Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT “THỜI XA VẮNG” CỦA LÊ LỰU - nhóm 4

VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
“THỜI XA VẮNG” CỦA LÊ LỰU

I. Mở đầu

Trần Đình Sử nói: “Con người trong văn học thực chất là sự cắt nghĩa và quan niệm về con người được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật, trong các bình diện con người được miêu tả, trong tương quan với không gian, thời gian và trong các nguyên tắc miêu tả tính cách, tâm lí,…Người ta gọi nó là quan niệm nghệ thuật về con người”. Trong văn học từ 1945 đến 1975, con người và số phận con người tuy có được khắc họa nhưng vẫn chưa ở vào vị trí trung tâm của tác phẩm. Có chăng đó chỉ là con người của tập thể, con người của quần chúng, con người gắn liền với lí tưởng cách mạng và đời sống chính trị chứ chưa phải là những cá nhân, những số phận. Đến văn học từ sau năm 1975, đặc biệt là văn học thời kỳ đổi mới vấn đề con người được các tác giả khai thác sâu sắc hơn. Đó là con người cá nhân con người của những khao khát hạnh phúc, khao khát được sống là chính mình, sống vì mình.

Hầu hết các sáng tác của Lê Lựu trong thời kì này chủ yếu tập trung vào các vấn đề con người như: Đại tá không biết đùa, Sống ở đáy sông, Mở rừng, Thời xa vắng. Trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu vấn đề con người chính là bi kịch của con người cá nhân không được là chính mình. Điều đó thể hiện trọn vẹn ở nhân vật Giang Minh Sài, Sài học giỏi, là niềm hy vọng, tự hào của cả gia đình và dòng họ. Nhưng cũng chính niềm tự hào đó cũng đã đặt lên vai cậu bé Sài một thứ áp lực vô hình, lúc nào cũng phải học, phải làm theo những điều mà mọi người xung quanh cho là "tốt nhất". Lấy vợ cũng phải do cha mẹ chọn, ngủ với vợ cũng vì để tránh cái án kỷ luật làm ô nhục danh tiếng gia đình...Cả cuộc đời Sài là một chuỗi bi kịch, Sài tự đánh mất mình “nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có”. Là một người lính với vẻ ngoài thô mộc, khô khan nhưng thực chất bên trong con người Sài lại là một người đang vùng vẫy với niềm khao khát được yêu, được sống với cảm xúc thực sự của chính mình.

II. Nội dung

1. Bi kịch cá nhân của một con người không được sống là chính mình, không được là mình

1.1 Sài lúc còn nhỏ đến khi gặp và yêu Hương

Cuộc đời Sài đã chịu sự áp đặt một cách phi lý bởi những quan niệm, niềm tin của người khác. Hồi nhỏ, Sài phải lấy vợ theo sự sắp đặt của cha. Lớn lên, Sài không được bỏ vợ vì chú Hà và anh Tính là những cán bộ xã, cán bộ huyện, bản thân Sài cũng là liên đội trưởng, phải gương mẫu “không được bỏ vợ”. Sợ mất danh tiếng, ảnh hưởng đến uy tín gia đình, dù thâm tâm muốn tốt cho Sài nhưng các bậc cha chú đã buộc anh phải theo lối nghĩ của họ, mặc dù là anh không hề muốn nhưng cũng không hề phản kháng lại, chỉ biết “cắn răng mà chịu”. Lâu dần nó thành một nếp sống nếp nghĩ và Sài hẳn nhiên chấp nhận nó một cách vô điều kiện. 

Sài phải tự bóp chết những khao khát, những tình cảm riêng mình để sống, hành động và suy nghĩ theo ý muốn của gia đình, dòng họ và đoàn thể. Sài phải cưới Tuyết – người con gái lớn hơn mình ba tuổi về làm vợ mặc dù bản thân mình ghét cay ghét đắng con người ấy. Khi trở thành thiếu nhi tháng Tám, Sài cũng phải gồng mình lên yêu vợ trước mọi người để được khen thưởng, được trở thành thiếu niên gương mẫu. Nhưng đêm đến anh vẫn tìm cách tránh né, xa lánh vợ. “Sài cố dồn sức lực, cố phồng mình lên để cái phần sống ở chỗ đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi, trầm trồ, còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi những xao xuyến, thèm khát một hạnh phúc thật sự”. Rõ ràng Sài phải sống hai cuộc đời: thật và giả. Ban ngày lúc đông người là Sài của gia đình, của tập thể sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ. Song ban đêm khi có một mình Sài sống với chính con người thật của mình: “Không thể nào chung sống với con người mình ghét bỏ từ đầu đến chân”. Có gì đau khổ hơn con người ta muốn là mình nhưng không được là mình. 

