Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Vấn đề con người trong thơ Nguyễn Duy - nhóm 6

1. MỞ ĐẦU
         Thời gian cứ mãi trôi, bánh xe lịch sử cứ quay đều. Văn học luôn trường tồn cùng những đổi thay của cuộc sống. Hơn bao giờ hết, vấn đề con người được đặt ra trong văn học ở mọi thời đại bởi “Văn học là nhân học” (M.Gorki). Văn học phản ánh cuộc sống. Hiện thực cuộc sống phản xạ qua lăng kính chủ quan của tác giả rồi khúc xạ qua tác phẩm. Vì thế trong tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống con người. Chính vì “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Biêlinxki) nên những trang văn, trang thơ là những trang đời.
        Theo nghiên cứu của các t điển và các nhà tư tưởng, điểm gặp nhau về chủ nghĩa nhân văn chính là hướng đến việc giải phóng con người, xem con người và sự phát triển của con người là mục đích cao nhất.
         Xuất hiện trong những năm khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả những ngày đất nước hòa bình độc lập, thơ Nguyễn Duy mộc mạc, chân phương nhưng vẫn ánh lên vẻ đẹp lấp lánh những giá trị CON NGƯỜI. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhìn nhận: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó”. Tuyển tập thơ Nguyễn Duy đã thể hiện những gì tinh túy nhất của thứ cây quý ấy mà vấn đề con người là giá trị không thể thiếu như đã nói ở trên.
2. VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG THƠ NGUYỄN DUY
   2.1 Con người trong cuộc sống đời thường
          Con người, nhân vật quan trọng nhất, đa dạng nhất và luôn được giữ vị trí trung tâm trong các tác phẩm văn học. Con người trong thơ Nguyễn Duy cũng vậy. Đó là những con người cụ thể được phản ánh chân thật như: người lính, người mẹ, người bà,  người vợ và chính mình...
          Đọc bài thơ  Bàn chân người lính của Nguyễn Duy, ta như tận mắt chứng kiến  tinh thần yêu nước và nỗi khó khăn vất vả trong những đêm dài hành quân của những anh bộ đội cụ Hồ thời chống Mỹ cứu nước:
“Già trẻ hỏi nhau lòng rưng rưng
- Các anh đi nửa đêm? Hay gà gáy?
 Chỉ thấy dấu chân như lời chào ở lại
 Bàn chân chuyển lay đổ bốt sập đồn
 Đi êm hơn giấc ngủ những người thương.”
          Hiện thực đời sống chiến đấu của dân tộc là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những trang thơ Nguyễn Duy. Hình ảnh người lính được khắc họa trong nỗi đau và nước mắt, thể hiện qua bài Cát trắng:
“Ấp chiến lược như nấm mồ câm lặng
 Cát tím bầm- lở  loét vết giầy đinh
Mồ hôi chảy thấm vào trong cát
Nước mắt chảy thấm vào trong cát
Máu người chảy thấm vào trong cát.”
     “Mồ hôi”, “nước mắt”, “máu người” đã “thấm” vào trong cát. Đó là sự hi sinh cao cả  của người lính trong thời chống Mỹ. Cái khoảnh khắc của cuộc chiến đấu, cái tôi cá nhân của “người lính” được thố lộ những cái riêng tư, những nỗi buồn, những đau khổ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
         Viết Đò Lèn, nhà thơ như sống lại những kí ức về tuổi thơ và hình ảnh người bà đáng kính. Đó là sự tri dậy của ý thức, tự nhìn lại bản thân, nhớ về những ngày thơ ấu say mê với trò chơi con trẻ:
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ trên vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”
      Bốn câu thơ đã gợi ra nhiều kỉ niệm thời thơ ấu đầy tinh nghịch. Tính chân thật, riêng biệt của kí ức tuổi thơ được thể hiện qua những cái tên rất cụ thể cống Na, Bình Lâm, chùa Trần. Đó là cuộc sống ở làng quê bình yên và có cái riêng tư. Cậu bé Duy đã thể hiện cái tôi cá nhân một cách chân thật và độc đáo.
          Có thể nói người mẹ là nguồn cảm hứng chính để Nguyễn Duy viết nên nhiều bài thơ xúc động, nổi bật nhất là Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa:
                               “Mẹ ta không có yếm đào
                                 nón mê thay nón quai thao đội đầu
                                 rối ren tay bí tay bầu
                                váy nhuộm bùn,  áo nhuộm nâu bốn mùa”
      Hình ảnh người mẹ hiện lên thật giản dị, còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng người mẹ ấy là tất cả đối với con, là thần tượng vĩ đại nhất trong lòng con.
     Viết về vợ là những bài thơ có vị trí khiêm nhường, tĩnh lặng, giản dị nhưng những câu thơ lại ngời lên xúc cảm sâu xa tận đáy lòng nhà thơ dành cho vợ:
                                “Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
Ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
                                 Đói lả mò về
                                 Cơm đâu...vợ ơi?”
(Vợ ơi)
     Cuộc đời đang “ngọ nguậy, xốc xếch” nhưng vẫn còn chốn tìm về mà gọi “cơm đâu...vợ ơi”. Thật xúc động thay với tình nghĩa vợ chồng !
         Qua những điều nói trên, chúng ta có thể thấy thơ Nguyễn Duy đều tập trung vào hình ảnh con người. Họ được đặt vào vị trí trung tâm với một địa vị cụ thể và luôn bộc  lộ được cái tôi cá nhân với những cảm xúc, tâm tư  và nguyện ước.
   2.2  Con người với khát vọng và ước mơ hạnh phúc, những nỗi niềm riêng tư thầm kín và những lỗi lầm
         Đọc thơ Nguyễn Duy, ta thấy toát lên những khát vọng và ước mơ hạnh phúc của con người về những điều bình dị, giản đơn mà vô cùng ấm áp. Khát vọng về cuộc sống gia đình bên mẹ, bên bà luôn là tâm trạng chính của “người con” trong thơ Nguyễn Duy.  Đó là kỉ niệm tuổi thơ ngọt ngào bên người bà thân yêu trong Đò Lèn:
                                   “Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
                                      níu váy bà đi chợ Bình Lâm”
     Ta còn xúc động với sự  bảo bọc, nâng niu, chở che của người mẹ dành cho con trong  Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa:
                                     “Nhìn về quê mẹ xa xăm
                                       lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
                                       ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
                                       miệng nhai cơm bún lưỡi lừa cá xương”
     Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời của tuổi thơ khi có mẹ, khi được sống trong vòng tay mẹ - người thầy đầu đời của con.
    Khao khát trở về với cuộc sống bình dị, giao hòa với mọi người với quê hương là ước mơ của nhân vật trữ tình trong bài thơ Xó bếp của Nguyễn Duy:
                                       “Nơi ấy vùng ta còn đun rạ đun rơm
                                         cơm nếp cứ thơm canh cua cứ ngọt
                                         con cá kho dưa quả cà kho tép
                                         việc vặt giúp bà ta từng quen tay”
     Riêng về người lính, chúng ta không chỉ nhận ra niềm khát vọng hòa bình trong lí tưởng chiến đấu  mà còn bắt gặp niềm vui, khát vọng tình yêu tuổi trẻ trong bài Nhận được thư ở Đông Hà:
                                        “Hành quân ngày lại thâu đêm
                                          Thình lình nhận được thư em, chập chiều
                                          Cám ơn đồng chí quân bưu
                                          Gửi tình yêu vượt suối đèo theo anh.
          Khám phá thơ Nguyễn Duy, chúng ta như từng bước bước vào thế giới nội tâm, đến với những nỗi niềm riêng tư thầm kín của con người trong thơ. Giây phút “giật mình” của nhân vật trữ tình khi đối diện với “người bạn tri kỉ” thuở nào  trong Ánh trăng:
                                    “Trăng cứ tròn vành vạnh
                                       kể chi người vô tình
                                       ánh trăng im phăng phắc
                                       đủ cho ta giật mình.”     
     Đây chính là giây phút mà con người “tự vấn” lương tâm, nhận ra sự thay đổi của cuộc sống và lòng người giữa quá khứ và hiện tại.            
          Con người trong thơ của Nguyễn Duy cũng là những con người bình thường nên không tránh được những lỗi lầm trong cuộc cuộc sống. Và chính chiến tranh, chính hoàn cảnh sống đã đưa đẩy con người bước vào những lỗi lầm ấy. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, đó chính là tâm trạng hối tiếc muộn màng của người cháu trong Đò Lèn:
                              “Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
                                 dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
                                 khi tôi biết thương bà thì đã muộn
                                 bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”
     Có lẽ, con người không có nỗi xót xa nào hơn, trớ trêu nào hơn trong bài Trở lại khúc hát ru. Người chồng lên đường chiến đấu, ngày trở về “Vợ anh vừa đẻ một thằng con”. Người vợ nhận lỗi cùng chồng trong nước mắt:
                                 “Anh chưa nói lời nào
                                  vợ anh đã đầm đìa nước mắt
                                   nước mắt cuốn trôi ngày vui gặp mặt
-         Em lỗi lầm
                        anh hãy xa em đi…
em không còn xứng đáng với anh nữa”
     Lỗi lầm ấy không ai mong muốn. Chính cuộc đời đã tạo nên lỗi lầm ấy và cũng bởi rằng  người vợ ấy là một “con người”.
         Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, nhà thơ Nguyễn Duy luôn chú ý, quan tâm đến những khát vọng và ước mơ hạnh phúc, cũng như đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn tình cảm và chỉ ra những lỗi lầm của con người. Chính vì vậy, con người trong thơ ông luôn mang đậm tính người.
   2.3 Con người đấu tranh bảo vệ quyền sống, bảo vệ môi trường tự do
          Một tác phẩm văn học mang đậm tính nhân văn là phải thể hiện được sự tôn trọng quyền của con người, điều gì làm mất đi quyền con người thì phải đấu tranh. Đến với những trang thơ của Nguyễn Duy, chúng ta cũng sẽ nhận thấy được điều đó.
         Tìm đến những con người trong thơ thời chống Mỹ của Nguyễn Duy, ta sẽ thấy được tinh thần phản đối chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc của những người con đất Việt. Trong Đò Lèn, tình cảm cháu dành cho bà mãi vẹn nguyên trong kí ức và cả trái tim. Nhưng rồi đột ngột, tuổi thơ chợt bay biến theo tiếng bom đạn và sức càn  quét của giặc Mỹ: 
                         “Bom Mỹ dội, nhà tôi bay mất 
                          đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền.
     Chính chiến tranh đã gây nên nỗi tang thương cho đất nước và cũng chính chiến tranh đã làm cho biết bao gia đình phải li tán. Người cháu đã lên đường chiến đấu, chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, bảo vệ người bà yêu dấu. Nhưng hành trình trở về lại là một nỗi buồn man mác:
 “Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
 dòng sông xưa vẫn bên lở  bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”.
     Trong bài Từ trái bom đến trái dừa, nhà thơ đã vạch rõ tội ác của quân giặc:
                                “Thằng Mỹ dắt bom tới Hàm Rồng
                                 Bom rơi xuống màu xanh sông Mã”.
     Và hình ảnh người bảo vệ sự thanh bình cho đất nước xuất hiện:
                                “Chị dân quân
Và lưỡi dao
Im lặng.
Thằng Mỹ dưới chân – có phải con người?”.
     Nguyễn Duy đã sử dụng một chút hài hước như muốn giảm bớt sự đau thương nhưng cũng đủ làm cho quân thù khiếp sợ:
                                 “Chị dân quân cắn môi
Lưỡi dao loáng sắc trời
Bổ chát!
Không,
Không bổ cái đầu bờm cúi rạp
Mà bổ trái dừa cho một cơn đói khát”.
           Con người luôn đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước và khi kết thúc chiến tranh mưa bom bão đạn, lại phải tiếp tục cuộc “chiến” với chính mình: Chống trì trệ và đói nghèo. Bài thơ  Đánh thức tiềm lực toát lên tâm trạng xót xa, trăn trở của một người yêu nước tha thiết, mãnh liệt với điệp khúc: “Tiềm lực còn ngủ yên” và động viên những người con của dân tộc phải:
 “Năng động lên nào! ...
  Cần lưu ý … cần lưu ý:
  lời nói thật có thể bị buộc tội
  lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương…
 đạo đức giả có thể thành dịch tả
 lòng tốt lơ ngơ có thể bị lạc đường”
     Thi phẩm Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ như một lời cảnh báo, nói với cả nhân loại đang tồn tại trên hành tinh xanh: Hãy bảo vệ môi sinh cho cái nôi sự sống:
“Quả đất nóng dần lên
  tầng ôzôn có vấn đề gì đó
 Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ
 Tri thức nhồi vào, tri thức cứ phòi ra
 Mắt vấn đề toét, tai vấn đề ù
 bất ổn vấn đề giấc ngủ…”
          Nhìn chung, con người trong thơ Nguyễn Duy không tĩnh tại, đứng yên mà luôn đấu tranh: Đấu tranh chống lại giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước; đấu tranh chống lạc hậu trì trệ trong xã hội và bảo vệ môi sinh để con người có được môi trường tốt đẹp phát triển năng lực bản thân góp phần xây dựng nước nhà.
   2.4 Con người phản ánh cái xấu, vạch trần bản chất của những thế lực bất nhân
trong xã hội
         Với Nguyễn Duy, cuộc đời con người xung quanh đều đáng thương, họ vẫn còn đau khổ, bi đát, bế tắc bởi cái xấu, cái bất nhân ngự trị. Ông đã nhận vào mình những              va động đầy ám ảnh của đời và chắt lọc thành những vần thơ vạch trần, tố cáo, phê phán….
         Bài thơ Ánh trăng là lời phê phán nghiêm khắc đối với những kẻ bạc bẽo, giàu sang quên bạn cơ hàn:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ”
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
         Con người sinh ra là kiệt tác của tạo hóa, vậy mà “người giúp sinh” cho những kiệt tác ấy lại bị rẻ rúng, xem thường. Mượn ý nghĩ của người nữ hộ sinh, nhà thơ như thốt lên những phản ứng gay gắt:
Nhớ lời xưa của đôi đứa bạn bầy:
-Ồi, có ra gì cái nghề đỡ đẻ!
Em nghĩ những ai nói lời như thế
Cũng không phải từ dưới đất trồi lên.
        Trong thời kỳ đất nước đổi mới, ở nơi xứ người (Liên Xô cũ) từ nơi xa xôi tuyết trắng, nhà thơ vẫn thấy được những tệ nạn xã hội đáng báo động ở quê nhà:
“…Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
     Ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
     Đạo chích thành tôn giáo phổ thông
     Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
     Buôn lậu, buôn quan, buôn thánh thần – buôn tuốt
     Quyền lực bày ra, đấu giá trước ông đường”
                                                                                   (Nhìn từ xa …Tổ quốc)
         Cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, trì trệ vẫn luôn tồn tại xung quanh cái tốt, kiềm hãm sự phát triển của con người và xã hội. Điều quan trọng là Nguyễn Duy đã dám nhìn thẳng sự thật và phản ánh nó trên những trang thơ. Đây chính là điểm sáng làm nên sự thành công của Nguyễn Duy.
 2.5  Con người dưới góc nhìn thẩm mỹ
        Đọc thơ Nguyễn Duy, chúng ta phát hiện được cái hay cái đẹp qua cách sử dụng thể thơ lục bát. Nguyễn Duy không hề biến dạng thể lục bát mà vẫn giữ được sự êm ái đều đặn với thanh trầm đặc trưng của tiếng nói Việt Nam, chứa chan tình cảm con người:
“Mặt trời là trái tim anh
                            Mặt trăng vành vạnh là tình của em”
                                                                                    (Bầu trời vuông)
        Một vài trường hợp Nguyễn Duy sử dụng cả câu ca dao, trường hợp khác nhà thơ sử dụng chất liệu ca dao để trộn vào những bài lục bát của mình nhưng không phải để trang trí, làm duyên. Mỗi bài thơ lục bát có lẫn ca dao của Nguyễn Duy đều gợi ra những góc nhìn mới mẻ, những suy nghĩ sâu sắc về lẽ đời, con người:
Cái cò…sung chát…đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
                                                                          (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
       Đến với  Hai lần chết của một người lính cộng hòa chúng ta phần nào cảm nhận được sự hi sinh của người lính trong chiến tranh. Giọng thơ nặng trĩu nỗi buồn xót xa:
                              “Dòng máu anh đất hút khô rồi
                               Anh teo quắt, đất vẫn khô không khốc
                               Bà con thương tình chôn anh xuống đất
                              Chưa được nửa ngày, bom Mỹ lại đào lên.
       Ngoài ra, lối dùng chữ lắt léo và cá tính của Nguyễn Duy cũng mang đậm tính nhân văn làm rung động trong thẳm sâu tâm hồn người. Chất hài hước trong thơ Nguyễn Duy biểu hiện qua những tiết điệu uyển chuyển, hình ảnh lạ nhưng ấm áp tình người:
                                      “Móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc
                                        Vợ dìu ta tầng bậc thang mòn”
                                                                                                 (Vợ ơi)
       Thơ Nguyễn Duy đôi khi ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm.      Tiếp cận thơ Nguyễn Duy, chúng ta thấy dường như nhà thơ “cầm một cây tre quậy vào cái ao nhà mình…”  (Lê Thiếu Nhơn) để tạo nên một hồn thơ riêng thấm đẫm giá trị nhân văn làm nổi bật giá trị con người trong những tình điệu thẩm mỹ lấp lánh trang đời.
3. KẾT LUẬN
        Thơ Nguyễn Duy có khi mộc mạc chân phương dễ hiểu vì những gì nó hướng tới cũng không quá trừu tượng, không vượt ra ngoài đời sống tai nghe mắt thấy tự tình của con người. Có khi đẹp một vẻ đẹp trau chuốt cổ điển nhờ sự giản dị mà tinh hoa của câu chữ, hình ảnh diễm lệ nhưng không gò bó rườm rà, cảm xúc nồng nàn mà tiết chế. Cũng có khi bâng quơ nhưng bất chợt lãng mạn khó ai bì…
        Vấn đề CON NGƯỜI  hiện lên trong thơ Nguyễn Duy luôn ở vị trí trung tâm. Đó là hình ảnh người bà, người mẹ, người vợ, người lính, chính mình…Là những ước mơ khát vọng hạnh phúc của những ký ức tuổi thơ, những nỗi niềm trăn trở. Nơi đó quyền sống con người sẽ được bảo vệ bằng sự đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác của chiến tranh, của những tiêu cực đời thường. Bao trùm tất cả là giá trị thẩm mỹ trong thơ Nguyễn Duy, nơi đó có cái hay, cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài…của con người.

          Tóm lại, đọc thơ Nguyễn Duy, ta thấy ông “hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác có thể chỉ là thoảng qua thì ở nhà thơ nó sâu lắng và dường như đọng lại…” (Hoài Thanh). Con người, tình người luôn thấm đẫm trong những trang thơ của ông. Đó chính là lời giải đáp làm nên giá trị nhân văn và thẩm mỹ của thơ Nguyễn Duy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét