồn khá lạ, buồn đến tang tóc, lệ ngàn hàng
  “ Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
           Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
                                          Đây mùa thu tới mùa thu tới
                                         Với áo mơ phai dệt lá vàng
                                        (Xuân Diệu – Đây mùa thu tới)
   Cảnh vật mùa thu được nhìn bằng đôi mắt đầy tâm trạng của thi nhân. Đó là tâm trạng " u uất hận chia ly" không chỉ của riêng Xuân Diệu mà của cả một thế hệ thanh niên tri thức thời bấy giờ.
         Đây là tâm trạng của các nhà thơ mới một tâm trạng chứa chất  nỗi buồn vì mất nước, một nỗi buồn đến uất hận vì cảnh nước nhà trước mắt mà đành phải bất lực. Một nỗi buồn đang phân vân lựa chọn cho mình con đường cách mạng...
2.3 Khát vọng tình yêu, đề cao, cổ vũ tình yêu tự do.     
Bên cạnh việc khẳng định cái tôi, khát vọng tự do, giải phóng cá nhân. Thơ Mới còn thể hiện khát vọng yêu đương là vấn đề luôn được các nhà thơ đề cập trong các sáng tác của mình. Điều này ta thấy rất rõ trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử...
Nhà thơ như lạc giữa thế giới yêu đương, tình yêu đối với ông là một nhu cầu không thể thiếu và trái tim tâm niệm những điều thầm kín của một tình yêu lý tưởng ban đầu. Con người chỉ có thể tồn tại có ý nghĩa trong quan hệ gắn bó với mọi người. Tình bạn, tình yêu, tình đời, tình người:
              “Làm sao sống được mà không yêu,
             Không nhớ, không thương, một kẻ nào?
                      (Bài thơ tuổi nhỏ)
    Vẫn chưa đủ, Xuân Diệu muốn tất cả mọi đối tượng trong cuộc đời phải bộc lộ đầy đủ sự đam mê qua lời nói, ánh mắt, miệng cười, tay viết,… Tình yêu không trầm sâu mà phải nổi sóng, cơn sóng yêu thương sẽ tràn bến bờ và dâng lên những chốn vô biên, những miền tuyệt đích:
                “Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
                 Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần;
                Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân,
                 Đem chim bướm thả trong vườn tình ái…”
                 (Phải nói)
            hay   “Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích
                       Em biết không?anh tìm kiếm em hoài

   Thêm vào đó tình yêu đòi hỏi phải hòa hợp tuyệt đối, phải hòa làm một vì đấy mới là độ cao nhất của yêu thương. Hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác:
                    “ Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực
                      Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
                                              (Xa cách)
        Không chỉ bấy nhiêu, Thơ Mới càng tiến xa hơn với quan niệm cổ vũ, đề cao tự do trong tình yêu đôi lứa. Thơ tình xuất hiện với mật độ dày đặc, phong phú đủ mọi cung bậc. Dường như tâm hồn con người trở nên mềm mại hơn, lãng mạn hơn khi được thẳng thắn bộc lộ tình cảm chân thật trong lòng mình. Bày tỏ tình yêu trở thành tâm điểm trong Thơ Mới và đó là thứ “công cụ tối tân” để con người có thể giao cảm, đồng điệu với nhau. Thật khó mà liệt kê hết một lúc các dạng tình yêu mà các nhà thơ thể hiện. Đó là tình vu vơ trong “Vì sao” của Xuân Diệu:
                                        “Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
                                         Tôi đã đày thân giữa xứ phiền
                                         Không thể vô tình qua trước cửa
                                        Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên?
cho đến tình “Tương tư” của Nguyễn Bính:
                                       “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
                                       Một người chín nhớ mười mong một người
                                       Gió mưa là bệnh của trời
                                       Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
hay là tình đau xót của Hàn Mặc Tử:
                                  “Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
                                 Nhớ thương còn một năm xương thôi!
                                Thân tàn ma dại đi rồi
                                Rầu rầu nước mắt bời rời ruột gan
                                   (Muôn năm sầu thảm)
hoặc tình dang dở của Hồ Dzếnh:
                           “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
                          Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
      Và còn rất nhiều mối tình khác như tình chia phôi trong “Giây phút chạnh lòng ” của Thế Lữ, tình xưa tuyệt vọng của T.T.KH trong “Hai sắc hoa tigôn” . . . Dù ở bất cứ trạng thái nào thì tình yêu trong thơ Mới vẫn đẹp và mang sắc thái u hoài, lãng mạn, day dứt khôn nguôi. Được sống và được yêu là một diễm phúc hiếm có mà các nhà thơ đã sớm ý thức rõ. Bởi thế, mạnh dạn bày tỏ nó như một nhiệm vụ thiên liêng, nhu cầu tinh thần luôn thôi thúc mạnh mẽ người nghệ sĩ.
3. Đề cao, khẳng định tài năng, quyền sống của con người.
            Tiếp xúc với thơ Mới một thời người ta chỉ nhận thấy phần tiêu cực của nó qua những vần thơ u buồn, ủy mị. Nhưng theo dòng thời gian, với cách nhìn nhận đánh giá mới, ta lại thấy ở đấy những bài thơ giàu giá trị nhân văn góp phần khẳng định quyền sống và bộc lộ tiếng nói của cá nhân tự khẳng định tài năng của mình. Tiêu biểu là bài thơ “Lời kĩ nữ” của Xuân Diệu và “Hầu trời” của Tản Đà.
Lời kĩ nữ là một trong những bài thiết tha, tuyệt vọng, bài thơ về một cô gái trong cái nghề nghiệp vốn dĩ luôn bị khinh bỉ nhưng tiếng nói nhân văn toát lên từ bài thơ là sự ý thức về đời sống độc lập của tinh thần (với thể xác) là một khát vọng sống thiêng liêng, trong sạch, là sự ý thức về quyền sống và bản thân mình. Cô gái với sự nhạy cảm với vẻ sáng lạnh của thiên nhiên, nghe thấu nỗi giá băng tràn mọi nẻo buốt xương da mà run lên niềm cô đơn đến rợn ngợp. Với lời van vỉ tội nghiệp của người kĩ nữ:
                       “Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa…”
                       “Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
                        Đây rượu nồng…”
                    “…Và hồn của em đây
                    Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử”
Bốn chữ “đây” là bốn động tác mời mọc bằng bốn vật dâng. Dấu chấm trước chữ “và”  ngắt dòng thơ thành hai câu chứng tỏ người mời rất có ý thức về sự quí giá của vật dâng thứ tư và cuối cùng: hồn. Cẩn trọng và thành kính biết bao khi tôn vị khách làm hoàng tử và đặt dưới chân người ấy “hồn của em đây”.Không phải ngẫu nhiên mà trong lời van xin ba lần kĩ nữ nhắc tới “hồn của mình”. Đó là sự ý thức về đời sống tinh thần, là sự cảm nhận thấm thía về nỗi cô đơn và ước mong vượt thoát khỏi tình cảnh cô đơn. Đó là sự mâu thuẩn giằng xé giữa ước ao trong sáng về mặt tinh thần với cái hoen ố của thân xác, cái tủi cực của đời sống gạo tiền, cơm áo. Người kĩ nữ muốn tự quên mình vì ý thức quá rõ về sự cô đơn, bởi nhớ đến mình thì chỉ chạm vào nỗi cô đơn khôn cùng mà thôi: “Chớ để riêng em phải gặp lòng em” cô sợ phút giây chính mình đối diện với lòng mình mà thấm thía nỗi trớ true, bất hạnh. Cô muốn thoát mà tự biết không sao thoát nổi.Còn bi kịch nào hơn khi con người phải trốn chạy bản than mình. Đây là một ý thức tỉnh táo về mình, về người, về sự bất lực trước hoàn cảnh:
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt”.
Đó cũng là sự ý thức về tài sắc, về cảnh ngộ éo le, về đời sống nội tâm hết sức nhân văn của tác giả đối với nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Bên cạnh sự khẳng định quyền sống, thơ Mới còn góp phần bộc lộ tiếng nói cá nhân tự khẳng định tài năng của mình qua bài thơ “Hầu trời” của Tản Đà. Cái độc đáo của nhà thơ thể hiện trong “Hầu Trời” là một cái tôi “ngông” rất lạ. Cái ngông ở đây được nói đến là cái “ngông” dựa trên khả năng của mình. Nhà văn có vẻ đắc ý bởi ông ý thức được cái tài của mình. Khẳng định bản ngã cái tôi phóng túng, ý thức tài năng giá trị của mình giữa cuộc đời
“Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”
Hay:                            “Trời lại phê cho văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít”
Từ đầu đến cuối nhà thơ đều tự tin về tài năng của bản thân và một lần nữa Tản Đà lại khẳng định rất  “ngông”, của kẻ vốn đã  “ngông” khi nhận mình là “trích tiên” bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Nhà thơ khẳng định tài năng và thân phận “khác thường của mình”.
4. Tiếng nói yêu nước thầm kín trong thơ Mới
  Thơ Mới không chỉ là tiếng nói của cái tôi ham sống, khát khao sống nhưng bế tắc trước cuộc đời mà nó còn là tiếng nói yêu nước thầm kín cuả tầng lớp tri thức thời bấy giờ, ẩn chưa thái độ phản kháng, đấu tranh chống lại thực tại xã hội đen tối, chống lại những thế lực kiềm hãm con người.
            Tiếng nói yêu nước ấy  bộc lộ trước hết qua những bài thơ thể hiện tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong các bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. . Một địa danh thôn Vỹ đi vào nỗi nhớ, gắn kết ân tình với xứ Huế trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử. Không gian của buổi chiều thu cho đôi lứa tìm đến nhau trong Thơ Duyên cũng khiến ta cảm nhận sắc thái thiên nhiên hoà hợp quấn quít trên cây cỏ, chim muông. Quê hương còn hiện lên qua nỗi buồn mang tầm vóc vũ trụ, của chàng thi sĩ Huy Cận đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy “thiếu quê hương”, chuyển tải bao tâm sự nỗi niềm của người dân mất nước. Tất cả những nỗi niềm ấy kết tinh lại trong “lòng quê dợn dợn vời con nước – không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” gợi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc. Quê hương còn đẹp giản dị trong Chiều xuân của Anh Thơ, làng quê Việt Nam đẹp một cách nao lòng trong cỏ xanh, mưa xuân, đàn bò đủng đỉnh, cô yếm thắm…. Tất cả những bài thơ ấy viết về con người, cảnh vật, làng quê…đều gặp nhau ở một điểm: tình cảm yêu nước kín đáo.
            Phong trào thơ Mới từng bị xem là tiếng nói của tình cảm cá nhân ủy mị, tiêu cực. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, của đất nước, chúng ta cần thấy được cái buồn bao trùm trong thơ Mới cũng là biểu hiện của lòng yêu nước, của thái độ bất mãn với thực tại. Đâu phải ai cũng may mắn như Tố Hữu bắt gặp ánh sáng lý tưởng cộng sản từ rất sớm, được lý tưởng ấy soi đường, được dấn thân vào con đường đấu tranh chống lại kẻ thù nên những nhà thơ Cách mạng như Tố Hữu có chỗ dựa vững chắc ở chính nghĩa Cách mạng và niềm tin thắng lợi. Các nhà thơ Mới thì không có điểm tựa này nên họ vùng vẫy trong cái tôi lạc loài, bơ vơ. Huy Cận đã đi đến tận cùng nỗi cô đơn ấy khi ông đặt mình trong tương quan với vũ trụ to lớn:
                                    “Nắng xuống trời lên sâu chót vót
                                     Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Tiếng nói yêu nước không chỉ thể hiện qua những câu thơ ca ngợi quê hương hay ẩn chứa nỗi buồn thế hệ trước thực tại đen tối của đất nước mà đôi khi nó còn được gửi gắm qua những hình ảnh ẩn dụ ví von như hình ảnh “non-nước” trong bài “Thề non nước” của Tản Đà, hình ảnh con hổ bị giam trong vườn bách thú ở bài “Nhớ rừng” của Thế Lữ, hay hình ảnh người chinh phu ra đi vì nghĩa lớn trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.
Trước hết, ta nói đến bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà. Đây là một bài thơ đa nghĩa. Có nội dung vịnh cảnh trong tranh. Có nội dung phong tình cố hữu của Tản Đà. Và còn có tấm lòng thiết tha gắn bó của nhà thơ với Tổ Quốc giang sơn trong cảnh ngộ mất chủ quyền. Trong bài thơ “Thề non nước”, hai chữ “non” và “nước” xuất hiện ở tần số rất cao: 27 lần, lúc thì nước nhớ non, lúc thì non nhắn nước, lúc thì non non nước nước… Một giọng thơ thiết tha, có không ít câu thơ để lại nhiều ám ảnh:
                             “Nước đi đi mãi, không về cùng non,”
                             “Nước đi chưa lại, non còn đứng trông,
                               Non cao những ngóng cùng trông,
                      Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”…
                   “Non còn nhớ nước, nươc mà quên non…”
Lời thề non nước của Tản Đà đã đồng điệu cùng với tiếng lòng của những nhà thơ yêu nước đầu TKXX:
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
           Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”.
(“Cuốc kêu cảm hứng” - Nguyễn Khuyến)
”Vì thương nước cạn, nặng nề em dám kêu ai
(...) Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng
Nước non gánh nặng, cái đức ông chồng hay hỡi có hay!”
(“Gánh nước đêm” - Trần Tuấn Khải)
            Đến ”Nhớ rừng” của Thế Lữ, ta thấy được một tâm sự u uất, chán nản và khát vọng tự do cháy bỏng tha thiết qua lời mượn của con hổ trong vườn bách thú. Đó cũng là tâm sự chung của những người Việt Nam yêu nước trong hoàn cảnh mất nước. Hơn thế nữa, ta còn thấy ở bài thơ bộc lộ sự phản kháng gay gắt trước thực tại tầm thường giả dối, tù túng giam hãm ước mơ của con người.
                      ”Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
                     Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
                    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
                   Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
            Và tất cả những tình cảm yêu nước, những khát khao được thoát khỏi cuộc sống tầm thường, phá bỏ vòng vây kiềm hãm của thực tại xã hội đen tối ấy được kết tinh trong hình ảnh người chinh phu quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn:
                             ”Li khách! Li khách con đường nhỏ,
                             Chí nhớn chưa về bàn tay không
                              Thì không bao giờ nói trở lại
                             Ba năm mẹ già cũng đừng mong”

III. KẾT LUẬN

 Thơ Mới là một sự kiện lớn nhất đầu thế kỉ XX, một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. Nó góp phần rất lớn trong việc cách tân hiện đại hóa thơ ca dân tộc. Nó thể hiện những nội dung mang tính nhân văn cao cả và tính dân tộc sâu sắc và những tình cảm đẹp đối với quê hương, đất nước, làng quê trong mỗi con người chúng ta.