Tuy nhiên, Sài cũng là một con người đúng bản chất người nên Sài cũng khát khao được sống là mình, được yêu người mình yêu và ghét người mình ghét. Nhưng anh lại bị ràng buộc bởi tư tưởng duy ý chí của dòng họ, gia đình và tổ chức. Đồng thời anh cũng quá nhu nhược, thiếu bản lĩnh đấu tranh vì hạnh phúc bản thân nên rơi vào bi kịch không được là mình và đánh mất chính mình. Giống như bao con người khác, mười tám tuổi Sài biết yêu và khát khao được yêu. Sài yêu Hương và đến với Hương đúng theo quy luật tất yếu của một con người bình thường. Sài cũng có những xao xuyến, rạo rực của tuổi mới lớn. Bởi vì “Sài cũng là một con người không thể triệt hạ được tình yêu khi con người đang sống, đang khao khát sống bằng sự dồi dào của mình.”. Bản thân Sài là một con người nên anh không thể thoát khỏi tâm tư tình cảm của con người. Anh có thể ép mình sống giả tạo trước mặt người khác, sống theo ý người khác để được khen thưởng, tán dương nhưng anh không thoát khỏi tình yêu của mình. Những cảm xúc của Sài khi lần đầu tiên gần gũi xác thịt với người con gái được Lê Lựu tái hiện rất thực, rất đời thường. Sài đã hành động theo đúng con tim và khao khát của mình mách bảo. Đó là những khao khát mà không một ai tránh khỏi được. Về mặt này tác giả đã xây dựng thành công một con người đầy tính người, con người đúng quy luật tự nhiên với những khát khao, mơ ước của riêng mình. Song bi kịch của Sài là biết yêu, được yêu nhưng không dám sống vì tình yêu. Sài yêu Hương muốn hạnh phúc cùng Hương nhưng lại không dám bỏ vợ để đến với Hương. Sài quay lưng lại với những khát khao của mình để sống theo ý muốn của gia đình dòng họ. Khi mọi chuyện vỡ lẽ ra, Sài chỉ biết câm lặng không một lời thanh minh, bênh vực hay là nhận trách nhiệm trước tình yêu và hành động của mình với Hương. Đến khi chú Hà giải quyết xong việc một cách rất “nhà nghề”, Sài vẫn im lặng chấp nhận. Trong chính thâm tâm Sài, anh hiểu rõ hơn ai hết Hương chính là tình yêu duy nhất của cuộc đời mình, anh yêu và muốn có hạnh phúc với Hương bằng tất cả sự chân thật và khao khát của một chàng trai mới lớn. Thế nhưng mà anh lại không dám lên tiếng bảo vệ, tranh đấu cho tình yêu của mình. Đến khi nhận được lá thư đầy nước mắt của Hương, dù là một lá thư chia ly theo ý chú Hà muốn vì “còn nhiều cái khó vô cùng”, nhưng ta có thể thấy ở đó Hương vẫn nuôi một niềm hy vọng dù rất mong manh là Sài sẽ đấu tranh cho tình yêu của họ. Nhưng Sài lại tiếp tục xuôi theo số phận, Sài biết mình yêu và cần gì nhưng anh lại không dám làm, dám sống cho mình vì anh còn phải nghĩ và sống cho gia đình, dòng họ, cho anh Tính, chú Hà, và không thể để mất danh hiệu “gương mẫu”. Đó chính là mâu thuẫn bên trong của một con người luôn sống hai mặt. Một mặt gồng mình lên sống vì mọi người, theo mọi người, mặt khác phải đối diện với những tình cảm thực của mình. Chính vì điều đó mà con người mới đau khổ, bế tắc. Qua đoạn đời này của nhân vật Sài, Lê Lựu muốn gởi gắm đến người đọc thông điệp: Con người của bất kỳ thời đại nào, dù cho có ép mình sống theo người khác vẫn không thể thoát khỏi những tình cảm, khát vọng riêng tư của chính mình. Và vì thế con người chỉ thật sự hạnh phúc khi được là mình, được sống vì mình, vì con người là người.

1.2 Khi Sài đi bộ đội 

Sài quyết định đi bộ đội phần là do sự sắp xếp của gia đình phần vì không thể yêu vợ, muốn trốn vợ. Sài cũng biết khát khao yêu thương, khát khao được sống là mình, sống vì mình, nhưng không dám vượt qua ý muốn của nguời khác và phải ép lòng vì người khác. Và không thể đương đầu, giải quyết mọi việc theo ý mình muốn, đồng thời không thể đến được với tình yêu đầu đời tươi đẹp với Hương và Sài không còn cách nào khác là trốn tránh.

Khi Sài đi bộ đội, bi kịch lại tiếp diễn, Sài lại phải tiếp tục không được là chính mình và càng không là mình. Suốt một khoảng thời gian quá dài để sống một cuộc sống của một người “làm thuê”, “sống hộ” ý nghĩ của người khác, cách sống của người khác nó đã tôi rèn cho Sài cái sự cam chịu dẻo dai và cái sức chứa bền bỉ mọi sự đau khổ, để giờ đây cuộc sống đối với anh trở nên buông xuôi, mặc kệ. Môi trường bộ đội đã giúp Sài có được “khoảng không gian riêng” để anh có thể cảm thấy thoải mái, tuy nó không giải phóng được bản chất của một kẻ “sống hộ” nhưng ít ra nó đã giúp anh thoát khỏi cái quá khứ đau đớn kia và có được những ngày tháng sống theo suy nghĩ của riêng mình. Không phải gặp mặt Tuyết, không phải ăn chung mâm, ngồi chung bàn và càng tốt hơn khi không ai hỏi hay bắt buộc anh phải yêu vợ. Ở đơn vị ban ngày Sài vẫn là người thông minh, học giỏi, gương mẫu, sống vì đoàn thể. Nhưng về đêm anh lại có những khát khao cháy bỏng về tình yêu, về hạnh phúc, anh mơ ước được đến với Hương được hạnh phúc cùng Hương. Sài không thể nào quên được Hương, Sài lại phải cố gồng mình lên để chịu đựng, phải “tự giết chết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự”. 

Khi vào quân ngũ, Sài lại phải theo ý các thủ trưởng “yêu cái người khác yêu, ghét bỏ cái người khác ghét bỏ”. Nhưng Lê Lựu đã cho ta thấy Sài là một con người rất người, dù cho bị bủa vây bởi nhiều nội quy, giáo điều, phải dằn nén bản thân cho gương mẫu, cho xứng đáng với danh hiệu nhưng ẩn sâu trong tâm hồn anh vẫn cháy bỏng ngọn lửa yêu đương, ước mơ hạnh phúc với Hương. Sài đã dệt nên tương lai về tình yêu hạnh phúc của mình và Hương mà anh không dám và cũng không dám nghĩ rằng mình sẽ dám làm, anh đau đớn và dằn vặt giữa khao khát và kìm nén, dường như anh rơi vào ảo tưởng, ảo tưởng được làm điều mình muốn, thật xót xa khi một con người có đầy đủ quyền và khả năng làm những điều mình muốn nhưng điều đó lại quá xa xôi với Sài và anh đã gửi gắm nó qua những trang nhật kí. Quyển nhật ký của Sài cho thấy trong anh luôn có xung đột gay gắt giữa con người cá nhân với con người tập thể. Và chính cuốn nhật ký ấy đã khẳng định khát vọng được là chính mình mãnh liệt trong Sài. Nhưng cái khát vọng ấy lại trở thành phản động, tư sản đối với tổ chức. Sài bị xem như là kẻ mang tư tưởng lệch lạc vì những mơ ước cá nhân của mình. Có thể nói tình yêu trong anh đối với Hương là bất diệt, khó có thể quên. Nhưng điều quan trọng giờ đây là gia đình, bản thân và tập thể. Gia đình luôn mong chờ vào cái kết quả tất yếu là Sài sẽ được kết nạp Đảng. Còn tập thể thì luôn “quan tâm” dõi theo “tình cảm” của Sài đối với vợ như thế nào, đó có phải là người cán bộ tốt biết yêu thương vợ hay không, có đủ phẩm chất của một người chồng hay không, vì đấy là tiêu chí cuối cùng và là điều kiện cần và đủ để cho Sài vào Đảng. Bản thân Sài sẽ được gì trong cuộc chạy đua này ? Bằng tất cả những niềm tin tưởng tuyệt đối của gia đình, tập thể, vấn đề giờ đây chỉ ở bản thân Sài. Và một lần nữa Sài lại “cắn răng chịu đựng” không một lời thanh minh hay là bảo vệ tình yêu của mình, để rồi cho dù có xao xuyến, có rạo rực đến cháy lòng Sài cũng không bao giờ dám viết nhật kí nữa.

Mặc dù yêu Hương, muốn hạnh phúc cùng Hương nhưng Sài vẫn không dám bỏ vợ vì gia đình và tổ chức không cho phép. Sài phải yêu vợ, ngủ với vợ theo sự giám sát của tổ chức để được vào Đảng. Đến khi Sài cắn răng tạo ra với Tuyết một đứa con trai, nhưng đứa con ấy lại là sai lầm lớn nhất của cuộc đời Sài, anh không yêu vợ nhưng vì nghe lời cấp trên, để được xét vào Đảng nên đành phải làm cái điều mà đối với Sài cho dù có chết anh cũng không dám mơ tới. Sài phải bóp chết tình yêu của mình và Hương để được cái danh vọng mà gia đình và tổ chức ban cho. Bi kịch của Sài một mặt là do quan điểm duy ý chí, giáo điều của thời đại mang lại. Cái thời đại mà người ta lúc nào cũng sợ nhưng không biết mình sợ cái gì. Cái thời đại mà ngay chính bản thân con người vẫn không dám đấu tranh để được là chính mình. Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Sài chính là ở tính cách của anh. Anh dám yêu, dám mơ ước được là mình, được sống vì hạnh phúc của mình, nhưng lại nhu nhược không dám quyết đoán trong đấu tranh cho hạnh phúc và mơ ước của mình. Đây không chỉ là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Sài mà còn mang đến bi kịch cho Tuyết và Hương. Nếu Sài cương quyết hơn không những bản thân anh không phải đau khổ mà Tuyết cũng không phải tuyệt vọng trong hi vọng được yêu thương. Bản thân Tuyết không dám rời bỏ Sài cũng vì sợ. Và Hương cũng không rơi vào cảnh phải sống với người không yêu thương mà trong lòng vẫn canh cánh một mối tình. Hương không thể đến với Sài vì sợ sự đỗ vỡ cho những đứa con của mình. Đấy cũng là tấm lòng của một người mẹ. Bản tính nhu nhược ấy chính là sản phẩm của quan điểm duy ý chí, giáo điều ở một thời đại. Thời đại ấy, xã hội ấy đã đẻ ra những con người không dám là chính mình như Sài như Tuyết. 

Vì sao Sài không được là mình, không thể sống theo ý mình, không thể đi theo tiếng gọi của tình yêu đích thực ? Vì sao Sài phải chấp nhận sống khổ sở đến như thế ? Bởi trước hết, theo Lê Lựu, trong cái thời ấy, không ai cho Sài cái quyền làm như vậy. Cái danh dự của gia đình, dòng họ ông đồ Khang, cái uy tín cán bộ của ông Hà, của anh Tính không cho phép Sài “thò ra cái ý định bỏ vợ”. Cái sự yêu thương, quan tâm của Hiền, Hiểu và những người khác trong quân ngũ cũng không cho phép Sài sống với tình yêu đích thực của mình, thậm chí không thể sống với suy nghĩ riêng tư của mình. Thế nên, Sài “không được là mình, không dám là mình”.

Mặt khác, Sài không thể sống theo ý mình bởi dư luận. Chính cái sức mạnh của dư luận đã đè nặng lên gia đình Sài, rồi tất cả đổ ụp lên đầu Sài. Và cũng như bao người khác ở làng Hạ Vị, Sài phải “dựa vào dư luận mà sống”, Sài không đủ can đảm dẫm lên dư luận mà đi theo ý của mình được nên Sài chấp nhận cam chịu, đè nén những khát khao, ước mơ cháy bỏng đến rát lòng của mình, chấp nhận sống “cắn răng mà chịu”. 

2. Bi kịch con người cá nhân khi được sống theo ý mình là chính mình nhưng lại đánh mất chính mình, yêu cái mà mình không có, không thuộc về mình

Sài sập bẫy tình của cô gái Hà thành khôn ngoan, lọc lõi là Châu, chuyện Sài sống với vợ mà chẳng khác gì thằng đầy tớ,…vừa khiến người ta bật cười về những chuyện thật như đùa mà tác giả kể, vừa khiến người ta xót xa thương cảm cho những người phải “sống vo tròn tính cách” đi như Giang Minh Sài. Khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với Châu, tuy là người tự do lựa chọn và sống theo ý mình, nhưng cách sống của Sài vẫn là hệ quả của những tháng ngày “sống hộ ý định người khác” thuở trước...Sài được sống là chính mình được li hôn cùng Tuyết, được rời xa con người mà mình không thích, con người mà “không thể đội trời chung”. Sài được lấy người mà mình lựa chọn là Châu. Nhưng đây lại là căn nguyên của sai lầm thứ hai dẫn đến bi kịch cho Sài. Sài lấy Châu một người không thuộc về mình mà chỉ mượn mình để cứu vớt danh dự gia đình. 

Sài yêu vợ thương con nhưng lại nín nhịn quá mức đến nhu nhược để rồi Châu càng lấn lướt dẫn đến bi kịch đỗ vỡ gia đình. Sự nhẫn nhịn của Sài phần là vì muốn bảo vệ gia đình, không muốn có sự đỗ vỡ tội cho những đứa con của mình. Phần vì bản thân Sài đã quen sống theo ý muốn người khác nên khi được là mình anh lại đánh mất mình. Thói quen này đã ăn vào đầu óc Sài nhất thời không thể thay đổi được. Cũng giống như thói quen đi làm mướn chịu sự khinh miệt mắng chửi của người dân làng Hạ Vị hơn là cày cấy lao động trên chính mảnh ruộng nhà mình. Thật ra khi được sống là chính mình Sài luôn cố gắng để giữ lấy hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà bốn mươi tuổi đầu Sài mới có được. Bởi vì trước đây chưa lúc nào anh được sống là mình, được có những lựa chọn riêng mình. Song chính vì vậy mà Sài đã đánh mất cả chính mình. Hôn nhân đổ vỡ là kết quả của một thời “yêu cái mình không có” của Sài.

Có thể nói tính cách của Giang Minh Sài là sản phẩm của một hoàn cảnh đáng buồn, đầy bất công phi lý thời quá khứ: cái xấu bao quanh cái tốt, cái ác nằm ngay trong cái thiện, con người bị biến thành nô lệ cho những định kiến hẹp hòi, những nguyên tắc chủ quan cứng nhắc, giáo điều. Hoàn cảnh đó khiến Sài phải tự bào mòn, gọt đẽo mọi cá tính cho vừa với khuôn mẫu chung của cộng đồng xã hội, biến Sài thành kẻ nhu nhược, hèn nhát. Và vì thế, cuộc đời của Sài là cuộc đời bất hạnh, đầy rẫy những bi kịch. Tính cách nhu nhược, hèn nhát của Sài do đâu mà thành ? Lê Lựu lý giải: Một phần do sự áp đặt của hệ tư tưởng gia trưởng, mặt khác nó xuất phát từ căn nguyên sâu xa là tâm lý cố hữu của người nông dân làm thuê “sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán, định đoạt một việc gì”. Cuộc đời của Sài không hề phẳng lặng, bình yên. Sài luôn phải sống trong tình trạng “vênh lệch” giữa một bên là khát vọng tình yêu và hạnh phúc cá nhân với một bên là nguyên tắc chủ quan ấu trĩ, là hiện thực bi đát, đau khổ; giữa một bên là “điều mình mong muốn” với bên kia là “điều người khác muốn”. Đây chính là xung đột dữ dội nhất trong con người Sài, đẩy Sài vào bi kịch. Như Lê Lựu đã mượn lời Chính Ủy Đỗ Mạnh: “Chính bản thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán định đoạt một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt anh đủ tư cách làm một công dân, một người chiến sĩ tại sao anh không dám chịu trách nói thẳng rằng: hoàn cảnh của tôi bị ép buộc như thế, nếu các anh bắt ức tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả dù phải trở về làm anh cày thuê, tôi cũng sẵn sàng để được sống tự do. Kẻ bị trói buộc không dám cựa mình giẫy giụa, chỉ hong hóng chờ đợi, thấp thỏm cầu may, chả nhẽ một chính uỷ trung đoàn như tôi lại xui anh bỏ vợ !”.

Sau biết bao đau khổ, dằn vặt, anh quyết định dứt bỏ quá khứ lầm lạc, trở về Hạ Vị, góp phần xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Đây là giai đoạn mà Sài thực sự thức tỉnh. Viết thêm phần ba câu chuyện như một kết thúc có hậu, Lê Lựu muốn hoàn tất việc lý giải chủ đề tác phẩm và thể hiện suy nghĩ của mình: Con người ta không nên “yêu cái người khác yêu”, cũng không nên “yêu cái mà mình không có”. Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi biết sống theo suy nghĩ và hành động của mình. “Thời xa vắng” vì thế có tác dụng như một bài học để mọi người không bao giờ lặp lại.

Sài trở lại quê hương và nhìn thấy quê hương mình sau mấy chục năm vẫn nghèo nàn và lạc hậu, tâm huyết với cảnh sống ở làng quê, anh đã đóng góp sức lực của mình và làng Hạ Vị đã bắt đầu thay da đổi thịt, Sài được mọi người ngưỡng mộ, đặc biệt là tình cảm của Hương dành cho Sài vẫn như ngày nào sau bao nhiêu hiểu lầm và đau khổ. Họ vẫn không đến được với nhau vì đây là một kết thúc quá muộn màng, khi người ta đã có vợ, có chồng khi người ta đã luống tuổi và đau khổ vì tan vỡ.

Lời tự thú của Sài sau bao năm đi tìm hạnh phúc của mình với anh Tính: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình. Nếu em cứ kiên nhẫn và quyết liệt như thế, chắc bố mẹ, anh em, đơn vị cũng không đem giết em. Về sau này nếu em có kinh nghiệm, em có hiểu biết và không hoa mắt choáng ngợp trước sự hấp dẫn của thành thị, bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, xem tạng người mình thì hợp với ai, có lẽ em không phải lao đao, lúc nào cũng cảm thấy hụt hơi trong suốt mấy năm qua. Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có !”.

Không chỉ là cuộc sống của một cá nhân mà qua tác phẩm còn là cuộc sống của cả một thời đại. Đó chính là khát vọng đổi đời của người nông dân; đó chính là cuộc sống chật vật thích làm thuê, làm mướn của nông dân hơn là tìm con đường để thay đổi cuộc đời mình. “Thời xa vắng” là một cái ngoái đầu về quá khứ để thấy được đất nước ta đang thay da đổi thịt từng ngày, đó là những nỗ lực không phải một sớm một chiều mà phải qua bao khó khăn thăng trầm của lịch sử. Nước Việt Nam đã giành được tự do và độc lập, niềm hạnh phúc lớn lao biết bao khi từ kiếp sống nô lệ nhân dân vươn lên làm chủ trong xã hội tự do. Nhà văn pháp Romand Roland viết “nhìn vào bất hạnh và cười” cho hay, tiếng cười đó phải là tiếng cười của sự đấu tranh, tiếng cười của sự từ bỏ chính đáng, tiếng cười của lòng quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới, một tư duy của thời đại mới sau những lần “quay đầu nhìn lại” để hướng đến tương lai.

III. Kết luận
Qua “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã tái hiện lại chuỗi bi kịch cá nhân do những quan niệm bảo thủ, ích kỷ của thời đại mang đến. Bi kịch của những con người không dám sống là chính mình bi kịch của người được là mình nhưng lại đánh mất mình. Ẩn sau đó là một tấm lòng yêu thương trân trọng con người, chỉ ra cái hạn chế, cái xấu kìm hãm sự tự do, hạnh phúc của con người, mong muốn đặt con người vào đúng vị trí, năng lực của nó. “Thời xa vắng” thể hiện tình cảm thẩm mỹ của thời đại mới, thời đại của ý thức cá nhân, một thời đại không chấp nhận bất cứ cái gì là giáo điều. Đồng thời Lê Lựu giễu nhại thứ quan hệ giả dối của lũ người xu nịnh, cơ hội; giễu nhại thứ quan niệm giai cấp giáo điều, xơ cứng; giễu nhại cái lối đánh giá người khác chủ quan, theo một khuôn mẫu cứng nhắc, cứ thấy ai khác mình là xấu; giễu nhại cung cách làm ăn tập thể không chú trọng chất lượng lao động cũng như chất lượng cuộc sống; giễu nhại chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa hình thức,…
BÀI THUYẾT TRÌNH MÔN CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN
(NHÓM  KIỀU OANH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét