Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU – NHÓM 5

A.    ĐẶT VẤN ĐỀ
Mọi thời đại đều quan tâm đến "nhân tố con người" xem nó là đối tượng chủ yếu của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Trong quan điểm Mác - xít, văn học đặt con người vào vị trí trung tâm và bình diện thứ nhất như M. Gorki từng nói “văn học là nhân học”.
Như mọi nhà văn chân chính, khi lựa chọn công việc cầm bút làm sự nghiệp của đời mình, Nguyễn Minh Châu đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm, về sứ mệnh của nhà văn trước con người, cuộc đời và đất nước.
Từng quan niệm “văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”, Nguyễn Minh Châu trước sau đều hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá và thể hiện con người. Nhưng sự nhận thức của nhà văn về con người cũng là một quá trình mở rộng và đào sâu trong cả hành trình sáng tác.
Trong những năm chiến tranh, khi hướng tới sự khái quát bức tranh lịch sử với cảm hứng sử thi lãng mạn, Nguyễn Minh Châu đã tập trung thể hiện những vẻ đẹp cao cả. Những nhân vật thành công của Nguyễn Minh Châu, dù ít nhiều có nét riêng, nhưng vẫn nằm trong khuôn mẫu chung của nhân vật trong sử thi mà tính loại hình nổi trội hơn tính cá biệt. Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã dần đi tới quan niệm toàn vẹn và đa chiều về con người. Vượt qua quan niệm còn phiến diện và một chiều của văn học mang khuynh hướng sử thi, nhà văn tiếp cận con người trên nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: con người thế sự, đời tồn tại cùng với con người xã hội – lịch sử, con người trong tính cá thể riêng biệt và tính nhân loại phổ quát… Hứng thú nhất với ngòi bút Nguyễn Minh Châu là khám phá cái thế giới bên trong, đầy bí ẩn của con người, lật xới vào những tầng đáy sâu của tâm lí, tư tưởng, cả tiềm thức và tâm linh của con người.
Đồng cảm với những trăn trở về số phận con người trong tác phẩm của nhà văn, chúng tôi tiếp cận tìm hiểu về vấn đề con người trong truyện ngắn của ông. Do yêu cầu dung lượng bài thuyết trình ngắn, chúng tôi tập trung tìm hiểu một số truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu với những tiêu chí chủ yếu về quan niệm con người trong văn học.
B.     NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1975
1. Con người trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trước năm 1975
1.1 Con người của lí tưởng Cách mạng cao cả
Con người trong sáng tác Nguyễn Minh Châu trước 1975 hầu như chỉ được xây dựng: những con người tốt đẹp, những nhân cách cao thượng anh hùng, họ là những con người mang vẻ đẹp của lý tưởng Cách mạng: “Mỗi con người quen biết mà mình từng chung sống đều có một cuộc đời gắn liền với lịch sử đất nước đầy thử thách, mỗi người đều mang trong lòng biết bao điều tốt đẹp mà mình có thể học hỏi, có thể khám phá suốt đời không hết. (Cửa sông).
Họ là những người chiến sỹ trẻ như Nguyệt, Lãm, Sơn, Lê với đời sống tinh thần phong phú, luôn lạc quan, yêu đời trước sự tàn phá dữ dội của chiến tranh; giữa cuộc chiến đấu họ có thể làm thơ, sau đợt B52 của địch họ vẫn vút lên tiếng sáo trầm bổng tha thiết của người chiến sĩ: “các chiến sĩ pháo thủ mắc chiếc võng bằng vải bạt lên cây, nằm ngưới lên nhìn khung trời quang đãng và nhẩm đọc cho nhau nghe những bức thư Tết sắp gửi đi.” Và giữa những giây phút ấy “người chiến sĩ cảm thấy một niềm bâng khuâng, y như có một nụ hồi xanh vừa nảy ra trong lòng mình.”
Màu sắc lãng mạn của ánh sáng lý tưởng chủ nghĩa đã xây dựng nên những con người giàu đức tin, từ những việc đã gặp trong cuộc sống hàng ngày, những biểu hiện cụ thể trong tư tưởng hành động và tình cảm của những người lạ và quen trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, trong những vang âm của không khí sôi sục chống Mỹ cứu nước. Mỗi người như tin ở người thân mình hơn. Như trong truyện Những vùng trời khác nhau, Sơn và Lê trở thành bạn thân nhau từ những ngày họ sống với nhau cùng một đơn vị pháo nổi tiếng. Từ đó Lê không còn nhìn Sơn với cặp mắt lạnh lẽo và nghiêm khắc như cái hồi Sơn mới vào Đội. Lê càng tin sơn hơn. Khi Sơn bị thương, Lê đứng giữa trận địa, vẫn sáng suốt theo dõi địch nhưng lòng đau như cắt. Giữa họ có sự giao hòa và “san sẻ” tính cách cho nhau. Sơn thôi lãng mạn và kêu nhớ nhà mà thay vào đó là khuôn mặt già dặn và đăm chiêu hơn khi nhìn đời, nhìn chiến tranh. Ngược lại, Lê lại bắt đầu bâng quơ trong những suy nghĩ và lại kêu nhớ nhà…
   Nguyễn Minh Châu không chỉ miêu tả phương diện chiến sĩ của mỗi con người mà còn thể hiện những cảm nhận về phẩm chất con người của mỗi người lính. Ông còn khám phá vẻ đẹp của con người từ các khía cạnh đạo đức đời thường, từ ý niệm và giá trị của mỗi cá nhân. Đó chính là cơ sở tạo nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng, giàu sức sống của hình tượng con người trong truyện ngắn chống Mỹ. Trong Mảnh trăng, ngoài việc nêu bật ý thức hướng về lý tưởng và nhiệm vụ chung, ý thức vì tập thể, nguyên tắc ứng xử cơ bản của con người, tác giả còn thể hiện vẻ đẹp của những lý tưởng lãng mạn Cách mạng ở tình yêu lứa đôi trong sáng.
Tình yêu lứa đôi, nếu có, chỉ có thể ra đời trên cơ sở của lòng cảm phục, của tình đồng chí, của tình yêu quê hương, đất nước. Trên nền của những tình cảm chung đó, tình yêu càng trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa. Họ yêu và luôn chung thuỷ với tình yêu dù chưa một lần gặp mặt. Họ – những chàng trai cô gái như Lãm, Nguyệt – những người chiến sĩ Cách mạng với một tình yêu thuần tuý, một tình yêu đẹp lạ kỳ của tuổi trẻ trong chiến tranh chống Mỹ. Nó được ví như “sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi”. Vẻ đẹp lãng mạn trong cuộc kháng chiến còn được thể hiện cụ thể trong tác phẩm Mảnh trăng với ánh trăng kỳ ảo như mơ như thực, trong cái thế giới đặc biệt ấy cái đẹp và niềm tin hòa quyện vào nhau và hiện ra rạng rỡ hơn, lung linh hơn và mở ra cả chiều sâu thẳm chưa với tới được. Tâm hồn người lính hiện ra qua các trang viết của Nguyễn Minh Châu vừa bình dị, hiền hoà vừa lấp lánh ánh sáng rực rỡ của lý tưởng Cách mạng.
 1.2 . Con người của sự hi sinh thầm lặng và hành động anh hùng.  
   Trong quan niệm nghệ thuật những năm 1945 – 1975, con người được đề cao là những con người mang vẻ đẹp của sự hi sinh và hành động anh hùng. Họ hi sinh và đoàn kết, chiến đấu và kỉ luật, tâm lý họ không phiền phức, rắc rối. Con người được đánh giá trước hết trong những hành động thực hiện nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng, “anh hùng chỉ có thể là anh hùng nếu hành động của họ đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, hành động anh hùng mới phải góp phần thiết thực thúc đẩy bánh xe lịch sử tiến lên”.
   Trong văn học chống Mỹ, những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thường nghiêng về vẻ đẹp hào hùng và tươi tắn của cả cộng đồng, nghiêng về những sự kiện vĩ đại, những người anh hùng và được thể hiện bằng bút pháp thi vị hóa, giàu chất thơ. Họ là những thanh niên trên đường hành quân cứu nước đi vào cuộc chiến tranh với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đồng thời toát lên tình yêu đất nước, yêu nhân dân, tình đồng đội, tình bạn và tình yêu. Những người chiến sĩ ấy như Sơn - thư sinh Hà thành vừa từ giã gia đình đến với khẩu đội pháo, như Nết - một thiếu niên gác phòng không...  
   Những phẩm chất đẹp đẽ cao quý của con người Việt Nam trong cuộc sống chiến đấu và lao động hàng ngày đã được thể hiện ở những dáng vẻ khác nhau. Dòng máu yêu nước có trong mỗi con người đã khiến họ tự giác làm tất cả mọi công việc thậm chí hi sinh cả tài sản, tính mạng bản thân mình, như hành động của Mẹ Lân trong Người mẹ xóm nhà thờ : “Em Nết mất, kẻ thù đó dứt đi một phần da thịt vậy mà mẹ đủ bình tâm làm việc, còn lo cho tôi không có chỗ ngủ” hay “Giữa khung cảnh khói đạn mù mịt cùng cơn giông bão đang nổi lên ầm ầm. Người ta thấy một người đàn bà, tay cầm đòn gánh đang lao qua những đám cháy ngoài bờ sông chạy lên trận địa. Người đàn bà quần áo cháy sém, tả tơi chạy thẳng tới bên ụ súng đôi mắt đỏ ngầu ngước nhìn những chiếc máy bay như một đàn thú vờn lượn trên đầu.”.
Những con người không hề biết đến Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng nhưng lại là người viết tiếp và làm vẻ vang hơn trang sử hào hùng ấy qua những hành động của mình. Từ đó, trong nền văn học kháng chiến ta bắt gặp thêm một hình tượng mới trong nghệ thuật – hình tượng người anh hùng vô danh.
1.3.  Sự hòa hợp giữa con người cá nhân và ý thức cộng đồng
Lăn lộn nhiều với đời sống quân đội, Nguyễn Minh Châu viết nhiều về người bộ đội, họ đến từ những vùng trời khác nhau. Trong Những vùng trời khác nhau, ngày đầu đến với khẩu đội cao xạ, Sơn còn mang tâm trạng nhớ nhà, nhớ Hà Nội đến không chịu được. Sơn mang theo bên mình nhiều kỷ vật của một anh học sinh nào sách học, nào truyện, thư từ và những chiếc khăn mùi xoa có mùi nước hoa. Với cặp mắt lạnh lẽo và nghiêm khắc, Lê để ý xét nét từng cử chỉ của Sơn - người pháo thủ mới đến, trắng trẻo, với khuôn  mặt trái xoan, đôi mắt thông minh, dáng đi mềm mại như con gái, khoác bên hông chiếc túi da kiểu du lịch rất sang trọng to hơn cái ba lô Sơn khoác sau lưng.
Trong những năm tháng Sơn được cắp sách đến trường, thì Lê đã phải dắt trâu đi cày, từ bé đã vất vả. Vì thế mà “đôi gò má Lê sớm sạm nắng và nhô cao như một nhát đất cày”. Cái nhìn của Lê bao giờ cũng nghiêm khắc như một cơn gió Lào. Lê nghĩ không biết rồi họ sẽ sống với nhau ra sao, khi giữa họ khác nhau đến vậy. Và họ đã trở thành bạn thân của nhau qua những năm tháng cùng nhau đi khắp gầm trời miền Trung đầy sắt thép và khói lửa, hai người chung tấm giát nằm bằng sậy và mặc chung nhau vài chiếc áo khét lẹt mùi thuốc đạn và mùi mồ hôi pha tạp. Thời gian đã làm Sơn thay đổi nhiều, bom đạn, bùn đất và gió Lào đã làm khuôn mặt anh sắt lại, hai gò má sạm nắng, trông già đi trước tuổi và đã mất cái vẻ trắng trẻo và non nớt ngày nào. Những vật kỷ niệm về Hà Nội giờ cũng không còn. Đôi mắt của Lê nhìn mọi vật cũng khác hẳn. Vì lý tưởng chung chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng trời thiêng liêng, họ từng đứng sát bên nhau trong những giây phút lịch sử của đời lính.
Hay trong Mảnh trăng, khi xe không đi được Nguyệt vội nhảy ùm xuống nước rồi nhanh nhẹn lội phăng qua bờ bên kia giúp Lãm cột dây tời vào gốc cây. Khi máy bay địch đánh tọa độ, Nguyệt rất nhanh và khỏe cô túm lấy Lãm đẩy vào vật gì đó cứng và sâu. Không ngại hi sinh, Nguyệt chấp nhận nguy hiểm để nhường chỗ an toàn cho Lãm “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!”. Khó ai nghĩ đằng sau tấm thân mảnh dẻ của cô lại là một tinh thần đầy dũng cảm, biết hi sinh đồng đội, vì nhiệm vụ chung của cả nước. Con người mang vẻ đẹp và sức mạnh tập thể dù cho chiến tranh, bom đạn khắc nghiệt cũng không làm tàn phá nổi.
2. Cái mới về con người trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975
2.1. Sự kế thừa của con người công dân
Nếu ngày trước phẩm chất con người công dân được khẳng định trong cái cao cả của Tổ quốc, của sự nghiệp cách mạng, của giai cấp, thì bây giờ, phẩm chất công dân của những con người ấy không chỉ thể hiện bằng những chiến công lừng lẫy, những trận đánh oanh liệt mà còn thể hiện qua cách cư xử đầy tình yêu thương. Họ sống vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh trong những mối quan hệ đời sống với tất cả những éo le, trắc trở của nó, với sự thật trần trụi, thê thảm và cả cái cao khiết lồng lộng sẽ mãi trường tồn.
Con người công dân của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn này vẫn là những người lính, người chỉ huy đơn vị với lí tưởng cao đẹp. Quỳ và người yêu của cô (Người đàn bà trong chuyến tàu tốc hành)  là những thanh niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, họ từ bỏ những cơ hội thăng tiến tốt nhất để đem sức trẻ của mình phụng sự cho lí tưởng Cách mạng, cho những ngày tháng chiến đấu gian khổ ở dãy Trường Sơn khói lửa đạn mù. Hay như Lực trong Cỏ lau vào bộ đội từ thời Vệ quốc đoàn đến những ngày giành nhau với địch từng bãi tha ma ở thành cổ Quảng Trị trong vai trò là một phó chính ủy bản lĩnh, uy tín. Rồi cho đến thời bình, Lực vẫn sống hết mình vì lí tưởng cao cả ấy bằng một tình cảm gắn bó sâu nặng đối với những đồng đội của anh đã ngã xuống ở vùng cỏ lau man dại.
Chiến tranh đã qua, nhưng ngọn lửa nhiệt tình, tinh thần xả thân và hi sinh của người lính còn mãi. Phẩm chất ấy của người lính một lần nữa được thử thách trong cuộc chiến tuy âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt đang diễn ra hàng ngày trong cuộc đời của chính họ trong thời hậu chiến, khi họ quay về với trách nhiệm và nghĩa vụ đời tư. Khi Lực trở về tìm người thân thì Thai đã là vợ của một người đàn ông khác, cha anh phải sống nương nhờ vào gia đình của cô con dâu và ông lão cũng không còn nhận ra Lực. Vì trong ý nghĩa của mọi người, Lực đã chết và nấm mồ ở bãi tha ma là một minh chứng oan nghiệt cho sự hi sinh của anh.
Những phẩm chất công dân đã trở thành máu thịt của người lính, các nhân vật này luôn thể hiện những cách ứng xử cao đẹp trong từng nếp nghĩ, nếp làm. Nhờ thế, họ có thể vượt qua những bế tắc trong cuộc đời, tìm thấy niềm vui và hạnh phúc ngay trong chính sự hi sinh của mình.  Lực quyết định ra đi để Thai sống hạnh phúc với gia đình mới. Quỳ chưa hết đau thương trước cái chết của người yêu, chị tiếp tục nhận lấy sự tổn thương khác từ Ph. – một kẻ kiêu ngạo, tài năng nhưng lầm lạc. Chính lòng nhân từ của chị đã cảm hóa được con người chai sạn tình cảm như Ph. trở thành một người chồng tốt, một giáo sư đầu ngành cả nước.
Mỗi cá nhân là một tính cách, một cảnh ngộ khác nhau nhưng suy cho cùng, cách xử của những con người này trước những thử thách, nghịch cảnh mà cuộc sống đặt ra đều hướng tới lợi ích chung của cộng đồng, đất nước trong những năm đầu hòa bình lập lại. Hành động cao thượng ấy của họ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: không muốn phá vỡ cái trật tự cuộc sống được tổ chức lại sau trận cuồng phong dữ dội của lịch sử dân tộc. Chiến tranh kết thúc, đừng khơi gợi những thương tổn sâu xa đã thuộc về quá khứ và phá vỡ những mầm sống mới hoài thai. Biết chôn sâu những thù hằn và biết tha thứ những lỗi lầm của nhau để cuộc sống chỉ còn là tình người, tình đời gắn bó máu thịt với quê hương làng xóm lẫn những kỉ niệm hạnh phúc và đớn đau.
2.2 . Con người cá nhân
2.2.1 Con người với những góc khuất đời thường
Những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 đã tiên phong trong việc thể hiện bản chất vốn có của con người. Vì Nguyễn Minh Châu hiểu rằng văn học là người thư kí trung thành của thời đại nên dù muốn hay không thì con người và bản chất con người luôn là đối tượng để văn học phản ánh, mà phải phản ánh chân thật nhất. Nếu không thì theo ông “ngòi bút của chúng ta sẽ trở nên phản bội người chiến sĩ nếu chỉ biết cái lúc họ vác súng ra mặt trận với một tâm hồn phơi phới mà không biết cái lúc buồn bã, đau đớn, những lúc đói rét, những lúc nằm giữa đồng đội chết và bị thương, trong bùn lầy, trong mưa bom bão đạn… Ngòi bút của chúng ta sẽ trở nên phản bội mọi người nếu nói rằng những người dân của chúng ta ở hậu phương hoàn toàn no ấm đầy đủ, những người mẹ tiễn con, những người vợ tiễn chồng ra chiến trường với một nụ cười trên môi và trong lòng họ chẳng có gì buồn bã.”. Chúng ta không khó nhận thấy sự thay đổi lớn lao ấy trong những tác phẩm: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Mùa trái cóc ở miền Nam hay Chiếc thuyền ngoài xa
Nếu như những con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 đã được “thi vị hóa” cho đẹp, cho tương ứng với tâm thế con người thời đại ấy thì sau năm 1975, nhà văn mang lại những con người rất thực. Khi trở về đời thường, con người luôn gắn với những đòi hỏi và nhu cầu vốn có của cá nhân. Con người có đôi khi chuyển thành cá nhân, vị kỉ, lộ dần bộ mặt thật trong những suy tính thiệt hơn. Họ là những con người đớn hèn, phản bội cách mạng, dễ thỏa hiệp với danh lợi và sẵn sàng giẫm lên đạo nghĩa để thu vén lợi ích cho bản thân.
Nhân vật Toàn trong truyện ngắn Mùa trái cóc ở miền Nam là một minh chứng rõ nét. Anh ta là một Tiểu đoàn trưởng – một người lính Cộng sản, nhưng thay vì là người sống có khát vọng, có lí tưởng và hoài bão thì Toàn là con người đầy mưu mô, tham vọng và hình thức. Cái mưu mô của Toàn trước hết là gây dựng chân tay thế lực cho riêng mình và loại trừ những kẻ chống đối. Chiến tranh vừa kết thúc mươi ngày, chiến trường còn ngổn ngang bom đạn, xác lính người tử trận còn chưa dọn dẹp xong ấy vậy mà trong nội bộ hàng ngũ của những người lính ấy lại thanh trừng và đấu đá lẫn nhau vì lợi ích cá nhân và quyền lực. Cái chết đầy uẩn khúc của Phác là những gì mà Toàn và Đĩnh (tay sai đắc lực của Toàn, kẻ từng chịu ơn cứu mạng với Phác) mong đợi và dự tính trước. Đối với nhà báo và thủ trưởng Thái thì anh ta cố tỏ ra vẻ khúm núm và là một người mẫu mực. Trong khi đó, đối với mẹ mình đã xa cách hơn 20 năm thì thờ ơ, lãnh đạm và cho rằng nhục nhã vì có người mẹ theo giặc làm ảnh hưởng đến tương lai của mình…
2.2.2. Con người của sự ăn năn dằn vặt
Ngoài ra, con người trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu còn là con người của sự dằn vặt, ăn năn, hối hận với những lỗi lầm của mình. Ai đó đã từng nói rằng: Con người trong văn học đôi lúc thật hơn cả con người thật ngoài đời. Cái thật ở đây phải chăng là thật với chính mình, dám nhìn thẳng vào những lỗi lầm, sai trái của bản thân để rồi tự ăn năn, day dứt. Nhân vật người họa sĩ trong Bức tranh chỉ vì quan tâm đến danh tiếng của mình đã quên đi lời hứa với anh bộ đội, và sự vô tâm ấy đã gián tiếp khiến người mẹ vì quá thương nhớ con trở nên mù lòa. Không tìm thấy sự phán xét của người khác, anh đã tự phán xét mình bằng bức tranh tự họa thể hiện một cái mặt người rất lớn với “Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín bởi một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt màu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc đang nhìn vào nội tâm.”
Ngồi trên ghế cắt tóc, nhưng tâm tưởng người họa sĩ đang ráo riết truy đuổi chính mình. Truy đuổi đến tận góc khuất của lối mòn công thức, sự cao ngạo, vô tâm, thói xấu và sự ngụy biện. Cuộc chấp vấn lương tâm được đẩy lên đỉnh điểm thông qua cuộc đối thoại tưởng tượng: một bên là người hoạ sĩ, một bên là người lính. Chính cuộc tự vấn ấy để người họa sĩ nhận ra “Trong con người tôi đang sống, lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”.
Khi để nhân vật tự chất vấn, tự dằn vặt, tự phán xét mình cũng chính là lúc nhà văn đang khẳng định niềm tin mãnh liệt vào khả năng thức tỉnh lương tri, khả năng hướng thiện của con người. Đó chính là nét đẹp của tinh thần nhân văn, là giá trị trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
2.3. Con người của những bi kịch đời thường và mất mát đau thương thời hậu chiến
Chiến tranh kết thúc đã hơn 30 năm, bom đạn thôi gầm thột trên bầu trời Việt Nam. Nhưng không có nghĩa là những bi kịch và mất mát đau thương dừng lại. Vẫn còn khắp nơi trên đất nước này một nỗi đau mà thời gian không thể nào bôi xóa được – nỗi đau về sự khốc liệt của chiến tranh. Đất nước sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn và gánh nặng đất nước lại một lần nữa đặt lên vai những người có trách nhiệm. Hiện thực ấy buộc những người cầm bút có trái tim phải phản ánh nhịp thở của thời đại phải có cái nhìn khác, chân thực, khách quan hơn trước cuộc sống mới.
Nguyễn Minh Châu đã chiêm nghiệm sâu sắc rằng "chiến tranh không chỉ có chiến công, không chỉ có anh hùng và quả cảm mà còn một phần chìm khuất bao nỗi đa đoan của con người, của cuộc đời, biết bao sự hi sinh mất mát, dang dở chia lìa... vẫn phải dằn lòng lại". Chính vì thế sau năm 1975 những sáng tác của ông mang đến cái mới trong cách nhìn đời, nhìn người và đặc biệt là những số phận con người mới với những bi kịch và mất mát thời hậu chiến.
Bi kịch đầu tiên là bi kịch ở sự mong muốn và thực tế trái với điều mình mong muốn. Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành yêu Hòa (một người trác việt) nhưng cô mong muốn anh phải trở thành một “thánh nhân” nên cô không thể chấp nhận tật đổ mồi hôi tay và hay mặc quần xà lỏn của anh trong lúc hai người yêu nhau; dù anh là một Trung đoàn trưởng tài năng, làm nên những trận đánh kinh thiên động địa ở cái tuổi 29. Cô chạy trốn và hờ hững với tình yêu của Hòa cho đến khi anh tử trận thì cô mới nhận ra rằng trên đời không có thánh nhân và mình không cần yêu một thánh nhân – cô chỉ cần có Hòa. Đến khi Quỳ cầm đôi tay dập nát của anh cô mới thấy trân trọng đôi tay ấy, mơ ước được cầm lại đôi tay nguyên vẹn như thuở nào - đôi tay mà khi xưa cô vẫn hay chê trách vì hay đổ ướt mồ hôi. Hòa bây giờ không còn mặc quần xà lỏn mà đi lêu nghêu trước mắt làm cô phải phật lòng vì trước mắt cô chỉ còn lại một thân xác rả rời vì bom đạn. Tất cả chỉ còn lại ánh mắt và một nụ cười bí hiểm.
Nỗi đau của nhân vật người đàn bà (Chiếc thuyền ngoài xa) không phải là nỗi đau gắn liền với bất công giai cấp như trong văn học thời trước mà là nỗi đau của cuộc sống đời thường – của người đàn bà hàng chài lam lũ, nghèo khó lại đông con. Người đàn bà ấy được Nguyễn Minh Châu khai thác với toàn bộ sự thật, toàn bộ hiện thực đời sống, với tất cả những mâu thuẫn, xung đột nhiều khi đến đau đớn và bi đát. Nếu không suy ngẫm sâu sắc, cận kẽ, người đọc sẽ không khỏi bức xúc trước cảnh người đàn bà dù chịu những trận đòn tàn bạo của người chồng vũ phu với “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng vẫn cương quyết không chịu bỏ chồng. Những điều ấy tưởng như là những nghịch lí khó có thể chấp nhận, khó có thể giải thích, nhưng đó lại là những nghịch lí tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người, và đó chính là cuộc đời. Những nghịch lí ấy được lí giải bằng chính quy luật của cuộc đời, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, bằng tấm lòng vị tha của người phụ nữ, bằng cái nhìn thấu đáu, đa diện, nhiều chiều của nhà văn.
Với cái nhìn đó, con người trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu luôn được xây dựng với sự đan cài, lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu. Nhân vật người đàn bà hiện lên với vẻ bề ngoài xấu xí, mặt rổ, dáng người thô kệch, nhẫn nhục và cam chịu, nhưng ẩn đằng sau vẻ bề ngoài ấy là vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẫu tử, của đức hi sinh cao cả, của lòng vị tha và sự thấu hiểu lẽ đời. Người đàn bà tưởng chừng như lúc nào cũng rụt rè, nhút nhát ấy cũng đã dám tự bộc lộ, dám nói lên những nỗi niềm, những suy nghĩ riêng của giới mình : “Các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên những chiếc thuyền không có đàn ông.”.
Dạng bi kịch thứ hai là bi kịch tinh thần của những lỗi lầm trong quá khứ, đó có thể là người họa sĩ trong Bức tranh. Nhân vật này hiện ra với sự giằng xé nội tâm dữ dội giữa sự thú nhận tội lỗi trước người thợ hớt tóc (người lính trẻ năm xưa) và sự trốn tránh. Chính anh đã phản bội lại chính mình, phản bội lại lời hứa danh dự của người Cộng sản, phản bội lại lòng tin của một con người vì đồng tiền và hư danh. Từ ngày anh phát hiện ra sự thật chính anh là nguyên nhân dẫn đến sự mù lòa của mẹ người thợ hớt tóc mà cũng chính là người anh chịu ơn năm xưa thì tâm trạng anh luôn đặt ra những câu “giá như”: giá như mình mang bức tranh hay ít nhất nói cho người mẹ ấy biết con bà vẫn còn sống thì chắc bà không mù lòa vì khóc thương con; giá như mình đủ can đảm đến thú nhận sự thật trước cậu ta để mặc cho cậu ta xử tội… Nhưng dù anh có trốn tránh được sự phán xét của mọi người nhưng anh mãi mãi không thoát được sự trừng trị của tòa án lương tâm.
 Những sáng tác sau năm 1975, Nguyễn Minh Châu lấy số phận cá nhân làm khởi điểm, làm mục tiêu hướng tới với nhiều khía cạnh khác nhau. Cái tang thương mất mát được nói tới nhiều hơn, cụ thể hơn và sâu sắc hơn. Nhà văn khai thác khá sâu cái đau thương tổn thất của từng số phận cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể. Khi trình bày những số phận con người, ông cố gắng khám phá chiều sâu của tâm lý và tính cách cũng như tầm khái quát xã hội từng nhân vật. Ông hiểu và đồng cảm sâu sắc cho từng số phận nhân vật. Đó có thể là Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – người đàn bà sống trong mụ mị, ám ảnh và khổ đau vì quá khứ, một cái quá khứ vừa đáng thương vừa đáng trách. Chiến tranh đã cướp của Quỳ quá nhiều thứ. Nó đã biến một người phụ nữ phải sống lẫn lộn giữa cõi thực và cõi mơ trong những cơn mộng du về quá khứ và một thế giới huyền ảo (thế giới mà cô có thể gặp được những người đã ít nhiều vì cô mà chết). Chính nó đã lấy đi Hậu – người bạn thân duy nhất mà cô có thể thoải mái tâm sự, được chở che trong an bình. Nhưng càng đau đớn hơn khi chính vì bảo vệ cô, bảo vệ mối tình thầm kín mà Hậu phải nhận về mình cái chết để cô được sống. Chính cái chết ấy cùng với sự vô tâm của mình đã khiến cô day dứt khôn nguôi. Nếu sự ra đi của Hậu gieo vào lòng Quỳ một nỗi buồn khôn tả thì sự hi sinh anh hùng của Hòa đã biến cô thành một người hoàn toàn khác. Hòa mất đi chị "như một con chim mất bạn, tôi rúc vào một xó nhà…tôi rúc sâu vào trong tấm chăn, chưa bao giờ sống ở trên đời tôi cảm thấy lẻ loi cô độc như vậy…tôi nằm im mà tâm hồn tôi vật vã…tôi đã nằm suốt ba ngày. Người tôi chỉ còn cái xác. Và hai con mắt sâu hoắm thăm thẳm". Đó cũng là cách biểu hiện những cảm giác và nỗi niềm rất riêng của con người khi nhà văn cảm thụ và miêu tả cuộc sống, nhà văn đau cùng nỗi đau của nhân vật, và phải có sự hiểu biết, cảm thông sâu sắc  nhà văn mới có thể sẻ chia được cùng nhân vật của mình những đau đớn bất hạnh mà họ gặp phải.
Phác trong truyện ngắn Mùa trái cóc ở miền Nam mất mát quá nhiều cho cuộc chiến này. Anh may mắn sống cho tới ngày chiến thắng, vinh quang cuối cùng Phác và đồng đội đã đạt đến. Nhưng bất chợt anh nhận ra mình mất mát quá lớn. Cái mất mà ít người Cộng sản nào nhận ra như anh vào thời điểm ấy (trừ đại đội mắc chứng hay ngủ của anh) – đó chính là mất niềm tin. Phác đã đánh rơi lòng tin của chính mình ngay sau ngưỡng cửa vinh quang khi đón nhận thực tế không như anh mong đợi. Hòa bình đối với anh quá chua chát và khổ đau vì để đổi được nó chúng ta phải trả bằng chính xương máu của đồng đội, đồng bào mình và chính anh cũng hi sinh khi hòa binh đã về, tiếng súng quân thù đã tắt. Cái chết của Phác như một lời đề nghị, một sự thừa nhận bế tắc của Nguyễn Minh Châu trong việc tìm lối thoát cho nhân vật của mình và cho chính mình.
C.    KẾT LUẬN
Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu với quan niệm nghệ thuật đầy tính nhân văn và tinh thần nhân đạo đã có nhiều đóng góp trong việc thể hiện con người. Nhà văn đã cảm nhận và thể hiện con người ở những vẻ đẹp và góc độ phản ánh khác nhau tùy theo từng thời kì văn học.
Trước 1975, con người trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu là những con người sử thi, anh hùng. Đó là những con người dám xả thân vì nghĩa lớn tình chung, vì lợi ích cuộc kháng chiến dài lâu của dân tộc; là những con người có phẩm chất anh hùng bất khuất, kiên cường và một thế giới tâm hồn rất mực lãng mạn, thi vị.
Sau 1975, sớm nắm bắt những nhu cầu đổi thay của đời sống cùng quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, Nguyễn Minh Châu đã trở thành một trong những nhà văn tiên phong mở đường cho công cuộc đổi mới nền văn xuôi hiện đại sau 1975, nhất là đổi mới quan niệm về con người. Con người giai đoạn này là những con người đời tư thế sự được nhìn nhận ở phương diện cá nhân trong cuộc sống đời thường, trong mối quan hệ nhân sinh – thế sự. Ở đó, con người mới bộc lộ hết bản chất của mình vừa tầm thường vừa phi thường, vừa cao cả vừa thấp hèn, hừng hực niềm tin cũng dễ dàng yếu đuối trước bả vinh hoa.







TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Văn Hạnh (1993), “Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới về cách nhìn con người”, Nguyễn Minh Châu -  về tác gia, tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2.      Mai Hương (sưu tầm, biên soạn, giới thiệu), (2001), Nguyễn Minh Châu toàn tập, NXB Văn học, Hà Nội.
3.      Phùng Ngọc Kiếm (2000), Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945- 1975, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
4.      Lê Ngọc Trà, (Hợp tuyển công trình nghiên cứ), Vấn đề con người trong văn học - NXB Giáo dục.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét